Cần có giá sàn cho muối

Thứ sáu, ngày 19/03/2010 09:05 AM (GMT+7)
NTNN - Sau khi đọc loạt bài "Nhập khẩu muối, diêm dân khốn đốn", ông Lê Huy Ngọ - nguyên Bộ trưởng NN&PTNT đã trực tiếp gọi đến báo Nông thôn Ngày nay bày tỏ một số suy nghĩ.
Bình luận 0
img
Ngoài việc siết chặt nhập khẩu muối ngoại, cần thiết phải xác lập giá sàn thu mua muối sản xuất trong nước.

Ông Lê Huy Ngọ cho biết: Nói về sản phẩm nông nghiệp trước đây, bao giờ người ta cũng nói đến hai hạt cơ bản nhất, là hạt gạo và hạt muối. Chính vì thế, từ xưa đến nay trong kho lương thực nhà nước bao giờ cũng dự trữ gạo và muối. Ngày mùng 2 Tết bao giờ người ta cũng đi bán, mua muối và đã trở thành một thứ văn hoá.

Để "làm mới" ngành muối, tiến tới có được thành công như hạt gạo, theo ông chúng ta cần có những cơ chế chính sách, cũng như sự đầu tư ra sao?

- Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta phải có chính sách hộ trợ người làm muối, để họ có động lực làm nghề này, rồi từ đó đầu tư vào cả sản xuất muối ăn cũng như muối công nghiệp. Vì sao hạt gạo ta làm được và xuất khẩu mạnh còn muối có tiềm năng lớn lại không làm được?

Theo tôi, trước tiên chúng ta phải đặt ra mục tiêu hoàn toàn tự túc về cả muối ăn và muối công nghiệp, tiến tới có dự trữ. Hiện tại, điều cần nhất là đổi mới công nghệ và có chính sách cho ngành muối cũng như hạt gạo ngày xưa. Nhà nước đã giao ruộng muối cho dân rồi, nhưng các ruộng muối vẫn còn rất manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất, chế biến vẫn duy trì theo lối cũ từ bao nhiêu năm nay không có gì thay đổi...

Là một người có gần 10 năm chịu trách nhiệm về lĩnh vực này, thế mà hôm nay nhìn lại thấy chúng ta phải đi nhập từng hạt muối, tôi thấy mình cũng có trách nhiệm và rất đau xót.

Cụ thể, chúng ta cần hỗ trợ, giúp đỡ diêm dân như thế nào để họ có thể sống được bằng chính nghề làm muối của mình?

- Chúng ta phải quy hoạch vùng muối sản xuất hàng hoá tập trung, trước đây như ở miền Bắc chúng ta đã quy hoạch được 3 vùng muối là Hải Phòng, Nam Định, Thanh - Nghệ -Tĩnh. Ở miền Trung, vùng Bình Thuận- Ninh Thuận hoàn toàn có thể làm được muối công nghiệp (hiện mới có khu sản xuất muối công nghiệp Quán Thẻ, Ninh Thuận đi vào hoạt động- PV), còn ở miền Nam, vùng Bạc Liêu- Trà Vinh- Bến Tre hoàn toàn có thể làm được muối trong vùng có mái che.

Cũng như lúa, chúng ta phải quy hoạch lại, trên cơ sở đó phải hỗ trợ bà con diêm dân về cơ sở hạ tầng: từ đồng ruộng, thuỷ lợi đến cơ giới hoá sản xuất. Rồi phải có chương trình riêng về đào tạo cho người làm muối, phải huấn luyện kỹ năng làm muối công nghiệp bằng chính sách khuyến diêm như chính sách khuyến nông, khuyến ngư.

Vậy với tất cả những tiềm năng, điều kiện về sản xuất muối của nước ta, trong tương lai liệu chúng ta có thể biến nghề sản xuất muối thành một ngành kinh tế có lợi nhuận cao?

- Một điều rất quan trọng là chính sách về thị trường muối. Cũng như gạo, chúng ta phải tìm ra đầu ra thông thoáng cho muối, đảm bảo có dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông, đảm bảo có tỉ lệ lợi nhuận thích hợp. Bên cạnh đó, phải có chính sách điều hành xuất- nhập khẩu muối, xem nhập như thế nào, bao giờ nhập,  quản lý muối nhập về ra sao.

Rồi chúng ta cũng phải đưa ra giá sàn thu mua muối đảm bảo có lợi nhuận cho diêm dân. Về lâu dài, tôi cho rằng, tương lai của chúng ta là muối công nghiệp, muối xuất khẩu. Tầm nhìn của chúng ta hiện vẫn loanh quanh với muối ăn, trong khi đó đòi hỏi ở giai đoạn công nghiệp hoá hiện nay chính là muối công nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem