Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 đến từ Hải Phòng trồng lúa, làm ra thứ gạo gì mà ai cũng muốn mua?

Thu Thủy Thứ năm, ngày 03/08/2023 05:17 AM (GMT+7)
Chị Nguyễn Thị Hà, sinh năm 1985 - Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) đang sử dụng gần 70 héc ta cấy lúa, trồng rau màu, làm ra gạo ruộng rươi (loại gạo sạch), thu nhập 2.8 tỷ/ năm. Chị Hà vừa được bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023”.
Bình luận 0

Clip: Chị Nguyễn Thị Hà, sinh năm 1985 - Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng), Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 chia sẻ về sản phẩm gạo ruộng rươi, một loại gạo sạch Thực hiện: Thu Thủy

Đam mê làm gạo ruộng rươi, vận động nông dân cấy mạ khay bằng máy

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Ninh Giang (Hải Dương) trong một gia đình đông con, mẹ chị Hà mất sớm, một mình bố chị không gánh vác nổi kinh tế gia đình. Vì thế, đang học tại trường Đại học Nông nghiệp Việt Nam, chị Hà phải bỏ học về quê lao động và xây dựng gia đình.

Hải Phòng: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 mới ngoài 30 tuổi, đam mê cấy lúa, trồng rau, chị là ai? - Ảnh 2.

Chị Hà trực tiếp hướng dẫn nông dân cách để mạ khay cho đúng khi vận chuyển. Ảnh: Thu Thủy

Năm 2009, sau khi kết hôn 2 vợ chồng chị Hà đã tìm sang Hải Phòng làm việc. Chị Hà bươn trải nhiều công việc khác nhau, nhưng niềm đam mê với nông nghiệp thì luôn hiện hữu. Chị dành nhiều thời gian tham khảo, tìm tòi về cách làm nông nghiệp hiện đại.

Ban đầu, chị Hà tận dụng diện tích đất vườn của gia đình làm 1 nhà lưới nhỏ chỉ để thỏa sức với đam mê trồng cây. Chị trồng nhiều thứ cây theo hướng an toàn và thử nghiệm việc gieo mạ khay trên đó. Ngoài giờ làm việc, chị Hà lên mạng tìm hiểu thêm về cách làm nông nghiệp, trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức về cơ giới hóa hiện đại phục vụ việc phát triển nền nông nghiệp mới…

Hải Phòng: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 mới ngoài 30 tuổi, đam mê cấy lúa, trồng rau, chị là ai? - Ảnh 3.

Làm nông nghiệp luôn là đam mê của chị Nguyễn Thị Hà. Ảnh: Thu Thủy

Chị Hà mày mò tìm hiểu sâu về công nghệ gieo mạ khay cấy bằng máy. Thấy ở Hải Phòng lúc đó chưa có ai làm về lĩnh vực này. Chị Hà đã mạnh dạn làm thử, chị đi vận vận động bà con địa phương Hải Phòng - nơi chị Hà đang sinh sống để cung ứng dịch vụ. Lâu dần, chị Hà đã bén duyên với nghề này rất sâu đậm.

Chị Hà chia sẻ, lúc đầu công việc cung ứng mạ khay cấy bằng máy cũng gặp nhiều khó khăn, thời điểm đó người dân chưa quen cấy mạ khay nhiều, có người khi cấy máy xong rồi lại đi nhổ lên cấy lại bằng tay. Họ cho rằng cấy mạ khay bằng máy cây lúa không bám chắc, cấy thưa lãng phí diện tích… 

Chị Hà mạnh dạn cam kết bồi thường với nhiều hộ dân còn băn khoăn, lo lắng. Nhưng rồi những băn khoăn, thắc mắc của các hộ dân đã nhanh chóng giải tỏa khi thấy năng suất lúa cấy mạ khay bằng máy năm đó đạt 2,8 tạ/sào. Chính sự cam kết với một số họ ban đầu đã làm nên thành công cho chị Hà nhiều năm tiếp theo.

Hải Phòng: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 mới ngoài 30 tuổi, đam mê cấy lúa, trồng rau, chị là ai? - Ảnh 4.

Mạ khay gieo trong nhà lưới luôn đảm bảo chất lượng. Ảnh: Thu Thủy

Lý giải về hiệu quả của việc cấy mạ khay bằng máy chị Hà cho biết, việc gieo mạ khay trong nhà lưới sẽ tiết kiệm được nhiều diện tích, chuột không vào phá hoại được, mạ lên đều cây, không mất nhiều chi phí và thời gian. 

Cây mạ cấy bằng máy rễ cây lúa ăn nông bên trên, cây lúa phát triển tốt hơn và luôn nhận được nhiều dinh dưỡng hơn. Ngoài ra, việc cấy thưa còn hạn chế tối đa sâu bệnh gây hại, giảm được chi phí chăm bón và phun trừ.

Năm 2013, Hải Phòng có chương trình áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, hỗ trợ nông dân về việc cấy máy bằng mạ khay, nông dân toàn thành phố được tiếp cận với công nghệ này. Từ đó công nghệ mạ khay cấy máy của chị Hà đã được nhân rộng đến nhiều địa phương khác của các xã, các huyện lân cận.

Thấy hiệu quả, nông dân một số nơi tại Hải Phòng cũng bắt đầu thay đổi cách làm cũ. Số người sử dụng mạ khay cấy bằng máy tăng dần lên theo từng năm. Phương pháp canh tác thủ công "con trâu đi trước cái cày theo sau" cũng dần dần được xóa bỏ.

Tích tụ ruộng cấy lúa, làm ra thứ gạo ruộng rươi đặc sản

Hải Phòng: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 mới ngoài 30 tuổi, đam mê cấy lúa, trồng rau, chị là ai? - Ảnh 5.

Công nhân HTX đang lựa chọn khay mạ đạt tiêu chuẩn để mang đi cấy. Ảnh: Thu Thủy

Để khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng không cấy diễn ra nhiều địa phương, chị Hà đã vận động bà con thuê lại, đem cải tạo sản xuất lúa chất lượng cao, lúa cá theo hướng an toàn. Tận dụng những chân ruộng cao, xen canh tăng vụ trồng rau vụ đông như khoai tây, bắp cải, súp lơ, cà chua, dưa lê… Đến nay, diện tích tích tụ được 70ha. Hiệu quả sản xuất 70 triệu/ha/năm gấp 3-5 lần so với trồng lúa thông thường.

Năm 2017, chị Hà thành lập HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ Thụy Hương, liên kết bao tiêu sản phẩm với các công ty lớn như: Công ty chế biến khoai tây ORION, Công ty TNHH Thành Vinh, Công Ty cổ phần sinh thái Gạo Ruộng rươi… để bà con yên tâm sản xuất không phải lo cảnh "được mùa mất giá" như trước.

Hải Phòng: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 mới ngoài 30 tuổi, đam mê cấy lúa, trồng rau, chị là ai? - Ảnh 6.

Nông dân tiến hành căng ni lông bảo vệ lúa: Ảnh: Thu Thủy

Trong quá trình tích tụ ruộng đất trồng lúa an toàn, chị Hà đi thăm quan những xã có vùng đất bãi ngoài đê để tìm hiểu về hệ sinh thái rươi – lúa. 

Qua đó chị Hà biết, đây chính là một hệ môi trường cộng sinh. Ấu trùng rươi luôn có sẵn trong mỗi lần thủy triều lên xuống. Khi người dân lấy nước vào ruộng, cây lúa sẽ là chỗ để ấu trùng rươi trú lại, sinh sôi phát triển, đến tháng 9, tháng10 có con nước lớn rươi ngoi lên là thu hoạch.

Cây lúa cấy trong đầm rươi từ khi cấy đến khi thu hoạch không bón phân hóa học, không phun thuốc bảo vệ thực vật. Thấy người dân cấy lúa trong đầm rươi để cải tạo đất lại không thu hoạch lúa là một sự lãng phí nguồn thực phẩm an toàn. 

Chị Hà đi sưu tầm những giống lúa khác phù hợp cho chân ruộng làm đầm rươi, cho thu hoạch và có nhiều giá trị, giúp người dân có thu nhập cao hơn từ cả rươi và lúa.

Hải Phòng: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 mới ngoài 30 tuổi, đam mê cấy lúa, trồng rau, chị là ai? - Ảnh 7.

Công nhân HTX đang vận chuyển mạ. Ảnh Thu Thủy

Chị vận động một hộ dân cho cấy thử nghiệm mạ khay cấy máy trên diện tích 5 sào ruộng đầm rươi sử dụng phân hữu cơ dòng vi sinh quế lâm, trùn quế, rơm rạ, trấu ủ mục để bón cho lúa luôn tạo độ tơi xốp cho đất. 

Kết quả, rươi và lúa đều phát triển tốt, năng suất lúa đạt 80 -90 kg/ sào, bán với giá cao gấp 3 lần lúa thông thường mà sản lượng rươi được tăng lên đáng kể.

Thấy chi phí nhân công được giảm lại nhanh khi dùng máy nên người dân chuyển dần sang việc cấy lúa bằng mạ khay trên diện tích canh tác rươi với các giống mới phù hợp như: Thơm RVT, ST21, ST24, ST25, gạo tím, huyết rồng và nhiều giống lúa thảo dược có giá trị về dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Vừa tăng thêm thu nhập từ lúa vừa cho năng suất rươi cao hơn.

Hải Phòng: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 mới ngoài 30 tuổi, đam mê cấy lúa, trồng rau, chị là ai? - Ảnh 8.

Sản phẳm gạo ruộng rươi được đánh giá đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Thu Thủy

Chị Hà cho biết, gạo ruộng rươi chứa nhiều dưỡng chất như vitamin A, B1, B6, B12, Omega 3-6-9… là sản phẩm an lành cho sức khỏe thể chất và tinh thần của tất cả mọi người. Gạo ruộng rươi đặc biệt phù hợp và tốt hơn cho bệnh nhân tiểu đường, người ăn chay, trẻ em phụ nữ mang thai, người cao tuổi.

Năm 2019, chị Hà tham gia chương trình OCOP, gạo ruộng rươi của HTX đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp thành phố, gạo ruộng rươi đang được bán tại hệ thống các cửa hàng, siêu thị của hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hải Phòng: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 mới ngoài 30 tuổi, đam mê cấy lúa, trồng rau, chị là ai? - Ảnh 9.

Mạ khay cấy máy đang được nhiều nông dân Hải Phòng sử dụng trên tất cả các chân ruộng cao, thấp. Ảnh: Thu Thủy

Hiện, chị Hà đang triển khai mạ khay cấy ruộng rươi và bao tiêu toàn bộ sản phẩm trên diện tích trên 200 ha. Hàng năm, số lượng thóc bán ra thị trường trên 600 tấn, gạo rươi khoảng 100 tấn với giá từ 40 -50 nghìn/kg gạo. 

Toàn bộ lúa của bà con cấy trên ruộng nuôi rươi đều được HTX bao tiêu tại ruộng. Sau đó, được đem sấy chậm theo phương pháp công nghiệp đảm bảo giữ được chất lượng hạt lúa tốt nhất mà không phụ thuộc vào thời tiết.

Ngoài ra, chị Hà còn thu nhập từ sản phẩm rau mầm tiêu chuẩn Vietgap, có đầu ra ổn định tại các bếp ăn, các trường học trên địa bàn thành phố Hải Phòng cho doanh thu 300 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt 60 - 70 triệu đồng/ năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem