Chậm triển khai thu phí BOT tự động: “Sợ công khai nên trì hoãn”

P.V Thứ tư, ngày 06/03/2019 06:30 AM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) bày tỏ, có thể thấy rõ một số nhà đầu tư BOT không mấy mặn mà với việc thu phí không dừng thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chậm thực hiện việc này, các nhà đầu tư có rất nhiều lý do đưa ra, trong số đó có lý do về việc chưa đủ năng lực tài chính thực hiện thu phí không dừng.
Bình luận 0

“Theo tôi, đó là lý do không chính đáng. Nếu họ thực sự có quyết tâm làm thì đến thời điểm hiện tại đã thực hiện được rồi, vì các doanh nghiệp này muốn trì hoãn và bản chất thực sự là không muốn công khai minh bạch việc thu phí” - ông Hoà nhận định.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam ký hợp đồng độc quyền cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 với Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC), tài khoản thu phí của VETC và tài khoản giao thông của chủ phương tiện sẽ cùng một ngân hàng. Trong khi đó, chủ ô tô muốn dùng dịch vụ thu phí tự động phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông, nhưng không được tính lãi. Điều này không chỉ khiến chủ xe không hào hứng nộp tiền trước để sử dụng thu phí tự động, các ngân hàng khác cho vay vốn làm BOT giao thông cũng không ủng hộ.

img

Thu phí kiểu giao vé - thu tiền ở BOT Biên Cương trên tuyến Quốc lộ 18, đoạn Hạ Long - Mông Dương
(TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh). Ảnh: B.T.T

Trước đó, nhiều trường hợp thanh tra của Bộ GTVT phát hiện một số hoạt động tiêu cực làm thất thoát doanh thu thu phí như Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thu bình quân 1,97 tỷ đồng/ngày, nhưng theo báo cáo của nhà đầu tư chỉ 1,2 tỷ đồng/ngày…

Theo ông Hòa, những tiêu cực như vậy đặt ra câu hỏi khiến dư luận đặc biệt quan tâm, đó là có hay không việc giấu giếm doanh thu tại trạm thu phí? Liệu có phải chủ đầu tư và người quản lý trạm với nhân viên trạm móc nối với nhau về việc báo cáo số lượng doanh thu? Cho nên, cần quy trách nhiệm về cho đơn vị chủ đầu tư.

Đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh, vụ cướp hơn 2 tỷ đồng ở trạm thu phí trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã làm dấy lên quan ngại về sự dối trá trong việc báo cáo số lượng thu phí, thu thì nhiều mà báo cáo thì ít. Bộ GTVT, đặc biệt là Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cũng như nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Bộ và Tổng cục phải có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở thực hiện, phải làm sao trong năm nay hoàn thiện các trạm BOT thu phí không dừng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem