Căng thẳng thương mại tiếp tục đánh tụt giá dầu
Hôm 10.6, giá dầu WTI giao kỳ hạn giảm 1.4% xuống mức 53.26 USD/ thùng. Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 1 USD/ thùng, tương đương khoảng 1.6%, xuống mức 62.29 USD/ thùng.
Bộ trưởng Bộ Năng Lượng Arab Saudi cho biết hôm 10.6 rằng Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ duy nhất chưa ký gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng xuất khẩu dầu. Hồi đầu năm nay, tổ chức các nhà xuất khẩu dầu mỏ thế giới OPEC và đồng minh, trong đó có Nga, đã ký kết thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu mỏ trong một nỗ lực đẩy giá dầu.
Tuy nhiên giờ đây, Moscow đang xem xét liệu thỏa thuận cắt giảm tiếp theo có khiến Mỹ hưởng lợi từ thị phần dầu mỏ của Nga hay không trước khi đưa ra quyết định. Bộ trưởng Bộ Năng Lượng Nga, ông Alexander Novak cho hay “Không thể loại trừ việc dầu rớt giá xuống 30 USD/ thùng nếu thỏa thuận cắt giảm sản lượng toàn cầu không được gia hạn”.
“Những rủi ro là quá lớn. Chúng ta nên có những phân tích sâu hơn và quan sát diễn biến thị trường trong tháng 6 trước khi đưa ra các quyết định tại hội nghị OPEC+ vào tháng 7 tới”.
“Nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ đã xác nhận họ sẽ tham gia hội nghị OPEC+ tổ chức tại Vienna từ ngày 2/7 đến 4/7 thay vì dự kiến cuối tháng 6 trước đó” - ông Novak tiết lộ.
Nguồn cung bất ổn và căng thẳng thương mại là nguyên nhân khiến giá dầu giảm
Cho dù thỏa thuận chung giữa Mỹ và Mexico hồi cuối tuần qua đã loạt trừ mối quan ngại về trừng phạt thuế quan tại Mexico, nhưng các nhà phân tích vẫn tỏ ra lo lắng trước căng thẳng ngày càng leo thang trong quan hệ Mỹ Trung.
Hôm 10.6, Tổng thống Trump đe dọa ngay lập tức áp thuế 25% với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu Chủ tịch Tập Cận Bình không tham gia hội nghị G20.
Kim ngạch nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm xuống còn 40.23 triệu tấn trong tháng 5, từ mức đỉnh là 43.73 triệu tấn xác lập vào tháng 4. Đây được cho là tác động của lệnh trừng phạt dầu mỏ mà Mỹ áp lên Iran, khiến kim ngạch nhập khẩu dầu thô từ Iran giảm mạnh.
Ngân hàng Barclays trong một báo cáo hồi tuần trước đã hạ triển vọng tăng trưởng GDP với Mỹ, Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ - 4 quốc gia chiếm hơn 3/4 kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm nay. “Sự điều chỉnh này ngụ ý dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu giảm khoảng 300,000 thùng mỗi ngày so với mức kỳ vọng 1.3 triệu thùng mỗi ngày được đưa ra trước đó”.