Cảnh báo thủ đoạn tặng vàng giả nhan nhản trên mạng xã hội

Quỳnh Nguyễn Thứ ba, ngày 18/08/2020 06:16 AM (GMT+7)
Mới đây, công an Hà Nội đã triệt phá thành công đường dây lừa đảo bằng cách tặng vàng giả qua mạng, thu lợi bất chính 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây không phải là những đối tượng duy nhất lừa đảo bằng cách tặng vàng "dỏm", và sẽ còn không ít người "sập bẫy" với chiêu trò tương tự.
Bình luận 0

Dùng bài "tri ân" khách hàng, đường dây lừa đảo do Nguyễn Phi Hùng (23 tuổi, cư trú tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) cầm đầu dụ dỗ "con mồi" bằng cách chạy quảng cáo trên mạng xã hội với nội dung trao tặng nhẫn vàng 1 chỉ 24K hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, để nhận được món quà "tri ân" này, khách hàng phải bỏ ra mức phí 300-400 ngàn đồng. 

Chỉ trong một thời gian không quá dài, đã có tới 18.000 người trên khắp cả nước sập bẫy lừa của chúng. Đến khi bị bắt, Hùng khai nhận toàn bộ số nhẫn vàng là mỹ ký bằng kim loại, được đặt mua trên Facebook chỉ với giá... 10.000 - 15.000 đồng/1 chiếc.

Cảnh báo thủ đoạn tặng vàng giả nhan nhản trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Số nhẫn vàng là mỹ ký bằng kim loại có giá 10.000 - 15.000 đồng/chiếc bị cơ quan công an thu giữ

Đáng nói, đường dây lừa đảo này được hình thành ngay trong đợt dịch Covid-19 vào tháng 2/2020. Giá vàng 24K tại thị trường Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay đều ở mức cao, mỗi lượng vàng có giá trên 40 triệu đồng, thậm chí có lúc sốt giá lên tới hơn 60 triệu đồng/lượng.
Như vậy, chỉ tạm tính giá mỗi chỉ vàng nhẫn 24K khoảng 4 triệu đồng, nếu tặng với một số lượng nhiều thì con số bỏ ra là rất lớn. Hẳn nhiên, chẳng có doanh nghiệp nào chạy quảng cáo để tặng 1 chỉ vàng 24K một cách đại trà như vậy.

Thế nhưng cũng có tới 18.000 người tin, vì sự ngây thơ hay lòng tham thúc đẩy? Dù số tiền người nhận phải bỏ ra trong mỗi giao dịch không quá lớn, nhưng với giá trị một chiếc nhẫn vàng giả 10.000 - 15.000 thu lợi gấp 30-40 lần thì thực sự là "thả con săn sắt, bắt con cá rô".
Chính vì vậy, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, những đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt được hơn 1,2 tỉ đồng.

Cảnh báo thủ đoạn tặng vàng giả nhan nhản trên mạng xã hội - Ảnh 2.

Nhóm đối tượng tham gia đường dây quảng cáo lừa đảo với cái tên "Chương trình tặng 1 chỉ vàng tri ân khách hàng" tại cơ quan công an

Sau khi nhóm đối tượng này bị bắt, vẫn nhan nhản những quảng cáo "tặng vàng miễn phí", "vàng thật chỉ tặng không bán" trên mạng xã hội. Những Fanpage này cam kết chắc nịch: Chỉ tặng vàng thật 100%, không xi, không mạ; sẵn sàng "show" cả giấy kiểm định trang sức để tăng mức độ tin cậy, dù ai tinh ý đều dễ dàng nhận ra, đó chỉ là sản phẩm photoshop không hơn không kém.

Thử liên hệ với một Fanpage đang chạy quảng cáo tặng "vàng" có lượng hàng nghìn lượt tài khoản theo dõi, PV làm theo các bước được yêu cầu như cung cấp thông tin, địa chỉ, số điện thoại nhận hàng. Ngay lập tức, có người tự xưng nhân viên cửa hàng trang sức gọi điện tư vấn với nội dung: "Nhân dịp khai trương, cửa hàng dành tặng 9 dây chuyền vàng 18K giá 0 đồng cho 9 khách hàng may mắn nhất, mỗi dây chuyền trị giá 10 triệu đồng. Khách hàng là một trong 9 người may mắn được nhận quà tặng và phải đóng thuế thu nhập cá nhân tương đương 10% giá trị quà tặng, công ty sẽ hỗ trợ một phần thuế".

Khi hỏi về cách thức nhận hàng, phía bên kia cho biết sẽ gửi qua đường bưu điện, cước phí được thanh toán khi nhận quà. 

"Số tiền để nhận được quà là 400.000 đồng, quý khách yên tâm vì kèm theo sản phẩm sẽ có phiếu bảo hành, có thể bán lại cho cửa hàng hoặc tại các tiệm vàng trên toàn quốc", nhân viên tư vấn nói. Tuy nhiên, khi thắc mắc tại sao Fanpage không có địa chỉ cửa hàng, muốn bán lại thì bán ở đâu thì người này không trả lời được và vội kết thúc cuộc gọi.

Cảnh báo thủ đoạn tặng vàng giả nhan nhản trên mạng xã hội - Ảnh 4.

Một Fanpge chạy quảng cáo "tặng vàng" trên Facebook thu hút hàng nghìn lượt "like"

Trao đổi về vấn đề lừa đảo tặng vàng giả trên mạng xã hội, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: Đối tượng sử dụng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 500.000.000 trở lên sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất có thể đến tù chung thân theo quy định tại điều 175 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015.

Từ năm 2009, khi sửa đổi bộ luật hình sự thì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã bỏ mức hình phạt tử hình, bởi vậy dù số tiền lừa đảo có nhiều mức nào thì mức hình phạt cao nhất cũng chỉ là tù chung thân. Với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, với số tiền chiếm đoạt lớn thì hình phạt cao nhất sẽ là tù chung thân, với những đối tượng với vai trò thứ yếu, giúp sức thì hình phạt sẽ thấp hơn.

Các đối tượng sử dụng mạng xã hội, mạng viễn thông để thực hiện hành vi phạm tội là thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nên khi quyết định hình phạt tòa án sẽ xác định hành vi của đối tượng là tinh vi, xảo quyệt để vận dụng theo điểm m, khoản 1, Điều 52 BLHS để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.

Cảnh báo thủ đoạn tặng vàng giả nhan nhản trên mạng xã hội - Ảnh 5.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội)

Thủ đoạn của những đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường là đánh vào lòng tham của người bị hại hoặc lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người bị hại để chiếm đoạt tài sản. 

"Trong trường hợp các đối tượng sử dụng mạng internet, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng, số lượng người bị hại có thể lên đến hàng ngàn người và số tiền chiếm đoạt sẽ rất lớn.

Bộ luật hình sự năm 2015 có một tội danh riêng về các hành vi lừa đảo thông qua việc sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet. Những hành vi được mô tả theo quy định tại khoản một, điều 290 Bộ luật hình sự thì sẽ bị xử lý theo tội danh này. Còn đối với hành vi gọi điện cho khách hàng để tặng quà tri ân rồi chiếm và số tiền khách hàng nộp lại thì sẽ xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015", luật sư Cường cho hay.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem