"Đông ấm" và câu chuyện sẻ chia khó khăn với trẻ em nghèo ở vùng cao Lai Châu

Tuấn Hùng
11/02/2025 10:52 GMT +7
Chương trình "Đông ấm" với hàng trăm chiếc áo ấm, chăn mùa đông, đồ dùng học tập và thực phẩm từ các nhà hảo tâm ở Bình Dương, Sài Gòn đã được trao tận tay các em học sinh nghèo ở vùng cao Lai Châu. Những hoạt động thiện nguyện này đã phần nào giảm bớt gánh nặng trên vai các thầy cô giáo và tiếp thêm sức mạnh để các em học sinh nghèo ở vùng cao Lai Châu vươn lên trong cuộc sống.

Sẻ chia khó khăn với trẻ em nghèo Lai Châu

Nếu ai đã từng tới những điểm bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở Lai Châu vào mùa Đông, được trải nghiệm cái khắc nghiệt của thời tiết nơi đây sẽ cảm nhận được những khó khăn, vất vả của thầy trò vùng cao nơi đây. Băng giá phủ thành lớp trên những con đường nhỏ dẫn đến các điểm trường. Thầy, cô giáo phải vượt qua những con đường trơn trượt trong cái lạnh thấu da thịt để đến lớp. Các học trò nhỏ với đôi chân trần hay dép mòn, chống chọi với cái lạnh cắt da cắt thịt bên bếp lửa nhỏ trong những lớp học. Sự thiếu thốn về trang thiết bị và điều kiện học tập làm tăng thêm phần khó khăn cho cả thầy và trò ở vùng cao xa xôi này.

Từ sự quan tâm của Nhà nước, với các chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chương trình mục tiêu quốc gia... sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở Lai Châu đã nhận được sự đầu tư lớn, nhờ đó có những đổi thay rất đáng mừng; tuy nhiên, nhiều khu vực ở vùng cao, vùng biên giới Lai Châu vẫn còn khó khăn, thiếu thốn.

Mùa Đông ở Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng có thời tiết rất khắc nghiệt, ảnh hướng rất lớn đến đời sống của người dân và các em học sinh. Ảnh: Đông Ấm

Tà Tổng là xã thuộc diện vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, thu nhập phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Địa hình chia cắt, đất nông nghiệp ít, thiếu nước sản xuất, khí hậu khắc nghiệt, nhất là về mùa Đông, có năm nhiệt độ xuống đến 0 độ C…

Chia sẻ với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt/điện tử Trang Trại Việt, cô giáo Lò Thị Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&CS Nậm Ngà (bản Cao Trải, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu) cho biết: Mỗi khi Đông về, nỗi lo áo ấm, chăn ấm, giày, tất giữ ấm cho các em học sinh là một bài toán khó với các thầy cô giáo nhà trường. Nhìn các em học sinh mong manh vài tấm áo mỏng, đôi chân trần thiếu tất ấm mà xót thương. Với khả năng tài chính của bản thân, tôi và các đồng nghiệp cũng chưa có giải pháp nào lâu dài, bền vững để các em không phải lạnh trong những mùa Đông giá rét. Năm nào cũng vậy, khi mùa Đông cận kề, chúng tôi lại liên hệ khắp nơi để xin thêm tấm áo, chiếc chăn, đôi tất hoặc đôi ủng cho học sinh của mình. Trường nghèo, đông học sinh (gần 1.000 em), mỗi năm áo ấm cũng hỏng đi, có nhiều học sinh ra trường và cũng có thêm học sinh mới vào trường nên ai cho gì chúng tôi đều vui mừng nhận hết, miễn các học sinh của mình được ấm...

Đời sống của học sinh vùng cao ở Lai Châu còn nhiều khó khăn. Ảnh: Đông Ấm

Cùng tâm tư như cô Nguyệt, các thầy cô giáo ở Trường PTDTBT THCS Pa Tần (xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, Lai Châu) cũng chung nỗi lo mỗi khi mùa Đông về. Là trường bán trú nhưng đời sống của học sinh còn nhiều khó khăn, nhất là các em học sinh người dân tộc thiểu số, trong đó có các em học sinh dân tộc Mảng (một dân tộc thiểu số ít người). Để có đủ áo ấm, chăn ấm, giày tất vào mùa Đông là nỗi lo không chỉ của các bậc phụ huynh học sinh mà còn là nỗi lo của các thầy cô giáo. Chia sẻ về nguyện vọng của mình và nhà trường, cô giáo Bùi Thị Thanh Hòa mong muốn xin thêm áo ấm, chăn ấm cho các em học sinh bán trú, dù là quần áo cũ hay quần áo mới đều rất quý. Không chỉ xin quần áo, chăn ấm cho học sinh của mình, cô Hòa còn ngỏ ý xin cho cả người dân, nhất là các gia đình nghèo ở quanh vùng.

"Áo ấm, chăn ấm, giày, tất mùa Đông ở vùng cao không chỉ là trang phục bảo vệ sức khỏe trước giá rét khắc nghiệt, mà còn là sự sẻ chia ấm áp giữa cộng đồng. Mỗi chiếc áo, dù cũ hay mới, đều mang trong mình ý nghĩa sâu sắc về sự ấm áp, hy vọng và tình người", cô Hòa bùi ngùi bày tỏ.

Câu chuyện tình người

Đáp lại những mong muốn của thầy cô và học sinh nghèo ở vùng cao Lai Châu, hàng nghìn phần quà đã nhanh chóng được các nhà hảo tâm từ các tỉnh Bình Dương, Sài Gòn... quyên góp, đóng gói, vận chuyển qua chặng đường dài cả nghìn dặm để trao tận tay các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở 3 huyện biên giới Nậm Nhùn, Sìn Hồ và Mường Tè (Lai Châu).

Hàng nghìn phần quà gồm áo ấm, chăn mùa Đông, giày, dép, tất, thực phẩm và nhiều vật dụng khác được các nhà hảo tâm quyên góp, sẻ chia khó khăn với trẻ em vùng cao Lai Châu. Ảnh: Đông Ấm

Không dấu nổi niềm vui, doanh nhân Xà Thuỵ Hà Vy (một nhà hảo tâm đến từ tỉnh Bình Dương) chia sẻ: Mùa Đông năm nay, anh em chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu vượt mong đợi với số người không đếm xuể đã được nhận thêm áo ấm, chăn ấm và thiết bị học tập cũng như thực phẩm... Tôi và những người bạn đều không thể nhớ đã nhận bao nhiêu lời cảm ơn từ các thầy cô, các cháu học sinh và bà con dân bản. Những lời tri ân sâu sắc ấy như tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi tiếp tục triển khai các hoạt động hướng tới đồng bào khó khăn trên mọi miền tổ quốc.

Các em học sinh Trường TH&THCS Pú Đao, xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu vui mừng nhận quà từ các nhà hảo tâm. Ảnh: Đông Ấm

Được biết, chương trình "Đông ấm" sẻ chia khó khăn với trẻ em nghèo Lai Châu đã được nhóm thiện nguyện của doanh nhân Xà Thuỵ Hà Vy và những người bạn triển khai nhiều năm qua và sẽ còn tiếp tục được triển khai trong những năm tới.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, doanh nhân Xà Thuỵ Hà Vy cho hay: Trăn trở nhất của chúng tôi là hình ảnh bà con và các cháu học sinh trong mùa Đông giá rét. Ai đã từng đến miền núi Tây Bắc vào mùa Đông mới thấu cảm được cái rét cắt da cắt thịt, nhiệt độ có lúc xuống dưới 0 độ; trâu bò, lợn gà nhiều lúc còn không sống nổi. Vậy mà nơi ấy có những cháu bé, bà con chỉ có vài tấm áo mỏng, để đầu trần, đi chân đất.

Các em nhỏ vùng cao Lai Châu và những món quà từ các nhà hảo tâm. Ảnh: Đông Ấm

"Hạnh phúc nào hơn khi chứng kiến các em học sinh nghèo có thêm tấm áo cho mình và cũng tự tay chọn những tấm áo cho ông bà, bố mẹ, anh chị em của mình. Ở thành phố có nhiều cháu áo quần mặc không hết, dép giày chưa kịp mang đã chật nhưng ở miền núi khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa chiếc áo hay đôi giày ấm... là niềm ao ước của các em học sinh nghèo", doanh nhân Xà Thuỵ Hà Vy bày tỏ.

Hoạt động thiện nguyện của doanh nhân Xà Thuỵ Hà Vy và những người bạn đã phần nào giảm bớt gánh nặng trên vai các thầy cô giáo, các bậc phụ và tiếp thêm sức mạnh cho các em học sinh vùng cao Lai Châu. Ảnh: Đông Ấm

Những chiếc áo, tấm chăn, đôi giày, đôi tất... không chỉ giữ ấm cơ thể, mà còn là tấm lòng ấm áp của những nhà hảo tâm gửi đến những người khó khăn. Mỗi chiếc áo, tấm chăn là sự sẻ chia, là tình người lan tỏa, giúp họ vượt qua giá rét; đây cũng là hành động thiết thực, mang lại niềm tin và hy vọng trong mùa Đông giá lạnh. Chương trình "Đông ấm" do doanh nhân Xà Thuỵ Hà Vy và những người bạn một lần nữa tiếp thêm sức mạnh cho học sinh nghèo ở vùng cao Lai Châu.

Tuấn Hùng