Cấm giả mạo điều kiện để đăng ký thường trú

Thứ sáu, ngày 22/03/2013 07:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đây là nội dung trọng tâm trong phiên họp ngày 21.3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú.
Bình luận 0

Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH nhấn mạnh: Dự án luật đã có nhiều điểm được sửa đổi, bổ sung theo hướng rút gọn hơn so với dự thảo đã được trình UBTVQH tại phiên họp thứ 14. Qua đó, dự thảo lần này bổ sung 2 hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm hành vi giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình nhưng người này thực tế không cư trú tại chỗ ở đó hoặc để trục lợi.

Đây là những hành vi khá phổ biến mà một số người dân hay lợi dụng để đăng ký thường trú. Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều hành vi giả mạo khác để đăng ký thường trú như giả mạo kết hôn, giả mạo họ hàng thân thích, giả mạo giấy tờ tuyển dụng… Vì vậy, một số đại biểu đề nghị cần rà soát lại quy định trong dự thảo để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

img
Nhiều hộ dân cư trú 20 năm ở xóm nhà thuyền phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội) nhưng chỉ được đăng ký tạm trú.

Ngoài quy định tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm, dự án luật đã bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc T.Ư khi có chỗ ở hợp pháp và bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nêu ý kiến: Chỉ nên áp dụng các quy định này trong nội thành của các thành phố trực thuộc T.Ư.

“Chúng tôi thống nhất với ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc này chỉ nên áp dụng với nội thành. Còn ngoại thành của các thành phố trực thuộc T.Ư cũng giống như các thành phố khác nên điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú đối với ngoại thành của Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng nên tương tự như các thành phố khác thì hợp lý hơn, đảm bảo quyền bình đẳng của dân giữa các tỉnh, thành phố” - ông Hiện phân tích.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai băn khoăn: Các nội dung được sửa đổi, bổ sung lần này quá ít, liệu có đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư. “Nếu được thì nên phối hợp xem xét để bổ sung một số điều. Nếu thấy còn vấn đề gì qua tổng kết, có vấn đề gì mới mẻ hơn đáp ứng yêu cầu trong cư trú, trong những công việc cụ thể như thường trú, tạm trú, cần nghiên cứu thêm, bổ sung một số ít vấn đề, chính sách nữa để trình Quốc hội cho đầy đủ hơn.

Hôm nay 22.3, UBTVQH sẽ chất vấn chánh án TANDTC, bộ trưởng GDĐT về những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của 2 bộ, ngành này.

* Quốc hội cần nghiên cứu đề án thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội, có địa vị pháp lý cao hơn hiện nay, để giải quyết các vấn đề khiếu nại, tố cáo còn bất cập. Đó là đề nghị của ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, tại hội thảo trao đổi kinh nghiệm về công tác dân nguyện tổ chức tại TP.HCM ngày 21.3.

Theo ông Hà Công Long - Phó ban Dân nguyện của UBTVQH, khi thành lập Ban Dân nguyện vào tháng 3.2003, UBTVQH chưa giao cho Ban nhiệm vụ giúp UBTVQH giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Vì chưa phải là chủ thể có thẩm quyền giám sát theo Luật Hoạt động giám sát nên khi thực hiện nhiệm vụ này, Ban cũng gặp không ít khó khăn, lúng túng.

“Từ thực tiễn hoạt động công tác dân nguyện giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cũng như quá trình nghiên cứu đề án đổi mới công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, tôi nhận thấy đa số đại biểu Quốc hội đều cho rằng để đảm bảo và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thì cần thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội” - ông Long nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem