Chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ: Thiệt hại hơn 20.000 tỷ đồng/năm

Thanh Xuân Thứ tư, ngày 19/11/2014 07:14 AM (GMT+7)
Đó là con số được Liên minh Nông nghiệp Việt Nam công bố tại Hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu về “Cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam”, tổ chức ngày 18.11 tại Hà Nội.
Bình luận 0

Sản xuất nhỏ đang thiệt hại kép

Theo nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp, ngành chăn nuôi ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp. Trong giai đoạn từ năm 2000 -2012, tổng sản lượng thịt gia súc, gia cầm tăng khoảng 2,5 lần, với tổng giá trị đạt khoảng 10 tỷ USD (2012), chiếm gần 27% tổng giá trị ngành nông nghiệp. Cấu trúc ngành chăn nuôi đang thay đổi nhanh, từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng giống, thức ăn địa phương và tiêu thụ sản phẩm tại các chợ truyền thống... chuyển sang mô hình chăn nuôi công nghiệp khép kín quy mô lớn, liên kết hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp đầu và bao tiêu sản phẩm tại các hệ thống siêu thị và phân phối lớn.

imgChăn nuôi nông hộ đang chịu nhiều rủi ro, thua thiệt do cả yếu tố chủ quan và khách quan (ảnh minh hoạ). 

 

Thực tế trên đã dẫn tới số lượng chăn nuôi nhỏ giảm nhanh vì phải chịu nhiều rủi ro như: Dịch bệnh, cạnh tranh với các hộ chăn nuôi quy mô lớn và không được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước... TS Nguyễn Văn Giáp - Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam, Trưởng nhóm nghiên cứu “Cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam” cho biết: Với giả định có sự cạnh tranh không lành mạnh và bằng các phương pháp tính toán khoa học, chúng tôi ước tính thiệt hại cho ngành chăn nuôi bao gồm cả nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra bị doanh nghiệp và thương lái thao túng, mỗi năm chăn nuôi nông hộ chịu thiệt thòi khoảng hơn 20.000 tỷ đồng.

Cụ thể, theo TS Giáp: Với mỗi kg lợn, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị thiệt hại khoảng 6.535 đồng, trong khi thương lái được hưởng lợi hơn 3.000 đồng/kg và tổng thiệt hại của xã hội là 3.454 đồng/kg. Đối với thiệt hại của hộ nuôi gà là 2.471 đồng/kg, thương lái được hưởng lợi 1.179 đồng/kg và tổng thiệt hại của xã hội là 1.291 đồng/kg. Tương tự, với thức ăn chăn nuôi, nhà cung cấp được hưởng 584 đồng/kg, trong khi thiệt hại của hộ chăn nuôi là 1.474 đồng/kg và tổng thiệt hại của toàn xã hội là 590 đồng/kg.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra lợi ích và thiệt hại khi có độc quyền của thị trường. Cụ thể đối với thịt lợn, giả định có sự ép giá của thương lái, thiệt hại cho hộ nuôi lợn nhỏ lẻ tính toán được theo giá thị trường là 20.341 tỷ đồng/năm, trong khi lợi ích đem lại cho thương lái là 10.762 tỷ đồng/năm, dẫn tới tổng thiệt hại cho toàn xã hội là hơn 12.061 tỷ đồng/năm. Tương tự, đối với thịt gà, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị thiệt hại 835 tỷ đồng, trong khi thương lái có lợi ích 413 tỷ đồng và thiệt hại của toàn xã hội là 422 tỷ đồng/năm. Cũng với phương pháp tính này, nghiên cứu cũng đưa ra lợi ích và thiệt hại ở thị trường thức ăn chăn nuôi khi có sự thao túng và định giá thị trường cụ thể: Lợi ích của nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi mỗi năm là 9.870 tỷ đồng, trong khi thiệt hại của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là 19.839 tỷ đồng và tổng thiệt hại cho toàn xã hội là 9.968 tỷ đồng.

7 “lối thoát” cho ngành chăn nuôi

Theo nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhỏ chịu rủi ro đến từ giá thức ăn, dịch bệnh và giá bán sản phẩm. Trước những tồn tại của ngành chăn nuôi, Liên minh Nông nghiệp đã đưa ra 7 kiến nghị cụ thể: Xây dựng chiến lược và quy hoạch chăn nuôi hoàn chỉnh cho cả nước; kiểm soát nhập lậu sản phẩm thịt; kiểm soát độc quyền và nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh trong thị trường thức ăn chăn nuôi; siết chặt khâu kiểm soát vệ sinh môi trường chăn nuôi; kiểm soát hiệu quả thị trường thuốc thú y; xây dựng mạng lưới kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm...

TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư cho biết, đây là một nghiên cứu có cách tiếp cận mới mẻ, chỉ được cả các biến động của đầu ra, đầu vào với người chăn nuôi nông hộ. Có thể nói đây là một nghiên cứu khá đầy đủ và toàn diện về ngành chăn nuôi, đưa ra những góc nhìn mới để các nhà khoa học, nhà quản lý phải suy nghĩ trước khi bước vào hội nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Để toàn diện hơn, theo tôi các tác giả cần phải xem xét kỹ hơn các vật nuôi khác trong cơ cấu ngành chăn nuôi, ngay cả đối với gà, lợn thì con lợn mán, con gà ri, con bò H’mông… - những loài luôn có chỗ đứng trên thị trường. Ngoài ra, các tác giả cần đánh giá những tác động của chăn nuôi quy mô lớn đã ảnh hưởng như thế nào tới quá trình giảm nghèo và thu nhập bền vững của chăn nuôi nông hộ thì sẽ đầy đủ hơn” - ông Thành nói.

Cùng chung nhận định trên, TS Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho biết, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tới hơn 60% cơ cấu của ngành chăn nuôi và đóng góp lớn cho cả ngành nên ngoài ưu tiến phát triển chăn nuôi quy mô lớn chúng ta vẫn cần có chính sách phát triển chăn nuôi trang trại gia đình. “Theo tôi, cần phải phát triển mạnh dịch vụ giống, dịch vụ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… để người dân dễ đàng tiếp cần, tự chủ được thông tin tránh bị ép giá, bị thao túng thị trường cả đầu vào và đầu ra để giảm thiệt hại cho chăn nuôi nhỏ lẻ. Mặt khác, bản thân người chăn nuôi nhỏ phải biết tự liên kết lại để tránh bị thiệt thòi trong “cuộc chơi” này” - TS Đào Thế Anh nhấn mạnh.

    TS Nguyễn Văn Giáp bày tỏ: Với nghiên cứu này, chúng tôi hy vọng các cơ quan nhà nước cần phải xem xét lại một cách đầy đủ, khách quan khi nông hộ tham gia vào thị trường đã cạnh tranh lành mạnh chưa, theo đúng luật chưa, có sự thao túng thị trường hay không... để điều chỉnh lại   cho phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem