Cách làm hay cải thiện đời sống cho trẻ em của chính quyền một huyện ở Lai Châu

Tuấn Hùng
05/02/2025 15:04 GMT +7
Nhiều cách làm hay nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho trẻ em vùng cao được các cấp chính quyền huyện Sìn Hồ, Lai Châu triển khai hiệu quả; đây cũng là giải pháp hữu hiệu từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển, mang lại tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ trẻ.

Trẻ em vùng cao ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu) nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung phải đối mặt nhiều thách thức về giáo dục, y tế và dinh dưỡng. Tại các xã vùng cao Sìn Hồ, những năm qua, sự quan tâm từ chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã mang đến nhiều thay đổi cho cuộc sống của trẻ em nơi đây.

Những suất học bổng, bữa ăn bán trú đến việc cải thiện trường lớp, tất cả đều hướng tới mục tiêu giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn không ít khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ.

Cải thiện đời sống cho trẻ em vùng cao Sìn Hồ

Những năm qua, huyện Sìn Hồ đã ưu tiên triển khai hàng loạt chính sách nhằm cải thiện điều kiện học tập và sinh hoạt cho trẻ em vùng cao. Các chương trình như: “Nâng bước em đến trường”... đã hỗ trợ học bổng, đồng phục, sách vở cho học sinh nghèo được duy trì thường xuyên.

Theo số liệu của UBND huyện Sìn Hồ, chỉ riêng 2 năm (2023 và 2024) hàng nghìn suất học bổng đã được trao cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại nhiều trường học đã được nâng cấp đáng kể.

Bên cạnh sự chăm lo của chính quyền địa phương, mùa đông này, các em học sinh Trường PTDTBT THCS Pa Tần (xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, Lai Châu) được các mạnh thường quân hỗ trợ hàng trăm suất quà như thiết bị học tập, quần áo ấm... Ảnh: Thu Hòa

Những ngày đầu Xuân mới, trong căn phòng ấm cúng, ông Trần Văn Sứng, Chủ tịch huyện Sìn Hồ chia sẻ cho chúng tôi những thông tin rất đáng mừng: “Chăm lo cho trẻ em không chỉ là trách nhiệm mà còn là động lực để huyện phát triển bền vững. Chính quyền huyện, các phòng chuyên môn luôn cố gắng huy động tối đa nguồn lực, từ ngân sách Nhà nước đến sự hỗ trợ của các tổ chức, để đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội học tập và phát triển”.

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, ngân sách của huyện và từ các tổ chức đoàn thể… nhiều trường học trong huyện đã được xây dựng và sửa chữa. Điển hình là trường Tiểu học Nậm Tăm (xã Nậm Tăm), Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Tả Ngảo (xã Tả Ngảo)… xuống cấp, cơ sở vật chất thiếu thốn, nay đã trở thành những ngôi trường khang trang với đầy đủ phòng học, thư viện và khu vui chơi. Những cải thiện này đã giúp giảm tỷ lệ học sinh bỏ học tại địa phương…

Bên cạnh các chính sách, vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc chăm sóc trẻ em cũng được thể hiện rõ nét. Đoàn Thanh niên huyện Sìn Hồ đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: “Áo ấm mùa đông”, các chương trình tình nguyện hè và tổ chức sân chơi kỹ năng sống cho trẻ em vùng cao. Tại xã Làng Mô, Chăn Nưa, Tủa Sín Chải… chiến dịch “Thắp sáng ước mơ” của đoàn thanh niên đã giúp trang bị hệ thống điện năng lượng mặt trời cho các điểm trường vùng sâu vùng xa, mang lại ánh sáng và điều kiện học tập tốt hơn cho các em học sinh.

Đời sống vật chất và tinh thần của trẻ em vùng cao Sìn Hồ (Lai Châu) đã và đang được các cấp chính quyền huyện quan tâm, triển khai nhiều giải pháp thực hiện. Ảnh: Mạnh Tuấn

Anh Mùa A Nhé, Bí thư Đoàn xã Làng Mô cho biết: “Chúng tôi mong muốn trẻ em ở những vùng khó khăn không chỉ được hỗ trợ vật chất mà còn có không gian vui chơi, học tập và phát triển kỹ năng sống. Đây là cách để các em có thể tự tin hơn trong tương lai...”.

Những chính sách và hoạt động hỗ trợ đã tạo ra thay đổi rõ rệt cho cuộc sống của trẻ em tại nhiều xã, bản vùng cao. Những địa phương từng có tỷ lệ học sinh bỏ học cao, do đời sống khó khăn, cộng đồng còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu nhưng nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền, các hội đoàn thể… các em học sinh nơi đây đã có điều kiện học tập ổn định hơn, từ đó duy trì được sĩ số và tỷ lệ chuyên cần tại các trường.

Chia sẻ với nhóm phóng viên của báo Nông thôn Ngày nay, chị Tao Thị Mây, người dân xã Nậm Cha hồ hởi cho biết: “Nhờ có nhà bán trú, con tôi không còn phải đi bộ hàng giờ đến trường. Bữa cơm miễn phí cũng giúp gia đình tôi đỡ lo lắng hơn về chi phí. Chúng tôi rất cảm ơn chính quyền các cấp đã giúp đỡ để trẻ em trong xã có điều kiện học tập tốt hơn”.

Nhờ sự hộ trợ từ các cấp chính quyền các em học sinh Trương PTDTBT Tiểu học Tả Ngảo đã có được cơ sở vật chất khang trang. Ảnh: Mạnh Tuấn 

Theo ghi nhận của phóng viên, tỷ lệ học sinh bỏ học tại huyện Sìn Hồ giảm từ 20% vào năm 2015 xuống chỉ còn 3% vào năm 2024. Từ đó có thể thấy đời sống học sinh dần được cải thiện, đã giúp các em yên tâm hơn trong hành trình đến trường. Số lượng trẻ em được tiếp cận với các chương trình giáo dục và dinh dưỡng cũng tăng rõ rệt. Trong năm vừa qua, 100% trẻ em trên địa bàn huyện tới độ tuổi đi học đều được đến trường, trẻ em dưới 6 tuổi được tiêm chủng và chăm sóc sức khỏe thường xuyên đạt trên 90%...

Nâng bước cho trẻ em vùng cao Sìn Hồ

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, việc chăm lo cho trẻ em vùng cao Sìn Hồ vẫn còn không ít khó khăn. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em tại các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn cao do điều kiện kinh tế của nhiều hộ gia đình còn hạn chế.

Bên cạnh đó, phần lớn người dân sống dựa vào nông nghiệp mùa vụ nên việc đầu tư cho con em đi học và đảm bảo dinh dưỡng thường xuyên chưa đảm bảo. Đặc biệt, tại các bản xa như Làng Mô, Tả Ngảo... nhiều em học sinh phải đi bộ hàng giờ để đến trường, ảnh hưởng đến việc duy trì sĩ số.

Niềm vui của các em học sinh xã biên giới Pa Tần, huyện Sìn Hồ, Lai Châu mặc những chiếc áo ấm được tặng từ các mạnh thường quân. Ảnh: Thu Hòa

Chia sẻ thêm với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Sứng cho hay, trước những khó khăn thách thức đó, cấp ủy và chính quyền huyện Sìn Hồ đã xây dựng và triển khai những mục tiêu cụ thể và lâu dài. Các chương trình hỗ trợ sẽ tập trung vào cải thiện tình trạng dinh dưỡng thông qua việc cung cấp các bữa ăn bán trú tại trường, kết hợp hỗ trợ lương thực, sinh kế... cho các hộ gia đình khó khăn.

Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh xây dựng hệ thống trường lớp khang trang với đầy đủ cơ sở vật chất tại các xã, bản vùng cao, nhằm tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em. Song song với đó, các hoạt động tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho phụ huynh về tầm quan trọng của giáo dục cũng được chú trọng. Chính quyền huyện cũng đã đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 10% và đảm bảo tất cả các trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và cuộc sống của trẻ em.

Hành trình chăm lo cho trẻ em vùng cao Sìn Hồ với những giải pháp và cách làm hay là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với sự chung tay của cộng đồng và sự quyết tâm của chính quyền, những thay đổi tích cực đang diễn ra từng ngày. Đây là động lực để Sìn Hồ tiếp tục hành trình vì tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ mai sau.

Tuấn Hùng