Cảnh báo rủi ro khi 29.000 tỷ trái phiếu BĐS được đảm bảo bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản đảm bảo
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng lượng TPDN phát hành là 208,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ 2020.
Quán quân phát hành vẫn là các doanh nghiệp BĐS (92,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 44,2%). Sau đó đến các ngân hàng (68,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,7%); Năng lượng và khoáng sản (14,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,1%); Định chế tài chính phi ngân hàng (11,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,4%); Phát triển hạ tầng (6 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,9%); và các doanh nghiệp khác.
Theo SSI Research, cổ phiếu vẫn được dùng khá nhiều để làm tài sản đảm bảo cho các đợt phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp.
Cụ thể, loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác hầu hết là không có tài sản đảm bảo, các TPDN còn lại được phát hành trong nửa đầu năm 2021 có 18,6% được bảo đảm bằng BĐS; 11% được đảm bảo bằng tài sản; 33% được đảm bảo bằng một phần tài sản/bất động sản và một phần là cổ phiếu; 9,3% được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu và 28% là không có tài sản đảm bảo.
Trong đó, có 29.000 tỷ đồng trái phiếu BĐS được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, nếu tính cả các trái phiếu BĐS được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là gần 60.000 tỷ đồng - chiếm 64% tổng lượng trái phiếu BĐS phát hành 6 tháng đầu năm (các doanh nghiệp BĐS phát hành 92,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu, lãi suất bình quân là 10,36%/năm).
"Cần lưu ý rằng, việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng", chuyên gia SSI Research cảnh báo.
Một yếu tố khác, theo chuyên gia SSI Research, rủi ro với TPDN địa ốc đang tăng lên do môi trường lãi suất thấp giúp dòng tiền đầu tư cũng tìm đến kênh BĐS nhiều hơn và các doanh nghiệp BĐS tăng mạnh huy động vốn trái phiếu để triển khai các dự án, là nhóm phát hành nhiều nhất từ 2019 đến nay.
Tuy nhiên, dịch bệnh dai dẳng đang khiến cho môi trường kinh doanh của nhóm này bớt thuận lợi.
Cụ thể: Thanh khoản của thị trường BĐS có xu hướng giảm cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần; các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh; hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng đang chậm hơn dự kiến.
"Các yếu tố này làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc lãi trái phiếu của doanh nghiệp", chuyên gia SSI Research, dự báo.