Chiếm trên 74% kim ngạch xuất khẩu, khối FDI đang "thống trị" giá trị thương mại Việt Nam
Xuất khẩu cao nhưng chỉ là của nước ngoài?
Cụ thể, theo ước tính của Bộ Công Thương, dự kiến hết năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021.
Trong đó, đáng chú ý xuất khẩu đạt kim ngạch khoảng 371,5 tỷ USD, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%).
Nhập khẩu đạt 360,5 tỷ USD, xuất siêu nền kinh tế có thể đạt mức khoảng 11 tỷ USD, là năm thứ 7 liên tiếp, nền kinh tế Việt Nam xuất siêu.
Bộ này ước tính, có khoảng 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 01 tỷ USD dự kiến đạt 39 mặt hàng (tăng 04 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 09 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (tăng hơn 01 mặt hàng so với năm 2021).
Bộ Công Thương khẳng định, 7 năm nền kinh tế xuất siêu đã góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Đặc biệt, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về nhập khẩu, Bộ Công Thương ước tính, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2022 dự kiến tăng khoảng 8,5% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 6%.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương chỉ rõ hạn chế trong thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam là dù xuất khẩu tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn (kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI kể cả dầu thô chiếm khoảng 74% tổng KNXK). Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn.
Tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm.
Quan trọng nhất, năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa cao.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thực tế đạt 701,3 tỷ USD, nền kinh tế xuất siêu 10,34 tỷ USD.
Tuy nhiên, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với 487,4 tỷ USD. Cụ thể, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 262,6 tỷ USD, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhập khẩu đạt 224,8 tỷ USD, chiếm khoảng 65% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Khu vực FDI xuất siêu con số rất lớn trên 37,8 tỷ USD.
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước chỉ xuất khẩu đạt kim ngạch 93,2 tỷ USD, nhập khẩu đến 120,7 tỷ USD, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập khẩu rất lớn khoảng 27,5 tỷ USD. Đóng góp vào thành tích xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước cũng rất khiêm tốn khi chỉ đóng góp 26% vào giá trị xuất khẩu và 34% vào giá trị nhập khẩu của Việt Nam.
Rõ ràng, đóng góp vào thành tích xuất siêu và tổng kim ngạch của khu vực FDI đang rất lớn, doanh nghiệp nước ngoài hiện "thống trị" của nền kinh tế Việt Nam.