Các đội bóng khiếu nại với FIFA về VAR: Như "ném đá ao bèo"

Anh Nguyễn Thứ năm, ngày 09/09/2021 17:40 PM (GMT+7)
Dù hỗ trợ đắc lực để tạo ra sự chính xác và công bằng cho các trận đấu bóng đá, nhưng VAR vẫn có lúc gây ra tranh cãi. Đáng chú ý, những khiếu nại về VAR sau khi "sự đã rồi" thường rơi vào quên lãng rất nhanh chóng.
Bình luận 0

Ngày 7/9, trận đấu giữa ĐT Việt Nam và Australia thuộc vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á xuất hiện một tình huống gây tranh cãi. Ở phút 28, tiền vệ Hồng Duy của ĐT Việt Nam có pha dứt điểm đưa bóng trúng tay hậu vệ của Australia trong vòng cấm.

Trọng tài Abdulrahman người Qatar sau đó đã tham khảo công nghệ VAR và thậm chí xem rất kỹ màn hình quay chậm về pha bóng này. Sau đó, ông Abdulrahman quyết định không cho ĐT Việt Nam được hưởng quả phạt đền. Đây là một trong những lý do khiến ĐT Việt Nam thất bại 0-1 trước Australia.

Các đội bóng kiến nghị về VAR: Đa phần là... bị lờ đi - Ảnh 1.

Trọng tài tham khảo VAR và không cho ĐT Việt Nam được hưởng phạt đền ở trận đấu với Australia. Ảnh chụp màn hình

Xung quanh tình huống nói trên, ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF) cho biết, VFF đã gửi thư đến 2 quan chức cao cấp nhất của LĐBĐ thế giới (FIFA) và LĐBĐ châu Á (AFC) để nói về vấn đề trọng tài. Thư do ông Trần Quốc Tuấn ký, gửi Chủ tịch FIFA Gianni Infantino và Chủ tịch AFC Salman Bin Ibrahim Al-Khalifa, với nội dung đề nghị kiểm tra chất lượng công tác trọng tài nhằm đảm bảo công bằng và giữ gìn hình ảnh, uy tín cho vòng loại World Cup.

Thực tế, Việt Nam không có quyền khiếu nại quyết định của trọng tài Abdulrahman về việc không thổi phạt đền. Theo quy định vòng loại World Cup 2022, điều 14 về khiếu nại, mục 6 ghi: "Không được khiếu nại các quyết định của trọng tài liên quan tới tình huống bóng. Trọng tài ra quyết định cuối cùng và các đội tuyển không thể khiếu nại lên FIFA. Quy định này cũng áp dụng với quyết định về công nghệ goal-line và VAR".

Trước ĐT Việt Nam, có nhiều đội bóng cũng đã kiến nghị về VAR. Tuy nhiên, việc họ nhận được hồi âm đã là hiếm. Phần còn lại không được FIFA xác nhận là sẽ trả lời hay có giải quyết cụ thể.

Điển hình cho việc các đội tuyển "thi nhau" kiến nghị là VCK World Cup 2018. Đây là Cúp thế giới đầu tiên VAR được áp dụng trong các trận đấu và ngay lập tức khiến nhiều đội... không hài lòng.

Tại vòng bảng, trong trận đấu giữa ĐT Brazil và ĐT Thụy Sĩ, Stephen Zuber của Thụy Sĩ ghi bàn thắng và vấp phải sự phản đối quyết liệt của các cầu thủ Brazil với trọng tài. Mặc dù vậy, bàn thắng này vẫn được công nhận.

Các đội bóng kiến nghị về VAR: Đa phần là... bị lờ đi - Ảnh 2.

Pha bóng khiến ĐT Brazil bất bình khi bị Thụy Sĩ ghi bàn. Ảnh: FIFA

Sau trận đấu, LĐBĐ Brazil cho rằng tình huống ghi bàn gỡ hòa của Zuber đáng lẽ không nên được công nhận vì cầu thủ này đã phạm lỗi với Miranda. Ngoài ra, ĐT Brazil cũng không được hưởng quả 11m trong tình huống Gabriel Jesus bị phạm lỗi trong vòng cấm.

Ở cả 2 tình huống trên, các cầu thủ Brazil dù đã có ý kiến ngay lập tức nhưng trọng tài đã quyết định không sử dụng công nghệ VAR (công nghệ video hỗ trợ trọng tài). Chính vì vậy mà Selecao đã gặp bất lợi và phải chấp nhận chia điểm.

Trong một bản khiếu nại dài ba trang gửi cho FIFA, LĐBĐ Brazil đã đặt ra 3 câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên là liệu trợ lý trọng tài Paolo Valeri (trong đội ngũ VAR) có trao đổi với trọng tài chính là ông Cesar Ramos về 2 tình huống trên hay không? Câu hỏi thứ 2 là ông Cesar Ramos có yêu cầu đội ngũ VAR phân tích 2 tình huống đó không? Câu hỏi thứ 3 là đội ngũ VAR và trọng tài chính liên lạc với nhau như thế nào?

Chưa đến hai ngày sau, CBF nhận được câu trả lời từ FIFA như sau: "Trước mỗi tình huống, VAR sẽ không nghĩ rằng "Trọng tài đã quyết định đúng chưa?". VAR sẽ nghĩ rằng "Quyết định của trọng tài có sai trầm trọng và dễ thấy không?". Và quyết định của trọng tài là duy nhất và cuối cùng".

Brazil cũng là đội "may mắn" duy nhất khi nhận được hồi âm của FIFA ở giải đấu này. Cũng ở VCK World Cup 2018, nhiều đội khác như Morocco, Hàn Quốc, Senegal đã có kiến nghị khi họ cho rằng trọng tài không sử dụng hoặc sử dụng VAR không hợp lý khiến họ chịu thiệt. Đáp án sau đó là giống hệt nhau: LĐBĐ các nước này không đưa thêm thông tin nào sau kiến nghị lần đầu và FIFA cũng... lờ đi luôn những kiến nghị trên.

Chỉ có một trường hợp duy nhất, trọng tài không có những quyết định chính xác liên quan đến VAR bị trừng phạt là ông Felix Brych. Trong trận đấu tại vòng bảng VCK World Cup 2018 giữa Thụy Sĩ và Serbia, ông Brych LĐBĐ Serbia phản ánh là mắc sai sót có dính dáng đến VAR và khiến Serbia gặp bất lợi.

Các đội bóng kiến nghị về VAR: Đa phần là... bị lờ đi - Ảnh 3.

Trọng tài Brych bị "treo còi" chỉ sau 1 trận tại VCK World Cup 2018. Ảnh: FIFA

FIFA đã "ra tay" với ông Brych khi loại luôn trọng tài rất uy tín này khỏi giải đấu chỉ sau 1 trận cầm còi. Nhưng chính FIFA cũng không đưa ra giải thích nào mang ý nghĩa là họ thừa nhận trọng tài sai khi không sử dụng VAR chính xác.

Tại Premier League, trong trận đấu giữa Liverpool và Everton ở mùa giải 2019/2020, trọng tài và VAR đã bị HLV Jurgen Klopp và các cầu thủ Liverpool phản đối dữ dội. Trọng tài đã công nhận bàn thắng chưa thực sự hợp lệ cho Everton vào giây cuối cùng dù đã tham khảo VAR. Bên cạnh đó, thủ môn Pickford vào bóng nguy hiểm khiến Van Dijk của Liverpool chấn thương nặng nhưng không bị truất quyền thi đấu.

Các đội bóng kiến nghị về VAR: Đa phần là... bị lờ đi - Ảnh 4.

Liverpool kiến nghị về tình huống ghi bàn của Liverpool, nhưng sau đó không nhận được phản hồi. Ảnh: LFC

Những kiến nghị của Liverpool đã được gửi tới LĐBĐ Anh (FA) khi The Kop cho rằng, Pickford phải bị trừng phạt, còn bàn thắng của Everton khiến họ chịu oan ức. Tuy vậy, tất cả những gì Liverpool nhận được sau đó chỉ là... sự im lặng. Cuối cùng, sự việc trên khép lại khi FA "quên" luôn việc có cần giải quyết kiến nghị của Liverpool hay không.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem