Các đối tượng trong đường dây mua bán súng số lượng lớn ở TP.HCM có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ ba, ngày 08/11/2022 14:43 PM (GMT+7)
Công an TP.HCM cho biết các đơn vị nghiệp vụ đã triệt phá đường dây mua bán vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thu giữ số lượng lớn súng đạn, công cụ hỗ trợ. Trong vụ việc này, các đối tượng có thể bị xử lý thế nào?
Bình luận 0

Phá đường dây mua bán súng số lượng lớn

Theo đó, qua công tác nghiệp vụ, Công an TP.HCM phát hiện đường dây mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với số lượng lớn.

Ban giám đốc Công an TP.HCM chỉ đạo Công an TP Thủ Đức, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an quận Gò Vấp, quận 12 cùng một số đơn vị nghiệp vụ khẩn trương truy quét.

Các đối tượng trong đường dây mua bán súng số lượng lớn ở TP.HCM có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Súng, dao, công cụ hỗ trợ... được công an thu giữ. Ảnh: CACC

Qua truy xét, Công an TP.HCM tạm giữ Trần Bá Lộc (25 tuổi, quê Quảng Ngãi); Đinh Việt Thái Bảo (30 tuổi, ngụ quận 12); Nguyễn Quang Huy (25 tuổi); Phan Văn Trí (26 tuổi, cùng ngụ quận Gò Vấp).

Khám xét nơi ở các nghi phạm, lực lượng chức năng thu giữ gần 150 khẩu súng các loại, 250 viên đạn các loại, hơn 4.000 dao, kiếm và hàng trăm công cụ hỗ trợ khác.

Bước đầu, Công an TP.HCM xác định các nghi phạm sử dụng mạng xã hội để đăng tin quảng cáo, trao đổi, mua bán.

Khi có người nhắn tin mua hàng, bọn chúng yêu cầu chuyển khoản đặt cọc, sau đó sử dụng các ứng dụng giao hàng để chuyển hàng cho người mua. Số tiền còn lại người mua sẽ thanh toán chuyển khoản sau khi nhận được hàng.

Dấu hiệu hình sự trong vụ việc

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là một trong những đường dây mua bán, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, dao kiếm, công cụ hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay.

Nếu cơ quan chức năng không phát hiện và xử lý kịp thời, số lượng vũ khí này được lưu hành ngoài cộng đồng sẽ để lại hệ lụy và hiểm họa cực kỳ nguy hiểm, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, thậm chí là tính mạng của người dân.

Theo luật sư Khuyên, ại khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định, vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp.

Bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.

Đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ gồm Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Cảnh sát biển; Công an nhân dân; Cơ yếu; Kiểm lâm, Kiểm ngư; An ninh hàng không; Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan; Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động; Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh.

Như vậy, ngoài những đơn vị nêu trên, tất cả các cá nhân, tổ chức khác không được phép tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí trong danh mục trên.

Nếu cố tình vi phạm, tùy vào tính chất mức độ mà hành vi mua bán, tàng trữ và sử dụng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vị luật sư cho biết, trường hợp hành vi chưa đến mức phải xử lý hình sự các đối tượng có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 11, Nghị định 144/2021 của Chính phủ, mức phạt lên đến 40 triệu đồng.

Nếu cơ quan xác định số súng, đạn, vật liệu nổ mà các đối tượng tàng trữ, mua bán, sử dụng là vũ khí quân sự, hoặc có tính năng, chức năng tương tự như vũ khí quân sự, có thể các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự2015.

Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt là tù từ 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu việc tàng trữ, mua bán và sử dụng dẫn tới hậu quả chết người, gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên hoặc vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem