Từ vụ bé gái 8 tuổi tử vong: "Tôi thấy các tổ chức, bảo vệ trẻ em đều đang nghĩ mình làm rất tốt"

Hà Minh Thứ sáu, ngày 31/12/2021 13:58 PM (GMT+7)
"Tôi thấy các tổ chức, bảo vệ trẻ em đều đang nghĩ mình làm rất tốt, nhưng thực tế cơ chế giẫm chân nhau, chưa có mạng lưới kín để bảo vệ trẻ trước những nguy cơ bị bạo hành" - chuyên gia giáo dục Trần Thành Nam nêu quan điểm.
Bình luận 0

Xã hội hiện đại khiến con người không kiểm soát hành vi

Vụ bé 8 tuổi bị mẹ kế đánh tử vong và nhiều vụ trẻ em bị bạo hành vừa qua khiến dư luận bàng hoàng về đạo đức, lối sống, ứng xử giữa mọi người với nhau, đặc biệt là trẻ nhỏ - đối tượng cần được yêu thương, dạy dỗ.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: "Không thể kết luận hay đưa ra quan điểm đạo đức bị xuống cấp vì từ ngày xưa đã có những vụ việc như vậy. Tuy nhiên, tính chất phức tạp của môi trường xã hội hiện nay làm tăng những nguyên nhân khiến con người không kiểm soát hành vi, cảm xúc. 

Sống và làm việc theo pháp luật nhưng kiến thức, hiểu biết chưa đầy đủ hoặc người có hiểu biết nhưng không có kỹ năng kiểm soát sức khỏe tâm thần nên có hành động trút giận lên người khác. Cuộc sống xã hội càng gấp gáp, nhiều áp lực càng khiến sự thấu cảm mất đi. Ai cũng muốn vượt lên những người khác nên không quan tâm đến cảm xúc của những người ở xung quanh mình. Vụ vi phạm quyền trẻ em tăng thể hiện mặt đứt gãy về mặt tâm lý không thấu hiểu nhau".

Các hội bảo vệ quyền trẻ em ở đâu khi nhiều vụ bạo hành trẻ xảy ra? - Ảnh 1.

Người dân bức xúc tập trung, căng bảng tại khu chung cư S.G.P đòi công bằng cho bé gái 8 tuổi tử vong, nghi do "dì ghẻ" và bố đẻ bạo hành. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Theo PGS Nam, quan điểm kỷ luật tích cực mới được du nhập vào Việt Nam và mọi người ý thức hơn thay vì quan điểm "yêu cho roi vọt". Và nhờ có truyền thông phát triển mạnh mẽ nên các vụ việc xảy ra được lan truyền, lên tiếng nên không bị "chìm xuồng".

"Tuy nhiên, Việt Nam mới chuyển được mặt ý thức chứ chưa chuyển thái độ, cảm xúc, hành vi và vẫn có bước trễ lớn. Hành vi tự phát chưa trở thành thói quen, tự giác. Giáo dục chúng ta trọng thi, học để thi, học kiến thức, chữ nghĩa chứ không phải học làm người, học đạo đức", PGS Nam cho hay.

Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Thị Tố Quyên, Trưởng Khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: "Trong quá trình phát triển cá nhân, có những người hòa nhập, thích nghi, tiếp thu tốt chuẩn mực giá trị. Nhưng lại có những người đứng ngoài giá trị chuẩn mực và hành xử theo kiểu... thích làm gì thì làm, không cần nghĩ đến hậu quả dẫn đến hành vi lệch chuẩn. 

Vụ việc em bé 8 tuổi này, tôi nghĩ hành động rất dã man. Về góc độ xã hội, hiện tượng này đang có chiều hướng gia tăng. Đáng trách nhất là người bố và phải chịu trách nhiệm không nhỏ trước cái chết của con mình.

Một điều nữa, sau khi cháu bé mất thì hàng xóm cho biết có nghe tiếng đánh mắng. Phải nói là hiện nay cuộc sống ở thành phố bây giờ có sự biệt lập, nhà nào biết nhà nấy, việc hòa nhập giữa các cá nhân với nhau đang có vấn đề. Những người xung quanh có thể không nghĩ vụ việc nghiêm trọng nhưng phải nói là có sự vô cảm, coi đó không phải là việc của mình". 

Các hội bảo vệ trẻ em ở đâu khi bạo hành trẻ em xảy ra?

Có người đặt ra câu hỏi, các hội bảo vệ trẻ em và cơ quan liên quan ở đâu khi rất nhiều vụ bạo hành trẻ em đã xảy ra? Tại Việt Nam, các hội đoàn như Hội liên hiệp phụ nữ, Hội bảo vệ trẻ em từ trung ương đến từng địa phương đều có, nhưng thực tế các hội đoàn này chưa phát huy được tác dụng. Ý thức của người dân trước các hành vi bóc lột, bạo hành trẻ em vẫn chưa được coi trọng và thường cho đó là vấn đề riêng của từng gia đình.

Liên quan đến vấn đề này, PGS Trần Thành Nam cũng bày tỏ: "Tôi thấy các tổ chức, bảo vệ trẻ em đều đang nghĩ mình làm rất tốt, đang hướng đến chỗ này chỗ kia và thống kê theo con số. Mặc dù các tổ chức này đã có những thành công nhất định nhưng thực tế cơ chế giẫm chân nhau. Có gần 20 cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng chưa có mạng lưới kín để bảo vệ trẻ trước những nguy cơ bị bạo hành.

Luật pháp có nghiêm khắc các vấn đề như xâm hại tình dục trẻ em, bạo hành... tuy nhiên cũng có những hành vi ở vùng mờ nên quy định chưa rõ ràng. Đặc biệt, những người có nguy cơ bị bạo lực thì lại không được nhận diện từ sớm, những vụ việc xảy ra rồi mới truyền thônng thì chỉ là "bắt cóc bỏ đĩa". 

PGS.TS Nguyễn Thị Tố Quyên cũng cho biết, Việt Nam có những tổ chức bảo vệ trẻ em, luật phòng chống bạo hành. Thế nhưng chỉ những vụ việc bạo hành thể chất lớn thì mới làm rầm rộ còn những vụ việc nhỏ hơn bắt ép, cưỡng chế, bạo hành tinh thần, át chế tinh thần... thì sự kết hợp giữa cơ quan, gia đình, nhà trường đang còn làm hạn chế, chỉ tức thời khi có vụ việc xảy ra.

Theo PGS Quyên, ngoài việc cần nâng cao nhận thức cá nhân trong xã hội, đặc biệt là cha mẹ, những người bảo vệ trẻ em cần nhận ra những điều đúng, sai để điều chỉnh hành vi phù hợp thì các tổ chức, cơ quan, đơn vị, chính quyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội bảo vệ trẻ em, Hội Thanh niên... cần phát huy hơn vai trò của mình. Các tổ chức cần sớm phát hiện bạo hành trẻ em để ngăn ngừa, đề phòng, phải tuyên truyền, giáo dục nhận thức, nhất là những vụ việc nhỏ không được bỏ qua như hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem