Cần loại bỏ những "biến tướng" từ tour du lịch giá rẻ

Thanh Hà (thực hiện) Thứ hai, ngày 20/02/2023 06:17 AM (GMT+7)
"Cần loại bỏ những “biến tướng” từ tour du lịch giá rẻ và kiểm soát được các giao dịch giữa các đơn vị kinh doanh trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch như lữ hành, vận tải, nhà hàng khách sạn…" - ông Nguyễn Trùng Khánh trả lời Dân Việt.
Bình luận 0

Loại bỏ những "biến tướng" từ tour du lịch giá rẻ

Thưa ông, kế hoạch phát triển du lịch năm 2023 là như thế nào đối với thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế?

- Năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng. 

Ngành du lịch sẽ tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, đặc trưng, tạo khác biệt của từng địa phương phù hợp với tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch.

Cần loại bỏ những "biến tướng" từ tour du lịch giá rẻ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Ảnh: HHDL

Chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường quốc tế, phù hợp với xu hướng du lịch mới, trước mắt ưu tiên các thị trường có nhu cầu cao và thị trường trọng điểm, truyền thống. Phát huy liên kết, hợp tác thu hút khách du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. 

Tiếp tục tăng cường chuyển đổi số ngành du lịch ở địa phương, trước mắt ưu tiên số hóa tài nguyên du lịch, xây dựng cơ sở dữ liệu số về du lịch và tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch trên các nền tảng số. Trong công tác xúc tiến quảng bá, ngành du lịch sẽ tham gia các sự kiện du lịch quốc tế; Tổ chức truyền thông Du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình CNN và một số kênh truyền thông quốc tế lớn.

Phối hợp với Hiệp hội du lịch Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm; tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023 tại Bình Thuận với chủ đề: "Bình Thuận - Hội tụ xanh"

Đối với thị trường khách quốc tế: Hướng tới khôi phục hoàn toàn các thị trường nguồn Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Úc, Mỹ… Tiếp tục đẩy mạnh thu hút khách du lịch từ thị trường Ấn Độ.

Đối với thị trường nội địa: Tiếp tục phát huy kết quả 2022. Đẩy mạnh liên kết địa phương, tăng cường giới thiệu điểm đến, trao đổi khách giữa các địa phương.

Ông nghĩ sao về ý kiến của nhiều doanh nghiệp lữ hành đề nghị bỏ tour 0 đồng?

- Chúng tôi khẳng định không có tour 0 đồng, đó chỉ là cách nói của các chiêu thức quảng cáo, hay nói đúng hơn đó là tour có giá rẻ hơn nhiều so với loại tour thông thường (tour không có các điểm mua sắm), điều này không có nghĩa là du khách không phải trả đồng nào để mua tour. Về bản chất, tour giá rẻ chỉ là hình thức tour dựa vào cạnh tranh về giá để thu hút khách với giá bán thấp, đồng thời tour được bù đắp bởi các hoạt động bổ trợ như mua sắm hàng hóa.

Trên thực tế, tour giá rẻ có đem đến một số tác động tích cực như góp phần tăng lượng khách đến, đem lại doanh thu cho hoạt động du lịch và khuyến khích thúc đẩy đầu tư, hàng không, hoàn thiện điểm đến, đa dạng hóa các dịch vụ bổ trợ, tăng cường liên kết phát triển du lịch với giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, tour giá rẻ cũng mang lại những yếu tố tiêu cực như là mô hình phát triển không bền vững, ít sáng tạo, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ điểm đến.

Như vậy, tour du lịch giá rẻ tồn tại theo quy luật thị trường, các biện pháp hành chính cưỡng chế ngăn chặn tour giá rẻ chỉ hướng tới hoạt động kinh doanh lữ hành mà không xem xét đến sự tồn tại của cả chuỗi cung ứng dịch vụ sẽ không hiệu quả. 

Từ đó cho thấy cần phải tập trung vào công tác quản lý, tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng đối với toàn bộ hoạt động du lịch: Cần phải hạn chế, loại bỏ những "biến tướng" từ tour du lịch giá rẻ và kiểm soát được các giao dịch giữa các đơn vị kinh doanh trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch như lữ hành, vận tải, nhà hàng khách sạn và trung tâm mua sắm, giải trí, kiểm soát chất lượng ở từng khâu và nguồn thu thuế trên mỗi hoạt động kinh doanh. 

Công tác quản lý nhà nước đối với tour giá rẻ phải hết sức linh hoạt, nắm bắt được xu hướng thị trường và xác định được đối tượng và mục tiêu quản lý trong mối quan hệ tương quan với quản lý liên ngành, thị trường thế giới, năng lực cung ứng của điểm đến trên quan điểm tiếp cận đa chiều và toàn diện.

Cần loại bỏ những "biến tướng" từ tour du lịch giá rẻ - Ảnh 2.

Du khách đi thuyền trên sông Nho Quế, Hà Giang. Ảnh: HH

Nhiều ý kiến của chuyên gia du lịch cho rằng, năm 2022 việc quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam chưa nhiều vì vậy chưa thúc đẩy, tác động nhiều đến các thị trường quốc tế. Ông nghĩ sao về điều này?

- Xúc tiến quảng bá là câu chuyện cần sự phối hợp đa ngành, thống nhất từ cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là với các địa phương trọng điểm du lịch và cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp để mang lại hiệu quả cao nhất. Trong đó, cơ quan quản lý đưa ra hoạch định, định hướng và quảng bá điểm đến quốc gia; các địa phương quảng bá điểm đến thuộc phạm vi của mình, đồng thời doanh nghiệp xây dựng chương trình, bán sản phẩm, dịch vụ du lịch tới khách hàng.

Trong năm 2022, Du lịch Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút khách du lịch. Cụ thể, Du lịch Việt Nam đã tổ chức thành công Lễ khai mạc và chuỗi các sự kiện du lịch thuộc Năm Du lịch Quốc gia 2022; Tham gia tích cực tại Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF và quảng bá tại Hội chợ Travex 2022 – Campuchia…

Phối hợp tổ chức thành công các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các sự kiện trong nước và quốc tế: Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2022; Hội chợ Du lịch quốc tế ITE HCM 2022; Hội chợ WTM Anh... Các sự kiện đều thu hút đông các doanh nghiệp Việt Nam tham gia và đồng hành; thu hút lượng lớn khách tham quan gian hàng Giới thiệu du lịch Việt Nam.

Năm 2023, Du lịch Việt Nam có kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thương hiệu "Vietnam – Timeless Charm", ứng dụng công nghệ tiên tiến để xúc tiến du lịch trực tuyến, trực tiếp, huy động, tập trung nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí xúc tiến của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và chủ động tham gia các sự kiện xúc tiến, quảng bá lớn như ITB Berlin (Đức), WTM London (Anh), tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại nước ngoài. quảng bá trên CNN…

Theo đó, thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai phù hợp với các tiêu chí của chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Nhìn lại hai năm qua, Tổng cục Du lịch đã có sự tham mưu thành công cho Bộ VHTTDL, phối hợp với các bộ Ban, ngành, địa phương để thúc đẩy ngành du lịch từng bước phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được thì ở một số địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng "chặt chém" khách du lịch… Theo ông, cần có giải pháp, chế tài cụ thể nào nhằm hạn chế tình trạng này?

- Trên thực tế, vấn nạn này cũng vẫn tồn tại ở nhiều nơi, thậm chí ở ngay cả những quốc gia có nền du lịch rất phát triển. Để xảy ra vấn nạn trên là do sự phối hợp liên ngành chưa tốt, do đó cần có sự góp sức và phối hợp đồng bộ từ phía Nhà nước, các địa phương, người trực tiếp làm du lịch cũng như người dân và trên hết, trách nhiệm chính là của chính quyền địa phương. 

Chính quyền địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có các biện pháp, chế tài xử lý quyết liệt, đồng thời tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, người dân trong kinh doanh phục vụ khách du lịch để giữ gìn và tạo dựng uy tín, thương hiệu cho ngành du lịch.

Về phía Tổng cục Du lịch, từ năm 2020 đã tận dụng ưu thế của công nghệ số để góp phần giải quyết vấn đề này. Tổng cục Du lịch đã xây dựng và ra mắt ứng dụng Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel để hỗ trợ khách du lịch với nhiều tính năng tiện ích. Trong đó, đặc biệt là có tính năng hỗ trợ khách du lịch gửi phản ánh khi có vấn đề về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, ví dụ như hàng giả, hàng nhái, ép giá... Đây là một nội dung trong Chương trình phối hợp giữa Tổng cục Du lịch và Tổng cục Quản lý thị trường được ký kết từ năm 2020 nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch, góp phần lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh du lịch.

Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi về ứng dụng Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel, cũng như khuyến khích người dân, du khách sử dụng tính năng phản ánh trên ứng dụng để nhận được sự hỗ trợ trong quá trình du lịch.

Cần loại bỏ những "biến tướng" từ tour du lịch giá rẻ - Ảnh 3.

Thu hút lượng khách hạng sang, có chi tiêu cao

Đối với thị trường nội địa, năm 2022 được đánh giá là năm đột phá của thị trường này, tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng: "Số lượng khách tăng cao, nhưng chi phí thấp nên doanh thu toàn ngành còn thấp", ông nghĩ sao về nhận định này? Quan điểm của ông làm thế nào để cải thiện tình trạng chi phí chi tiêu còn quá ít của du khách nội địa, đặc biệt là du khách quốc tế?

- Theo nghiên cứu về thị trường khách du lịch giai đoạn 2016-2020, chi tiêu của khách nội địa càng ngày càng có đóng góp tích cực vào tổng thu của ngành, chiếm khoảng 41-44% trong cơ cấu tổng thu toàn ngành. Năm 2015, khách nội địa mới chỉ đóng góp 158.000 tỷ đồng vào tổng thu toàn ngành, đến năm 2019, tăng lên 334.000 tỷ đồng, gấp 2,1 lần, tăng trưởng bình quân đạt khoảng 20,5%/năm.

Cũng theo Niên giám thống kê 2021, chi tiêu bình quân một ngày của khách quốc tế đến Việt Nam đã có sự tăng trưởng trong giai đoạn 2009-2019. Cụ thể, mức chi bình quân 1 ngày của khách nước ngoài khi ở Việt Nam trong năm 2009 ở mức 91,2 USD thì con số này đã tăng lên 105,7 USD vào năm 2011. Năm 2019, mức chi tiêu bình quân 1 ngày của khách nước ngoài khi du lịch ở Việt Nam đạt 117,8 USD, tăng gấp 1,2 lần so với mức chi tiêu năm 2009. Điều này đồng nghĩa với việc các khoản chi cho ăn uống, đi lại, mua sắm... cũng sẽ nhiều hơn.

Tuy nhiên, sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thói quen chi tiêu của du khách đã thay đổi, hầu hết đều chịu ảnh hưởng của biến động kinh tế - xã hội cùng sự bất ổn chính trị trên thế giới. Để cải thiện tình trạng đó, nâng cao chi tiêu của du khách tại Việt Nam, thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp triển khai một số giải pháp, gồm: Đa dạng và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm phân khúc cao cấp, thu hút đối tượng khách hạng sang, có chi tiêu cao.

Nghiên cứu, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch hướng trọng tâm vào tăng trải nghiệm cho di khách, đa dạng sản phẩm như: du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch nghệ thuật, du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm,… tại những khu vực có tiềm năng cao tại các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực nông thôn một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng để đa dạng trải nghiệm của du khách.

Tăng cường phối hợp, định hướng các địa phương nâng cao năng lực quản trị điểm đến, dịch vụ du lịch an toàn; Đồng thời triển khai có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch; Thiết lập, kết nối mạng lưới trong thúc đẩy du lịch nội địa; Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và xúc tiến du lịch.

Cần loại bỏ những "biến tướng" từ tour du lịch giá rẻ - Ảnh 4.

Khuê Văn Các là điểm đẹp để du khách chụp ảnh. Ảnh: Huy Hoàng

Năm 2023, dịch bệnh đã không còn là vấn đề trở ngại cho việc đi lại, di chuyển của du khách, đặc biệt các tour đoàn lớn đã quay trở lại. Du lịch MICE được cho là loại hình tiềm năng. Vậy theo ông cần có những giải pháp gì để thúc đẩy mạnh loại hình du lịch MICE?

- Việt Nam đang nổi lên là một trong những trung tâm MICE của khu vực, đã có uy tín sau những sự kiện như Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Á Thái Bình Dương APEC, Hội nghị cấp cao Á Âu ASEM... Nắm bắt xu thế đó, năm 2020, Tổng cục Du lịch đã chủ trì xây dựng, trình Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13186:2020 - Du lịch MICE - Yêu cầu về địa điểm tổ chức MICE trong khách sạn để định hướng các khách sạn thực hiện, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Để thúc đẩy mạnh loại hình du lịch MICE trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ tập trung vào một số giải pháp như sau: Nghiên cứu nhu cầu thị trường để xây dựng sản phẩm đáp ứng tốt hơn tiến tới thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách. Cần có các gói sản phẩm phù hợp, lấy khách hàng làm trung tâm, chú ý những nhu cầu mới của thị trường như chăm sóc sức khỏe, ứng dụng kỹ thuật số...

Cải thiện chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch MICE. Trong đó tập trung đầu tư nâng cấp, duy tu bảo dưỡng thường xuyên để nâng cao chất lượng các cơ sở vật chất sẵn có, đặc biệt là các nhà ga, bến tàu thủy, trung tâm thể thao, sân vận động, nhà hát, nhà hàng, điểm mua sắm có sức chứa trên 50 người… Đồng thời bổ sung những cơ sở vật chất còn thiếu như trung tâm hội chợ triển lãm quy mô lớn và chuyên nghiệp, bãi đỗ xe, bến tàu thủy, nhà vệ sinh công cộng chất lượng cao tại các điểm đông khách du lịch, những tiện ích phục vụ các thị trường đặc biệt mới nổi như nhà hàng dành cho khách theo đạo Hồi, đạo Hindu, nơi cầu nguyện tại các khu tổ chức hội nghị hội thảo, khách sạn cho khách theo đạo Hồi, các tiện ích cho người khuyết tật...

Nâng cao hiệu quả xúc tiến, tuyên truyền quảng bá với loại hình du lịch MICE. Trong đó, xây dựng các kế hoạch xúc tiến, quảng bá cụ thể tại các sự kiện hội chợ, hội nghị,… quốc tế tổ chức tại Việt Nam; nâng cao năng lực đủ chuyên nghiệp, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ để đăng cai các sự kiện tầm cỡ quốc tế. Đồng thời, đưa nội dung tổ chức sự kiện và phục vụ khách du lịch MICE vào nội dung giảng dạy chính thức của các khoa du lịch và các lớp bồi dưỡng chuyên ngành du lịch.

Cần loại bỏ những "biến tướng" từ tour du lịch giá rẻ - Ảnh 5.

Văn Miếu Quốc Từ Giám. Ảnh: Huy Hoàng

Năm 2023, ông kỳ vọng gì cho ngành du lịch Việt Nam?

- Năm 2023, hầu hết các thị trường du lịch đã mở cửa trở lại, nhưng nền kinh tế thế giới đang phục hồi chậm, các rủi ro về tài chính, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Đó là những thách thức khiến các chuyên gia dự báo du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019. Nhưng đấy lại là cơ hội để các quốc gia thiết lập lại, định vị lại mình trong bản đồ du lịch thế giới sau đại dịch. Năm 2022 cho chúng ta nhiều kinh nghiệm và cả bài học quý.

Năm 2023 là một năm vẫn hết sức khó khăn trong khi thế giới vẫn có nhiều biến đổi và bất ổn ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu nói chung và du lịch thế giới nói riêng. Tuy nhiên, ngành du lịch thế giới cũng như du lịch Việt Nam đã và đang trên đà khôi phục, định hình lại cách tiếp cận cũng như các sản phẩm du lịch phù hợp.

Trong bối cảnh đó, toàn ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ở trong nước cũng như thông qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, các nền tảng số; rà soát các quy định pháp luật liên quan để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thu hút khách du lịch.

Tôi tin tưởng du lịch Việt Nam sẽ phục hồi và phát triển bền vững. Du lịch nội địa tiếp tục phát huy thành công của năm 2022. Du lịch quốc tế sẽ khôi phục các thị trường trọng điểm, hướng tới thành công tại các thị trường mới.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem