Cảnh báo một cơn bão mặt trời vừa đâm vào Trái đất với tốc độ 354.000 km/giờ

Thứ tư, ngày 13/10/2021 13:00 PM (GMT+7)
Các nhà khoa học tuyên bố Trái đất vừa đón nhận một cơn bão mặt trời với tốc độ hơn 354.000 km/giờ phát ra từ một vụ phun trào nhật hoa (CME).
Bình luận 0
Các nhà khoa học cảnh báo về một cơn bão mặt trời vừa đâm vào Trái đất với tốc độ 354.000 km/giờ - Ảnh 1.

Một cơn bão mặt trời vừa đâm vào Trái đất với tốc độ 354.000 km/giờ. Ảnh: Getty

Mới đây, cơn bão đã đến hành tinh của chúng ta sau khi phun trào từ Mặt trời. CME đâm vào Trái đất và gây ra một sự xáo trộn từ trường. CME là sự đẩy các hạt và từ trường lớn thoát ra khỏi vành nhật hoa và thường liên quan đến các tia sáng mặt trời cường độ cao, giống như sự cố vừa xảy ra.

Theo Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian Mỹ (SWPC), sự kiện này đã gây ra một cơn bão mặt trời "vừa phải" và hiện đang bắt đầu suy yếu. Tuy nhiên, trung tâm cũng nêu cao cảnh giác đối với các cực quang liên quan đến sự kiện này, vì chúng có thể sẽ vẫn xuất hiện trên các khu vực của Bắc bán cầu.

Khi CME bay về phía Trái đất, sóng xung kích của nó đã va phải tàu vũ trụ của Đài quan sát Khí hậu Không gian Sâu (DSCOVER), cách Trái đất khoảng 1,6 triệu km. Các nhà khoa học của SWPC sau đó đã đo gió mặt trời ở tốc độ khoảng 100km/giây. SWPC cho biết: "CME vẫn trong tầm kiểm soát. Cơn bão mặt trời được xếp hạng G2 trong ngày 12/10 và cảnh báo tiếp tục giữ mức G1 cho đến 10 giờ tối hôm sau theo giờ UTC (5 giờ sáng ngày 14/10 theo giờ Việt Nam)".

Các nhà khoa học cảnh báo về một cơn bão mặt trời vừa đâm vào Trái đất với tốc độ 354.000 km/giờ - Ảnh 2.

Bão mặt trời có thể có tác động đến Trái đất và các công nghệ không gian. Ảnh: NASA

Bão mặt trời (hoặc bão địa từ) được xếp hạng trên thang điểm từ G1 đến G5, với G1 được coi là "nhỏ nhất" và G5 được coi là "lớn nhất". Một cơn bão G2 có thể gây ra một số biến động nhỏ trong lưới điện ở các vĩ độ Bắc, đồng thời làm ảnh hưởng đến các hoạt động của vệ tinh và tàu vũ trụ, cũng như thông tin liên lạc. Chính vì vậy, các nhà khoa học cảnh báo rằng một số đài phát thanh và GPS có thể gặp rắc rối với thiết bị của họ.

Hiệu ứng dễ thấy nhất từ CME là sự xuất hiện của cực quang trong Vòng Bắc Cực. Được gọi là Cực quang phương Bắc, hiện tượng này là do các hạt khí mang điện di chuyển dọc theo các đường từ trường của hành tinh. Các nguyên tử và phân tử khí trong khí quyển sau đó bị kích thích bởi dòng hạt mang điện từ Mặt trời. Nhà thiên văn học Tom Kerss giải thích: "Những hạt này va đập vào các nguyên tử và phân tử trong bầu khí quyển của Trái đất và về cơ bản là làm chúng nóng lên. Chúng tôi gọi quá trình vật lý này là 'kích thích', nó rất giống với việc đốt nóng một chất khí và làm cho nó phát sáng".

Lê Phương (express.co.uk)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem