Cải cách tiền lương: Mức tăng dự kiến này có thỏa mãn những người đang hưởng lương hưu

Thùy Anh Thứ ba, ngày 12/03/2024 19:00 PM (GMT+7)
Cùng với công chức, viên chức, từ ngày 1/7 tới đây, những người về hưu cũng sẽ được hưởng lợi, tăng lương từ việc cải cách tiền lương.
Bình luận 0

Cải cách tiền lương: Chỉ mong lương hưu có thể đáp ứng được mức sống tối thiểu

Từng là cán bộ công ty thực phẩm, ông Tạ Hữu Đợi (78 tuổi), Hoằng Hóa, Thanh Hóa về hưu theo chế độ mất sức lao động sau 23 năm công tác. Lúc về hưu, ông nhận mức lương hưu chỉ gần 1 triệu đồng. Dần dần, tiền lương hưu có tăng nhưng không đáng kể.

Hiện giờ tiền lương của ông là 3,7 triệu đồng/tháng. Mức lương này tuy không cao nhưng cũng đủ duy trì mức sống tối thiểu cho ông ở vùng quê.

"Cách đây 1 năm lúc vợ tôi còn sống, hai ông bà chỉ sống nhờ 3 triệu tiền lương hưu. Bà ấy thì ốm đau, vợ chồng tôi nợ nần tiền xây nhà, thuốc thang nên cuộc sống vô cùng khó khăn, giờ có mình tôi thì cũng tạm đủ", ông Đợi nói.

Theo chia sẻ của ông Đợi, nếu với mức lương hưu hơn 3 triệu đồng, một mình ông có thể đủ sống, tuy nhiên, nếu phải chi phí thêm các khoản đình đám, nợ nần thì là không đủ.

Tuy nhiên, mức lương hưu của ông Đợi chưa phải là mức lương hưu thấp nhất hiện nay. Nhiều giáo viên mầm non về hưu đang nhận mức lương hưu còn thấp hơn nhiều. Bà Nguyễn Thị Lâm (65 tuổi) nguyên là giáo viên mầm non chỉ nhận mức lương hưu hơn 1,8 triệu đồng. 

Bà Lâm chia sẻ: "Nghĩ bao năm cống hiến mà về hưu chỉ nhận được mức lương thấp ngang ngửa mức thu nhập của hộ nghèo. Tôi cũng kêu khắp nơi nhưng kêu mãi vẫn không được giải quyết".

cải cách tiền lương

Những giáo viên mầm non buồn rầu khi nhận mức lương hưu thấp không đủ sống. Ảnh: Hà Đồng

Nghe tin Chính phủ sắp cải cách tiền lương, có chính sách tăng lương hưu, bà Lâm rất vui mừng. Nếu lương hưu tăng được 15% thì mức lương hưu của bà cũng tăng thêm được gần 300 nghìn đồng. Số tiền tăng lương hưu này cộng với số tiền điều chỉnh lương hưu trượt giá theo quy định hàng năm thì tiền lương hưu của bà Lâm cũng tăng được thêm khoảng 400-500 nghìn đồng/tháng. Khoản tiền tuy không nhiều nhưng cũng có giá trị lớn với một lao động về hưu, sống ở quê như bà.

"Lúc đi làm đã khó khăn, về già càng khó khăn hơn vì lương hưu không đủ sống, tiền mất giá. Nghĩ nhiều lúc tuổi thân. Thôi thì chỉ mong nhà nước sớm tăng lương hưu. Với tôi tăng ít tăng nhiều đều quý, một đồng mà có còn hơn không có đồng nào", bà Lâm nói.

Hiện nay, Bộ LĐTBXH cũng đang trình dự thảo tăng lương hưu và tăng trợ cấp xã hội hàng tháng. BHXH đề xuất mức tăng lương hưu vào khoảng 8%; Bộ LĐTBXH thì cho rằng mức tăng lương hưu phải vào khoảng 15% mới đảm bảo mức sống tối thiểu.

Theo phân tích của BHXh Việt Nam, tiền lương hưu của giáo viên mầm non về hưu thấp là do: Thời gian đóng BHXH ngắn (thường chỉ đóng BHXH từ tháng 1/1995 trở đi cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mới chỉ đóng đủ 20 năm) nên tỉ lệ hưởng lương hưu chỉ khoảng 60%. Nguyên nhân thứ 2 là do mức đóng BHXH chủ yếu chỉ tính trên mức tiền lương tối thiểu chung (sau gọi là lương cơ sở, hiện nay là hơn 1,4 triệu đồng/tháng) nên lương hưu thấp (khoảng 60% của lương cơ sở). Nhiều trường hợp lương hưu thấp đã được bù đủ bằng lương cơ sở, nhưng mức này vẫn quá thấp so với cuộc sống hiện nay. 

Cải cách tiền lương: Tăng lương hưu cũng phải đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng

Từng nhiều năm làm nghiên cứu chính sách an sinh xã hội, TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH), cho biết nguyên tắc rất cơ bản của hưu trí là theo quan hệ đóng - hưởng và theo mức cống hiến của người lao động trước đây. Người nào lương cao, đóng bảo hiểm xã hội nhiều tiền thì khi về hưu được hưởng lương hưu cao.

"Còn nếu chỉ thực hiện tăng lương hưu tỉ lệ cao cho những người có mức hưởng thấp; và không tăng lương hưu hoặc tăng lương hưu tỉ lệ thấp cho người có mức hưởng cao là bất bình đẳng. Và không phản ánh được công lao đóng góp trong quá khứ của người ta được trọn hưởng suốt cuộc đời", ông Dũng nói.

Do vậy, từ ngày 1/7/2024 vẫn thực hiện tăng lương hưu cho tất cả các đối tượng về hưu cùng một tỉ lệ. Đối với những trường hợp khi đã tăng lương, mức hưởng vẫn thấp dưới chuẩn lương hưu thì Nhà nước áp dụng chính sách tăng thêm đến bằng mức chuẩn lương hưu.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Vấn đề xã hội Quốc Hội (Ủy Ban Xã hội), nguyên nhân chính dẫn tới việc một bộ phận người về hưu nhận lương hưu thấp là do thời gian dài chúng ta quy định việc đóng BHXH dựa trên một nền tiền lương và nền tiền lương ấy quá thấp.

lương hưu

Tới đây lương hưu có thể tăng thêm 15%. Ảnh: Tiến Dũng

"Nguyên tắc của BHXH là có đóng có hưởng, đóng thấp hưởng thấp, đóng cao hưởng cao, không đóng không hưởng. Vì thế nếu anh đóng ít thì hưởng ít là đương nhiên", ông Lợi nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Lợi, vấn đề này không phải là lỗi của người lao động, đây một phần là do cơ chế đóng hưởng BHXH trước đây, một phần là do các doanh nghiệp "lách luật" trong việc thực hiện đóng BHXH. Nhiều doanh nghiệp chia nhỏ phần thu nhập để giảm tiền lương, căn cứ đóng BHXH.

Ông Lợi cũng cho rằng, không nên phân biệt tỷ lệ tăng lương hưu cho người về hưu, bởi vì điều này là không công bằng với những người về hưu. Lúc còn công tác, mỗi người có một sự đóng góp khác nhau, điều này được thể hiện qua mức tiền lương và mức đóng BHXH dựa trên mức đó. Vì vậy, người đóng cao thì hưởng cao, người đóng thấp thì hưởng thấp.

Tuy nhiên, ông Lợi cũng đồng tình trong việc phải giải quyết tình trạng lương hưu "quá thấp" của người về hưu, đảm bảo mức lương hưu phải cao hơn hoặc bằng với mức sống tối thiểu quy định chuẩn nghèo khu vực nơi người đó sinh sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem