Cần khoảng 7 tỷ USD đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ

11/08/2023 06:30 GMT+7
Dự án đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ đi qua 6 tỉnh/thành gồm Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.

Bộ GTVT vừa có ý kiến tới TP.Cần Thơ về việc sớm đầu tư thực hiện tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ.

Theo quy hoạch, tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ dài khoảng 174 km đi qua 6 tỉnh/thành phố, đường đôi, khổ 1.435 mm, lộ trình nghiên cứu, đầu tư trước năm 2030.

Tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ có vai trò quan trọng trong việc kết nối trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía nam với trung tâm vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ cung ứng hàng hóa của vùng ra thị trường tiêu thụ.

Cần khoảng 7 tỷ USD đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ - Ảnh 1.

Hành khách đi tàu đường sắt tốc độ cao tại Lào. Ảnh: TA

Để sớm thực hiện dự án này, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt là chủ đầu tư, đã bố trí vốn để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hiện đang tập trung phối hợp với các địa phương rà soát vị trí ga, hướng tuyến.

Bộ GTVT đánh giá, dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ có quy mô lớn (sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 7 tỷ USD), công nghệ - kỹ thuật phức tạp nên cần phải nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, kỹ lưỡng, đánh giá một cách khách quan, khoa học, đặc biệt là cân đối bố trí nguồn lực.

Bộ GTVT sẽ phấn đấu hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền trong năm 2025 nhằm làm cơ sở huy động nguồn lực triển khai.

Theo nghiên cứu, Dự án đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ đi qua 6 tỉnh/thành gồm Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Điểm đầu tại ga An Bình (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối ga Cần Thơ (quận Cái Răng, Cần Thơ).

Hiện, các địa phương có tuyến đi qua đang đóng góp ý kiến một số nội dung liên quan đến quy mô, hướng tuyến, diện tích nhà ga, quỹ đất mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 5676/VPCP-CN ngày 26/7/2023, về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT trước ngày 05/8/2023, hoàn thành việc đề xuất thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao  Bắc - Nam (Đề án).

Cùng với đó là các dự án đường sắt tốc độ cao khác kết nối liên vùng và quốc tế trong hệ thống đường sắt quốc gia (Ban chỉ đạo) theo đúng quy định.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội là thành viên Ban chỉ đạo.

Thành lập Tổ tư vấn giúp việc cho Ban chỉ đạo, làm việc chuyên trách (không kiêm nhiệm), bao gồm các chuyên gia đầu ngành, tâm huyết về giao thông vận tải đường sắt (kể cả chuyên gia đã nghỉ hưu).

Kịp thời xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và tổ tư vấn giúp việc để có thể triển khai ngay (nghiên cứu, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước…) trong quá trình xây dựng Đề án, lập dự án...


Thế Anh
Cùng chuyên mục