Căn cứ để giữ lại hơn 2,2 tỷ đồng tiền hỗ trợ nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội

Quang Trung Thứ hai, ngày 06/11/2023 18:26 PM (GMT+7)
Theo chuyên gia pháp lý, việc Ban Vận động giữ lại hơn 2,2 tỷ đồng để xử lý các vấn đề phát sinh, thực hiện vệ sinh môi trường, phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại khu vực xảy ra vụ cháy chung cư mini là phù hợp quy định pháp luật.
Bình luận 0

Phù hợp quy định pháp luật

Ban Vận động tiếp nhận, phân phối nguồn ủng hộ, đóng góp tự nguyện khắc phục hậu quả vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) hỗ trợ các nạn nhân, gia đình nạn nhân hơn 130 tỷ đồng và để lại hơn 2,2 tỷ đồng để xử lý các vấn đề phát sinh, thực hiện vệ sinh môi trường, phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại khu vực xảy ra hỏa hoạn. PV Dân Việt đã có trao đổi với chuyên gia pháp lý về căn cứ thực hiện việc này.

Căn cứ để giữ lại hơn 2,2 tỷ đồng tiền hỗ trợ nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội - Ảnh 1.

Vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Đình xảy ra vào đêm 12 và rạng sáng 13/9 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số người thiệt mạng lên đến 56 người. Ảnh: Xuân Huy

Cụ thể, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật đã quy định rất cụ thể về việc vận động kêu gọi quyên góp từ các nguồn đóng góp tự nguyện. Không chỉ có Hội chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc, Quỹ từ thiện, quý xã hội mà các tổ chức cá nhân trong nước cũng đều có quyền đứng ra kêu gọi vận động, tiếp nhận, quản lý, phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện trong nhân dân khi gặp thiên tai, hỏa hoạn xảy ra.

Điều đáng chú ý, Nghị định 93/2021/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết hơn về chủ thể, về thủ tục, và nội dung của hoạt động vận động các quyền đóng góp tự nguyện.

Nghị định này cũng quy định: Cuộc vận động được phát động ngay sau khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra, gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của Nhân dân.

Tùy theo diễn biến, yêu cầu thực tế khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố, các tổ chức, cơ quan, đơn vị vận động đóng góp tự nguyện quy định tại Điều 6 Nghị định này quyết định thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày bắt đầu phát động cuộc vận động (trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp).

Trường hợp cần thiết, Ban Vận động từ cấp tỉnh trở lên có thể quyết định kéo dài thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện. Thời gian phân phối được thực hiện ngay trong quá trình vận động, tiếp nhận và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày (trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp), kể từ ngày kết thúc thời gian tiếp nhận.

Như vậy, theo quy định hiện nay, thời gian kêu gọi vận động đóng góp tự nguyện để ủng hộ nạn nhân trong các vụ thiên tai hỏa hoạn là không quá 90 ngày kể từ ngày bắt đầu phát động. Sau khi kết thúc vận động, thời gian phân phát không quá 20 ngày.

Theo ông Cường, đến nay, cơ quan chức năng cơ bản đã giải ngân toàn bộ số tiền quyên góp được cho nạn nhân và thân nhân các nạn nhân, đã khắc phục được phần nào khó khăn, tổn thất, những hậu quả do vụ cháy gây ra.

Số tiền còn lại hơn 2,2 tỷ đồng căn cứ khoản 7 điều 10 Nghị định 93/2021, Ban vận động thống nhất để xử lý các vấn đề phát sinh, thực hiện vệ sinh môi trường, phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại khu vực xảy ra hỏa hoạn theo quy định.

Cụ thể, khoản 7, Điều 10 Nghị định 93/2021 quy định: Nguồn đóng góp tự nguyện tiếp nhận được của Ban Vận động các cấp chưa sử dụng hết được sử dụng cho các nhiệm vụ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố của đợt sau. Trường hợp cuối năm tiền đóng góp tự nguyện còn dư được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện.

Bởi vậy, căn cứ theo quy định trên, trong trường hợp đã thống nhất nguyên tắc chi mà vẫn còn dư ra một khoản, Ban vận động có quyền giữ lại để phục vụ cho việc phòng chống thiên tai dịch bệnh cho những đợt sau hoặc đảm bảo điều kiện an sinh xã hội chung cho các nạn nhân theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, việc sử dụng số tiền này như thế nào, phải được ghi chép, công khai, minh bạch để đảm bảo công bằng và tránh những tiêu cực có thể xảy ra.

"Rất khó để có một phương án làm hài lòng tất cả mọi người, tuy nhiên phương án phân chia theo hoàn cảnh, theo mức độ thiệt hại của từng nạn nhân như vậy là phù hợp, giảm thiểu phần nào được những thiệt hại mà các nạn nhân đã phải gánh chịu suốt thời gian qua. Việc giữ lại số tiền hơn 2,2 tỷ cũng phù hợp với quy định pháp luật" – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Đã hỗ trợ các nạn nhân, gia đình nạn nhân vụ cháy chung cư mini hơn 130 tỷ đồng

Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, sáng 5/11, Ban Vận động tiếp nhận, phân phối nguồn ủng hộ, đóng góp tự nguyện khắc phục hậu quả vụ cháy tại phường Khương Đình, tổ chức trao kinh phí hỗ trợ đợt 2 cho các nạn nhân của vụ cháy.

Theo Ban Vận động, tại đợt 1, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và quận trích từ nguồn ủng hộ đã thực hiện hỗ trợ cho các nạn nhân 6,126 tỷ đồng.

Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố hỗ trợ 406 triệu đồng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Khương Đình hỗ trợ 5,720 tỷ đồng cho 143 người sống trong tòa nhà, số tiền 40 triệu đồng/người.

Thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố, quận đã hỗ trợ cho các nạn nhân từ nguồn ngân sách quận là 3,585 tỷ đồng; cùng với nguồn hỗ trợ bổ sung từ ngân sách thành phố là 2,237 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 56 nạn nhân tử vong số tiền 50 triệu đồng/người; 42 người phải cấp cứu và điều trị số tiền 30 triệu đồng/người.

Hỗ trợ 26 hộ gia đình tạm cư với số tiền 36 triệu đồng/hộ; hỗ trợ 8 cá nhân tạm cư 9 triệu đồng/cá nhân; hỗ trợ học phí và chi phí học tập cho 25 em học sinh, sinh viên 15 triệu đồng/em; hỗ trợ 1 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ 100 triệu đồng, 4 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ số tiền 70 triệu đồng/em.

Ngoài ra, Quỹ Bảo trợ trẻ em quận đã hỗ trợ 69 triệu đồng cho các trẻ em tử vong, bị thương; Hội Chữ thập đỏ quận đã hỗ trợ 228,2 triệu đồng cho các nạn nhân.

Đợt 2 thực hiện hỗ trợ từ ngày 5/11/2023, tổng số tiền hỗ trợ đợt 2 là 123,94 tỷ đồng.

Trong đó, hỗ trợ cho người sống trong tòa nhà 89,6 tỷ đồng. Hỗ trợ chi phí sinh hoạt bảo đảm ổn định cuộc sống cho người còn sống, 88 người với số tiền 700 triệu đồng/người, tổng 61,6 tỷ đồng; hỗ trợ thờ cúng đối với người tử vong (hỗ trợ cho thân nhân của người tử vong đứng ra thờ cúng) cho 56 người với số tiền 500 triệu đồng/người, tổng 28 tỷ đồng.

Hỗ trợ 37 nạn nhân bị thương 15,1 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ người bị thương phải điều trị tại bệnh viện từ 3 đến 7 ngày cho 3 người với số tiền 300 triệu đồng/người, tống số tiền 900 triệu đồng; hỗ trợ người bị thương phải điều trị tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên 33 người với số tiền 400 triệu đồng/người, tổng 13,2 tỷ đồng; hỗ trợ người bị thương nặng, hiểm nghèo 1 người với số tiền 1 tỷ đồng.

Hỗ trợ cho đối tượng là trẻ em là 19,2 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ sổ tiết kiệm cho 1 trẻ mồ côi cả cha và mẹ 2 tỷ đồng; hỗ trợ sổ tiết kiệm cho trẻ mất cha hoặc mẹ: 4 cháu với 1 tỷ đồng/cháu, tổng số tiền 4 tỷ đồng.

Hỗ trợ sổ tiết kiệm cho trẻ dưới 16 tuổi (cha, mẹ còn sống) là 22 cháu, số tiền 600 triệu đồng/cháu, tổng số tiền 13,2 tỷ đồng.

Như vậy, tổng cộng đợt 1 và đợt 2 hỗ trợ 130,1 tỷ đồng đến nạn nhân, gia đình nạn nhân vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem