Chân dung DN xin đầu tư 4 dự án lớn, tài trợ 1,2 triệu USD cho Đắk Nông thuê tư vấn quy hoạch tỉnh

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 22/04/2022 16:29 PM (GMT+7)
Công ty Cổ phần Tập đoàn Việt Phương (Việt Phương Group - VPG) xin đầu tư 4 dự án lớn tại Đắk Nông có vốn điều lệ ở thời điểm cuối năm 2020 là 3.000 tỷ đồng, tăng 114% trong vòng 2 năm. Việt Phương Group còn là cổ đông lớn nhất của VietABank.
Bình luận 0

Việt Phương Group xin đầu tư 4 dự án lớn tại Đắk Nông, tài trợ 1,2 triệu USD thuê tư vấn quy hoạch tỉnh

Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Nông, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương (Việt Phương Group) đã báo cáo về 4 dự án đang trong quá trình khảo sát, xin chủ trương đầu tư tại Đắk Nông.

Đó là, dự án tổ hợp Boxit - Alumin- Nhôm Đắk Glong; dự án điện gió thuộc huyện Tuy Đức, Đắk Song và Đắk Glong; Khu công nghiệp Nhân Cơ 2; tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng tại TP. Gia Nghĩa.

Chân dung DN xin đầu tư 4 dự án lớn, tài trợ 1,2 triệu USD cho Đắk Nông thuê tư vấn quy hoạch tỉnh - Ảnh 1.

Tổng giám đốc Việt Phương Group, bà Phương Minh Huệ tại buổi trao đổi với tỉnh Đắk Nông ngày 21/4. (Nguồn: daknong.gov.vn)

Để các dự án được triển khai thuận lợi, Công ty kiến nghị với tỉnh Đắk Nông nhiều vấn đề. Theo đó, Công ty mong muốn tỉnh thống nhất cho Công ty được lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư; triển khai các thủ tục đầu tư dự án khai thác, chế biến Boxit - Alumin - Nhôm theo quy định.

Công ty cần tỉnh hỗ trợ trong quá trình giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Nhân Cơ 2. UBND tỉnh Đắk Nông xem xét, sớm có văn bản trình Bộ Công thương bổ sung 6 dự án điện gió vào quy hoạch để Công ty đầu tư.

Cùng ngày, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương cũng đã tài trợ cho tỉnh Đắk Nông 1,2 triệu USD để thuê tư vấn nước ngoài tư vấn chiến lược quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chân dung DN xin đầu tư 4 dự án lớn, tài trợ 1,2 triệu USD cho Đắk Nông thuê tư vấn quy hoạch tỉnh - Ảnh 2.

Nguồn: baodaknong.org.vn

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương cũng bày bỏ mong muốn đầu tư Nhà máy sản xuất vật liệu Cristobalite; Nhà máy chế biến cát silic, bột oxit silic ít sắt chất lượng cao; bến cảng chuyên dụng và khu hậu cần... trên địa bàn tỉnh Quảng Nam với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 3.000 tỷ đồng.

Chân dung Việt Phương Group

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (VPG) tiền thân là Công ty TNHH Thương mại, Đầu tư và Du lịch Việt Phương, được thành lập ngày 05/01/1996.

Tại thời điểm thành lập, ngành nghề hoạt động chính của doanh nghiệp là Thương mại, Dịch vụ; Vận chuyển hành khách công cộng bằng Taxi; Phân phối độc quyền mặt hàng thép không gỉ của Tập đoàn NEUMO (Cộng hòa Liên bang Đức).

Năm 2001 – 2006, Việt Phương Group đầu tư ra nước ngoài và tham gia lĩnh vực sản xuất; Đầu tư Nhà máy sản xuất chế gỗ tại Tỉnh Khăm-Muộn, CHDCND Lào; Tham gia đầu tư lĩnh vực sản xuất và lắp ráp Ô tô.

Cũng trong giai đoạn này, Việt Phương Group đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực Bất động sản.

Tháng 03/ 2007, Việt Phương chuyển đổi mô hình sang Công ty Cổ phần.

Giai đoạn 2010 – 2015, Việt Phương Group lấn sân sang ngân hàng; Xây dựng và Năng lượng. Hiện Việt Phương đầu tư và trở thành cổ đông lớn nhất của Ngân hàng TMCP Việt Á. Theo báo cáo quản trị năm 2021 của VietABank, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương sở hữu trên 54,3 triệu cổ phiếu VietABank, tương ứng 12,21% vốn điều lệ của ngân hàng.

Chân dung DN xin đầu tư 4 dự án lớn, tài trợ 1,2 triệu USD cho Đắk Nông thuê tư vấn quy hoạch tỉnh - Ảnh 3.

Các lĩnh vực hoạt động của Việt Phương Group. (Ảnh chụp màn hình)

Từ năm 2016 đến 2020, Việt Phương Group đẩy mạnh khai khoáng (như khai thác mỏ Silica ở tỉnh Thừa Thiên Huế) và tham gia vào Dược phẩm Y tế và trở thành cổ đông chiến lược của Vinapharm.

Với 20.000 khách hàng sử dụng sản phẩm và dịch vụ và trên 369 dự án được triển khai thành công, doanh thu của Việt Phương Group hàng năm trên 1.000 tỷ đồng.

Về quy mô vốn điều lệ, theo đăng ký thay đổi của doanh nghiệp, tháng 12/2019 điều lệ của doanh nghiệp tăng từ 1.400 tỷ lên 2.000 tỷ, 1 năm sau (tháng 12/ 2020), Việt Phương Group tiếp tục tăng vốn từ 2.000 tỷ lên 3.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 2 năm, quy mô vốn điều lệ của Việt Phương Group đã tăng 114%.

Đến cuối năm 2020, đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc của Việt Phương Group là bà Phương Minh Huệ, sinh năm 1971. (Bà Phương Minh Huệ từng được bầu làm thành viên HĐQT VietABank từ 20/6/2020 nhưng đến 24/4/2021 bà Huệ không còn thành viên HĐQT của ngân hàng).

"Ông chủ" của Việt Phương Group là ông Phương Hữu Việt sinh năm 1964, quê Lương Tài, Bắc Ninh. Ông là tiến sỹ kinh tế, đã có gần 30 năm kinh nghiệm trong quản lý kinh tế.

Chân dung DN xin đầu tư 4 dự án lớn, tài trợ 1,2 triệu USD cho Đắk Nông thuê tư vấn quy hoạch tỉnh - Ảnh 4.

Nguồn: VietABank

Ông Việt cũng từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT VietABank từ tháng 8 năm 2011 cho đến tháng 9/2021, trước khi miễn nhiệm. 

Tại thời điểm ông Việt được bổ nhiệm Chủ tịch VietABank, ông cũng đồng thời là Chủ tịch của Việt Phương Group; Phó Chủ tịch hội doanh nghiệp Việt Nam - liên bang Nga; Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt nam - Ucraina và Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam. Ngoài ra, ông Phương Hữu Việt còn là Đại biểu quốc hội các khóa X, XI, XII và XIII.

Đến nay, dù không còn là Chủ tịch của VietABank nhưng ông Phương Hữu Việt vẫn là thành viên HĐQT của nhà băng này.

Theo báo cáo quản trị năm 2021 của VietABank, ông Phương Hữu Việt sở hữu hơn 10,2 triệu cổ phiếu VAB, tương ứng tỷ lệ 4,54%.

Như vậy, ông Phương Hữu Việt và Việt Phương Group nắm giữ tới 16,75% vốn điều lệ của VietABank.

Trên thị trường chứng khoán, hiện cổ phiếu VAB của VietABank đang giao dịch quanh mức 11.600 đồng/cp. Với thị giá này, gần 74,5 triệu cổ phiếu do ông Việt và Việt Phương Group sở hữu có giá trị trị gần 865 tỷ đồng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem