Cung cấp xe tăng để Ukraine phá vỡ thế bế tắc trong cuộc chiến với Nga, phương Tây đau đầu vì điều này

Minh Nhật (theo Guardian) Chủ nhật, ngày 15/01/2023 20:00 PM (GMT+7)
Xe tăng có thể cho phép Ukraine tiến hành một cuộc phản công lớn vào mùa xuân để đẩy lùi Nga nhưng chúng cũng cần các phương tiện hỗ trợ và điều "đau đầu" là hầu hết các quốc gia NATO đều sở hữu rất ít các phương tiện này.
Bình luận 0
Cung cấp xe tăng để Ukraine phá vỡ thế bế tắc trong cuộc chiến với Nga, phương Tây đau đầu vì điều này - Ảnh 1.

Xe tăng Challenger 2 của quân đội Anh. Ảnh: Finnbarr Webster/Getty Images

Theo The Guardian, việc Anh xác nhận cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine đã mở ra viễn cảnh một số quốc gia phương Tây khác cũng làm như vậy. Điều này sẽ cho Ukraine động lực mới trong nỗ lực giành lại lãnh thổ từ tay Nga. Tuy nhiên, sau khi trao xe tăng cho Ukraine, việc đảm bảo nước này có khả năng vận hành các phương tiện này được cho là sẽ gây khó cho phương Tây.

Theo The Guardian, Ukraine đang lên kế hoạch cho một cuộc phản công lớn nhằm giành lại lãnh thổ từ tay quân đội Nga vào mùa xuân.

Để thực hiện kế hoạch này, Ukraine rất cần các phương tiện bọc thép do NATO thiết kế như Bradleys và Marders đã được hứa hẹn chuyển giao trong tương lai cùng với xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2. Một khi được trang bị đủ số lượng, những phương tiện này sẽ bảo vệ quân đội Ukraine khỏi pháo binh Nga khi họ tiến lên. Xe tăng NATO cũng được cho là sẽ giúp Ukraine đánh bại thiết giáp và boong-ke Nga.

Việc cung cấp xe tăng cũng sẽ giúp giải quyết những hạn chế về nguồn cung đạn pháo cho Ukraine mà NATO đang gặp phải.

Không có xe tăng, các lực lượng vũ trang Ukraine có thể sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào pháo binh và do đó bắn nhiều đạn hơn để tiến lên. Thiết giáp sẽ mang lại cho quân đội Ukraine triển vọng đạt được nhiều lợi ích hơn dù bắn ít đạn hơn.

Bất chấp những lý do tác chiến hợp lý đó, việc cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực do NATO thiết kế cho Ukraine vẫn vấp phải một số thách thức lớn. Theo đó, Leopard 2, nặng khoảng 69 tấn trong khi Challenger 2 nặng 72 tấn - nặng hơn 20 tấn so với các xe tăng chiến đấu chủ lực do Liên Xô thiết kế hiện đang được Ukraine vận hành.

Ukraine có rất ít cơ sở hạ tầng để các phương tiện hạng nặng như vậy có thể di chuyển, trong khi các phương tiện kỹ thuật và phục hồi xe tăng cũng được tối ưu hóa để hỗ trợ các thiết kế của Liên Xô.

Bỏ qua việc đào tạo cần thiết để điều khiển, sử dụng xe tăng do NATO thiết kế, Ukraine cũng cần được cung cấp các phương tiện hỗ trợ cơ động và kỹ thuật chiến đấu nếu NATO triển khai xe tăng chiến đấu chủ lực ở Ukraine theo bất cứ quy mô nào.

Chính yêu cầu này đối với những người hỗ trợ - đồng minh của Ukraine - đã đặt ra những lựa chọn khó khăn đối với các thành viên NATO muốn cung cấp xe tăng cho Ukraine.

Sau chiến tranh Lạnh, các hạm đội xe tăng chiến đấu chủ lực đã suy giảm đáng kể, trong khi việc cắt giảm các phương tiện bắc cầu, đột phá, vận chuyển và phục hồi thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Hầu hết các quốc gia chỉ vận hành ở mức tối thiểu các phương tiện này để tiết kiệm chi phí và đáp ứng các cam kết của NATO. Kết quả là, các đối tác quốc tế của Ukraine đang tiến tới một ngã rẽ khó khăn trong việc liệu họ có sẵn sàng đầu tư vào việc tái tạo năng lực của chính họ cũng như hỗ trợ Ukraine hay không.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem