Cảnh giác với hoa quả Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt

11/07/2019 17:14 GMT+7
Hiện nay, trên thị trường hoa quả được nhập khẩu từ Trung Quốc rất nhiều, có rất nhiều quả “lạ”, “độc”, thu hút cái nhìn và rất được ưa chuộng. Tuy nhiên điều đáng nói, người tiêu dùng luôn tin tưởng vì quả được mang danh “được trồng ở Việt Nam”.

Hoa quả “đội lốt”, không phải câu chuyện mới

Thực tế, trên thị trường hoa quả từ trước đến nay, người tiêu dùng luôn có tâm lí “tẩy chay” hàng Trung Quốc do nghi ngại sản phẩm ướp các chất bảo quản cùng nhiều yếu tố khác về chất lượng. Nắm bắt được tâm lí ấy, hàng ngàn tấn trái cây như mận, đào, nho Trung Quốc được tiêu thụ trên thị trường Việt Nam với danh “mận Sa Pa”, “nho Ninh Thuận”,...

Mận róc hạt Trung Quốc được quảng cáo mận Sa Pa Việt Nam

Phỏng vấn một người bán trái cây tại chợ Phùng Khoang (Hà Nội), chị T chia sẻ rằng tại các chợ đầu mối ở Hà Nội, nhất là vào mùa hè thì hoa quả rất nhiều và rẻ, mẫu mã cũng đẹp, hợp thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam. Chị còn tiết lộ thêm mình không chỉ chọn những quả đẹp, ngon mà còn lấy cả những hàng loại như quả bị sâu, dập trong quá trình vận chuyển để về bán với giá thành thấp. Tuy mẫu mã không đẹp nhưng dân dễ tin đó là hàng “made in Việt Nam”.

Khi hỏi vì sao chị biết là hàng Trung Quốc mà vẫn nói là trái cây Việt Nam, chị bộc bạch: “Tại dân mình không thích quả Trung Quốc, nói được trồng ở Việt Nam sẽ dễ tiêu thụ hơn, dù chất lượng quả Việt có loại không bằng nhưng họ vẫn thích”.

Xoài mini Trung Quốc được trồng ở... An Giang?

Qua khảo sát của phóng viên, gần đây thị trường có xuất hiện loại xoài mini (xoài tí hon, xoài mút). Trong bề ngoài quả nhỏ, vàng bắt mắt, có mùi thơm. Xoài được người bán quảng cáo được trổng ở Châu Đốc (An Giang), ngọt và hạt rất nhỏ với giá bán dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg.

Xoài mini đang được bày bán rất nhiều trên thị trường

Chị Hồng – chủ sạp bán trái cây ven đường tại một chợ ở Hà Nội - khẳng định: “Đây là giống xoài mới ở miền Nam, ăn rất ngọt”. Để lấy được lòng tin của người mua, chị bảo đảm “không ngon mang đây chị trả lại tiền”. Với hình thức lạ, chất lượng được bảo đảm, mỗi ngày chị bán sấp xỉ 1 tạ xoài mini.

Hiện, xoài mini Trung Quốc đang rộ mùa, năm nay nguồn hàng nhiều nên giá sản phẩm giảm mạnh. Loại này được trồng nhiều ở đảo Hải Nam. Đây cũng là trung tâm sản xuất xoài lớn nhất của Trung Quốc. Loại này thường được thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9.

Theo giới buôn, năm nay lượng xoài Hải Nam nhiều, tăng khoảng 15-20% nhờ thời tiết khô ráo, nên giá hấp dẫn hơn so với mọi năm. Năm ngoái, lượng xoài từ Trung Quốc về Việt Nam cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, người dùng Việt e dè với hàng Trung Quốc nên nhiều thương lái và tiểu thương gắn mác "xoài Châu Đốc" vào các sản phẩm này để dễ tiêu thụ.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, xoài Trung Quốc đang nhập về Việt Nam với số lượng lớn. Tính từ cuối tháng 6 đến nay lượng hàng về chợ trung bình 110 tấn một đêm với mức giá dao động 18.000 - 22.000 đồng một kg. Đây là mức giá khá hấp dẫn, tốt hơn nhiều so với hàng Việt, nên lượng tiêu thụ khá "chạy".

Những hệ lụy đằng sau...

Với chủng loại đa dạng, giá thành rẻ, chất lượng ổn định, hàng nghìn tấn trái cây Trung Quốc liên tục được nhập khẩu về Việt Nam và được tuồn ra thị trường.  Dân buôn lấy hàng rẻ, nhưng vì đeo mác Việt Nam, hàng Úc, Thái nên khách hàng đã mua với giá cao hơn gấp hai, ba lần mà không hề hay biết. Người buôn bán có thể chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến hệ quả khôn lường sau này. Việc mua phải hàng Trung Quốc cũng khiến người tiêu dùng bị tổn thất về kinh tế, mất lòng tin vào thương hiệu Việt.

Thêm vào đó, chất lượng hoa quả Trung Quốc cũng rất khó để kiểm soát. Đằng sau những trái đẹp mã, tươi bóng, dù được bày bán ngoài trời nắng mấy ngày cũng không ảnh hưởng thì ai biết được nó đã được “phù phép” như thế nào. Điều này không những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, mà vô hình chung đã tạo tâm lí bất an cho mỗi trái cây “made in Việt Nam”.

Mỗi người tiêu dùng hãy là một người thông thái, có đủ hiểu biết và kiến thức để phân biệt được trái cây Việt Nam và Trung Quốc để tránh mua phải hàng trái cây “đội lốt”. Còn với mỗi người kinh doanh, phải khai báo thông tin đúng, đủ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mình bán, nghiêm cấm các hành vi gian lận, khai báo sai thông tin sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên sớm vào cuộc để bảo vệ thương hiệu hoa quả Việt Nam.

Mai Trang
Cùng chuyên mục