Canh bạc lớn của ông Obama

Thứ hai, ngày 09/09/2013 06:52 AM (GMT+7)
“Kể cả Quốc hội không ủng hộ thì ông Obama cũng vẫn sẽ tấn công Syria. Chỉ có điều quy mô của cuộc chiến sẽ nhỏ đi mà thôi”, PSG-TS - Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) nhận định trong cuộc trao đổi với Dân Việt.
Bình luận 0
“Kể cả Quốc hội không ủng hộ thì ông Obama cũng vẫn sẽ tấn công Syria. Chỉ có điều quy mô của cuộc chiến sẽ nhỏ đi mà thôi”, PSG-TS - Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) nhận định trong cuộc trao đổi với Dân Việt. (Theo giờ VN, sáng 10.9, Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu cho kế hoạch tấn công Syria - PV).

Chỉ là “khúc nhạc dạo đầu”

Phải chăng chính quyền Mỹ từ trước đến nay đều thể hiện sự nhất quán trong chính sách đối ngoại với Syria, thưa ông?

- Thứ nhất, về mặt chính trị, nhìn lại lịch sử của Syria, sẽ dễ tìm ra được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Kể từ khi Syria giành độc lập từ năm 1945 đến nay, chính quyền Syria luôn có chính sách quan hệ ngoại giao khá thân thiết với Liên Xô (trước đây) và Nga hiện nay, trong khi đó, đối với Mỹ và Tây Âu thì luôn có thái độ lạnh nhạt, nếu không muốn nói là đối đầu.

Chỉ riêng việc này cũng đã khiến cho Mỹ “khó chịu” và tất nhiên Mỹ không chấp nhận như vậy. Mỹ sẽ tìm mọi cách để giành ảnh hưởng với Syria. Bởi nếu từ năm 1945, 1947 đến nay, Syria mà thân Mỹ như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ thì ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này sẽ khác.

Một người đàn ông và người phụ nữ Syria than khóc bên những xác chết của những đứa trẻ được cho là nạn nhân của cuộc tấn công khí độc cuối tháng 8 tại Damascus, Syria.
Một người đàn ông và người phụ nữ Syria than khóc bên những xác chết của những đứa trẻ được cho là nạn nhân của cuộc tấn công khí độc cuối tháng 8 tại Damascus, Syria.

Thứ hai, Syria có vị trí địa lý quan trọng ở Địa Trung Hải. Syria nằm giáp với 3 châu lục, là cửa ngõ vào Trung Đông, nên việc Syria thân với Nga là điều Mỹ khó chấp nhận. Trên thực tế, kinh tế dầu khí của Syria không nhiều, nên nếu nói Mỹ tấn công Syria vì mục đích kinh tế là không hoàn toàn đúng, mà đây chỉ là bàn đạp để Mỹ giành lấy ảnh hưởng ở khu vực.

Thứ ba, Syria là đồng minh chính của Iran tại Trung Đông. Mà với Mỹ, Iran là “cái gai” nhức mắt nhất ở đây. Con đường đến được Tehran phải đi qua Damascus, do vậy việc tấn công Syria chỉ là “khúc nhạc dạo đầu”.

Tại sao Mỹ lại lựa chọn thời điểm này để tấn công, mà không phải là trước đó, hoặc sau này, thưa ông?

- Nguyên nhân chủ yếu là tương quan lực lượng ở Syria nghiêng hẳn về phe Tổng thống Assad. Mỹ cũng đã rất đắn đo cân nhắc việc hỗ trợ cho phe nổi dậy từ lâu, nhưng phải đến tháng 6 vừa qua, Mỹ mới bắt đầu viện trợ lương thực và những thứ khác cho phe đối lập ở Syria.

Điều này dễ hiểu vì từ tháng 4-5-6, phe đối lập bắt đầu bị tấn công dồn dập, bị co cụm, nếu Mỹ không ra tay nhanh chóng, quân đội của ông Assad sẽ đẩy phe đối lập vào chân tường. Ngoài ra, dù ở thế lấn át phe đối lập, nhưng cuộc nội chiến này cũng đã tiêu hao sinh lực của quân đội chính phủ, hay nói cách khác, đến thời điểm này quân đội Syria cũng đã suy yếu.

Chúng ta thấy rằng, ngày 21.8, phe đối lập cáo buộc chính quyền ông Assad sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus. Những thông tin này chưa được kiểm chứng, song ngay trong ngày hôm đó, người đứng đầu điện Elysee là Tổng thống Holande và Thủ tướng Anh cũng lên tiếng cáo buộc ông Assad về vấn đề này.

Ngày 21 và ngày 22.8, ông Obama vẫn im lặng. Tuy nhiên đến ngày 23.8, ông Obama “quay ngoắt” 180 độ. Chính quyền Obama bắt đầu cáo buộc mạnh mẽ và tuyên bố có bằng chứng... Dường như không có lý do tấn công quân sự vào Syria nào thuyết phục hơn việc trả đũa hành động dùng vũ khí hóa học.

Canh bạc lớn…

Trong lịch sử, việc Tổng thống Mỹ phải xin phép Quốc hội để phát động một cuộc chiến là điều rất hiếm. Phải chăng đây chỉ là cách “đá bóng trách nhiệm” của Tổng thống Obama?

“Kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể. Syria không phải là mỏ dầu ở Trung Đông nên tác động của nó sẽ không nhiều. Những tác động về giá trên thị trường trong những ngày qua mà chúng ta biết, thực ra chỉ là “kỹ nghệ chính trị”, để làm lớn một sự kiện gây sự chú ý của toàn thế giới mà thôi”.

- Đúng vậy. Ông Obama đã rất khôn ngoan khi “chuyền bóng” sang cho cơ quan lập pháp. Hiến pháp Mỹ quy định, Tổng thống không cần phải xin phép Quốc hội để phát động chiến tranh. Cố Tổng thống Harry Truman đã phát động chiến tranh lạnh với Liên Xô.

Rồi Tổng thống Lyndon B. Johnson phát động chiến tranh Việt Nam hay Bill Clinton cũng khơi mào chiến tranh ở Iraq, Serbia, Kosovo; G. Bush khai hỏa ở Iraq, Afghanistan... đều không hề có thao tác xin phép Quốc hội.

Chỉ có một lần duy nhất là năm 1942, Quốc hội Mỹ đã ra quyết định chiến tranh với Nhật Bản. Theo lịch trình, ngày 9.9, Quốc hội Mỹ sẽ họp trở lại, nhưng vấn đề Syria sẽ không giải quyết ngay, thậm chí phải đến ngày 15.9 mới quyết định. Có một số khả năng có thể xảy ra: Nếu Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch đánh Syria, chính quyền Obama sẽ đánh Syria rất mạnh và quy mô cuộc chiến sẽ kéo dài.

Còn nếu Quốc hội phản đối, chính quyền Obama vẫn đánh Syria, nhưng với quy mô nhỏ và trong giới hạn nhất định. Có thể nói về tình trạng hiện nay của ông Obama như thế này: “Ông Obama đã cưỡi lên lưng cọp”.

Theo nhận định của ông, Mỹ sẽ tấn công Syria theo phương cách nào?


- Obama sẽ phát động một cuộc chiến có giới hạn như lời ông nói. Trước tiên, Mỹ sẽ dùng tên lửa hành trình Tomahawk bắn từ 4 tàu chiến của Mỹ ở Địa Trung Hải, nhằm vào khoảng 50 mục tiêu chiến lược của Syria, trong đó có trụ sở Bộ Quốc phòng, Bộ chỉ huy quân sự, sân bay, kho vũ khí, biệt thự của Tổng thống Assad ở ngoại ô Damascus...

Sau đó, Mỹ sẽ sử dụng cả máy bay tàng hình S-22 và siêu máy bay ném bom B-52 để oanh tạc. Chi phí cho cuộc chiến này sẽ không dưới 1 tỷ USD. Sau khi các cơ sở trọng yếu của Syria đã bị tấn công, đồng minh của Mỹ sẽ tuồn vũ khí vào Syria cho phe đối lập.

Quan điểm của Mỹ vẫn là không tiêu diệt ông Assad như đã từng làm với Gaddafi hay Saddam Husein, mà chủ yếu chỉ “dằn mặt” ông Assad, đánh cho lực lượng chính phủ suy sụp. Cùng với việc tuồn vũ khí, Mỹ sẽ đưa đội quân tình báo vào Syria để tạo thế cân bằng cho phe nổi dậy. Sau đó, Mỹ sẽ tuyên bố kết thúc chiến tranh.

Vậy Mỹ sẽ khai hỏa vào thời điểm nào, thưa ông?

- Sớm nhất là cuối tuần này, hoặc từ ngày 13.9 trở đi, thậm chí là thứ 5 tuần sau (17.9). Hiện Mỹ cũng đang cố gắng giới hạn cuộc chiến, nếu không thảm họa đối với Mỹ rất nặng nề. Đánh Syria, Mỹ sẽ đốt cháy mối hận thù của người Hồi giáo.

Chưa kể đến việc, người dân Mỹ, dư luận quốc tế cũng không ủng hộ hành động tấn công. Và nhiều khả năng, cuộc chiến ở Syria sẽ làm cho sự nghiệp chính trị của ông Obama kết thúc. Đây quả là canh bạc lớn mà ông Obama đã đặt cược.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đăng Thúy (thực hiện) (Đăng Thúy (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem