Các "ông lớn" FDI Lotte, Pouyuen và Long Well lỗ hai năm liên tiếp

An Linh Thứ hai, ngày 16/01/2023 11:10 AM (GMT+7)
Lotte, Pouyuen và Long Well là ba doanh nghiệp FDI lỗ lớn trong hai năm 2020-2021 được Bộ Tài chính dẫn ra trong báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, Bộ Tài chính khẳng định khu vực FDI vẫn bộc lộ nhiều hạn chế cố hữu.
Bình luận 0

"Ông lớn" FDI thua lỗ liên tiếp

Cụ thể, trong báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2021 của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính nêu đích danh ba doanh nghiệp FDI có quy mô vốn lớn, thua lỗ nặng trong hai năm 2021, 2020.

Cụ thể, Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam, hết năm 2021, doanh thu doanh nghiệp này giảm mạnh 945 tỷ đồng, tương đương giảm gần 16%, lợi nhuận sau thuế giảm 780 tỷ đồng và số lỗ của Lotte trong hai năm liên tiếp 2020 là 41 tỷ đồng và 821 tỷ đồng năm 2021.

Các ông lớn FDI" Lotte, Pouyuen và Long Well đang lỗ hai năm liên tiếp - Ảnh 1.

Bộ Tài chính cho biết Lotte Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp lỗ hai năm liên tiếp (Ảnh CTV).

Số nợ/vốn chủ sở hữu của Lotte Việt Nam năm 2021 là 200%, điều này cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng nợ để tài trợ cho tài sản và các chỉ số sinh lợi âm do Lotte hoạt động thu lỗ 2 năm liên tiếp.

Đáng nói, doanh nghiệp sản xuất giày dép có quy mô hàng chục nghìn lao động ở TP.HCM là Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam và Công ty TNHH Long Well (Đồng Nai) cũng có vấn đề về sức khoẻ tài chính.

Trong hai năm 2020-2021, Pouyuen Việt Nam đều lỗ sau thuế, số lỗ năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2020, số lỗ của Pouyuen Việt Nam là 811 tỷ đồng, sang năm 2021 số lỗ của doanh nghiệp này là hơn 1.131 tỷ đồng.

Trong khi đó, cả hai năm, doanh thu của Pouyuen Việt Nam vẫn cao, năm 2020 doanh thu hơn 25.000 tỷ đồng; năm 2021 là hơn 19.900 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước của Pouyuen Việt Nam năm 2020 là 99 tỷ đồng, sang năm 2021 giảm chỉ còn 29 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty TNHH Long Well năm 2020 chỉ có lãi sau thế 1 tỷ đồng, sang năm 2021 phát sinh lỗ sau thuế hơn 240 tỷ đồng, trong khi đó doanh thu năm 2020 của công ty này chỉ 21 tỷ đồng, năm 2021 là 189 tỷ đồng. Đáng nói, hai năm liên tiếp 2020-2021, Long Well đều chỉ nộp ngân sách vỏn vẹn 2 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân, Bộ Tài chính cho rằng: Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất giày dép gặp khó khăn trong năm 2021 do dịch Covid-19 và giãn cách xã hội. Họ bị thiệt hại lớn do phải ngừng, giảm sản xuất hoặc bị khách hàng huỷ đơn hàng xuất khẩu… Pouyuen Việt Nam và Long Well không tránh khỏi biến động chung của toàn ngành khi thể hiện sự suy giảm rõ rệt về kết quả kinh doanh.

Theo Bộ Tài chính, dù chiếm có vai trò đặc biệt quan trong nhưng khu vực FDI vẫn tồn tại nhiều vấn đề như sử dụng vốn bằng vay nợ, đóng góp ngân sách chưa cao so với doanh thu và tính lan toả thấp...

Cụ thể, dù tăng trưởng tổng tài sản của doanh nghiệp FDI năm 2021 so với năm 2020 tăng trên 1 triệu tỷ đồng, trên 13%, song tốc độ tăng của nợ phải trả của doanh nghiệp FDI cũng cao 14,7%. "Điều này cho thấy sự mở rộng tài sản của doanh nghiệp FDI đến từ khoản nợ nhiều hơn là từ nguồn vốn của nhà đầu tư", Bộ Tài chính cho hay.

Bên cạnh đó, dù số nộp ngân sách năm 2021 của khu vực FDI tăng 9,3% so với năm trước song tốc độ tăng nộp ngân sách của FDI chậm hơn so với tốc độ tăng của nguồn vốn, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp FDI, cho thấy: "Mức đóng góp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp FDI chưa thực sự tương xứng với mức đầu tư và kết quả kinh doanh của họ", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung ở các vùng có điều kiện thuận lợi như Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng, một số tỉnh thành có trình độ cao dẫn đến phát triển không đồng đều giữa các vùng, địa phương. Các sản phẩm của nhà đầu tư nước ngoài xuất khẩu chủ yếu là hàng gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động, công nghệ chưa cao, tỷ lệ nội địa hoá còn thấp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem