Căng thẳng Ukraine: Chuyện gì xảy ra nếu các yêu cầu của Putin bị từ chối?

Tuấn Anh (Theo RT, Express) Thứ ba, ngày 04/01/2022 08:23 AM (GMT+7)
Điều gì sẽ thực sự xảy ra nếu các yêu cầu của Tổng thống Nga Putin đối với khối NATO liên quan đến Ukraine không được đáp ứng?
Bình luận 0
Căng thẳng Ukraine: Điều gì xảy ra nếu các yêu cầu của Putin bị từ chối? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Biden cam kết sẽ đáp trả dứt khoát nếu Nga tấn công Ukraine. Ảnh Getty

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tái khẳng định với Nga rằng Mỹ và các đồng minh sẽ "đáp trả một cách dứt khoát" nếu nước này quyết định tấn công Ukraine.

Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói chuyện với người đồng cấp Ukraine và đưa ra lời cam đoan rằng ông sẽ ủng hộ Ukraine vì Nga đang âm mưu "một cuộc xâm lược toàn diện" vào đất nước này. Nga được cho là đã tập trung gần 100.000 binh sĩ ở biên giới mà hai nước chia sẻ và đã cảnh báo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không chấp nhận Ukraine là một quốc gia thành viên.

Chủ nhật tuần trước, ông Biden đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, nói rõ rằng Mỹ sẽ hỗ trợ các lợi ích của Ukraine nếu xung đột bùng nổ trong khu vực với Nga.

Theo thông cáo của Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Volodymyr Zelensky, nguyên thủ Mỹ cam kết về nguyên tắc Washignton sẽ "không làm bất cứ điều gì nếu không có sự đồng thuận" của Ukraine. Giới quan sát coi đây là một tín hiệu mạnh cho thấy Mỹ dành một chỗ đứng cho Ukraine trong các vòng đàm phán liên quan đến tương lai quốc gia này.

Ngoài ra, Joe Biden ủng hộ các biện pháp làm hạ nhiệt tình hình tại vùng Donbass, đông Ukraine, và những sáng kiến nhằm thúc đẩy trở lại thỏa thuận bốn bên Minsk. Theo thỏa thuận này, dưới sự bảo trợ của Pháp và Đức, Kiev cam kết cải tổ chính trị, đổi lại thì Moscow chấm dứt các biện pháp hỗ trợ phe thân Nga chủ trương đòi ly khai với Ukraine.

Về phía Kiev, sau cuộc trao đổi với Joe Biden, tổng thống Zelensky trên Twitter tuyên bố "đánh giá cao sự hỗ trợ không mai một mà Mỹ dành cho Ukraine". Hai nhà lãnh đạo đã đề cập đến những "hành động chung giữa Ukraine và Mỹ cũng như với các đối tác của Kiev nhằm duy trì hòa bình tại châu Âu, tránh để tình hình xấu đi thêm".

Bình luận của ông Biden có khả năng không được Tổng thống Nga Vladimir Putin hoan nghênh, người mà ông cũng đã chia sẻ một cuộc điện đàm vào tuần trước.

Trong vòng 50 phút cuộc trò chuyện, Tổng thống Mỹ đã thúc giục ông Putin giảm leo thang căng thẳng với Ukraine.

Hai nước sẽ gặp lại nhau trong tháng này để tổ chức các cuộc đàm phán an ninh tập trung vào các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, NATO và căng thẳng đang diễn ra giữa Nga và Ukraine.

Bất chấp những lo ngại từ phương Tây, Tổng thống Putin trước đây khẳng định rằng Moscow không có kế hoạch xâm lược Ukraine.

Không lâu trước Giáng sinh, Nga đã công bố một số dự thảo tài liệu an ninh mà họ muốn Mỹ đồng ý.

Là một phần của các đề xuất, đó là yêu cầu NATO từ chối tư cách thành viên của Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác - chẳng hạn như Latvia và Litva.

Các tài liệu cũng sẽ cung cấp một đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý rằng NATO sẽ từ bỏ các hoạt động quân sự ở Đông Âu và Ukraine. Ông Putin đã nói rằng việc Ukraine gia nhập NATO sẽ khiến Nga không được bảo vệ trước một cuộc tấn công trực tiếp từ phương Tây.

Căng thẳng Ukraine: Điều gì xảy ra nếu các yêu cầu của Putin bị từ chối? - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Putin. Ảnh Getty

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nga vào tháng trước, ông nói rằng việc NATO mở rộng đối với Nga là "không thể chấp nhận được".

Tổng thống Putin tuyên bố rằng phương Tây đã "lừa dối, lừa dối trắng trợn" Moscow bằng cách đưa ra các cam kết bằng lời nói trong những năm 1990 là không mở rộng sự hiện diện của NATO về phía đông và sau đó mở rộng để kết hợp các nước thuộc khối Liên Xô cũ.

Năm 1999, Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc gia nhập NATO. Tiếp theo là vào năm 2004 bởi Bulgaria, Romania, Slovakia, Slovenia và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Estonia, Latvia và Lithuania.

Điều gì sẽ xảy ra nếu các yêu cầu của ông Putin bị từ chối?

Cho đến nay, Mỹ và các đồng minh vẫn chưa đồng ý với các yêu cầu của Nga và căng thẳng vẫn ở mức cao về khả năng xảy ra xung đột.

Dmitry Kiselev, người dẫn chương trình thời sự nổi tiếng nhất trên kênh truyền hình nhà nước Nga và đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá thông điệp của Điện Kremlin tới công chúng, đã nói rằng Nga "sẽ gí súng vào đầu Mỹ" nếu không đạt được thỏa thuận nào.

Ông Dmitry Kiselev nói: "Chúng tôi sẽ triển khai tên lửa. Nhưng đây là sự lựa chọn của bạn. Chúng tôi không muốn điều này".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem