Chất lượng nước bất thường, Công ty Cấp nước Nghệ An bị thanh tra những gì?
Chất lượng nước chưa đảm bảo?
Cụ thể, vào năm 2019, Công ty Cổ phần cấp nước Nghệ An (UPCoM: NAW; Nawasco) đã bơm nước sông Đào thay thế nước sông Lam để sản xuất nước sạch bán cho người dân khiến cho dư luận xôn xao về chất lượng nước.
Theo đơn giá phê duyệt của UBND tỉnh Nghệ An, đơn nước thô được phê duyệt từ sông Lam có giá 1.950 đồng/m3, nước thô từ sông Đào là 900 đồng/m3, chênh lệch giá nước sạch thành phẩm khi sản xuất từ 2 nguồn nước thô này được quy định là 2.000 đồng/m3.
Tiếp đó, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản số 5640/UBND-CN chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng trên và yêu cầu Công ty CP Cấp nước Nghệ An dừng việc lấy nước thô từ sông Đào để sản xuất nước sinh hoạt tại 2 nhà máy nước Bạch Cầu và Hưng Vĩnh.
Đồng thời, thực hiện lấy nguồn nước thô trực tiếp từ sông Lam (đã được tính đủ chi phí nước thô trong giá tiêu thụ nước sạch tại Quyết định số 41/2018/QĐ-UBND ngày 2/10/2018 của UBND tỉnh Nghệ An) để sản xuất nước sạch cấp cho địa bàn TP.Vinh và vùng phụ cận.
Đến đầu năm 2022, hiện tượng nước sạch bị đục bất thường kéo dài, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định về việc thanh tra xác định nguyên nhân sự cố nước sinh hoạt trên địa bàn TP.Vinh và vùng phụ cận bị nhiễm bẩn, đục bất thường.
Quyết định số 3037/QĐ-UBND ngày 5/10/2022 nêu rõ, tiến hành thanh tra tại Công ty CP Cấp nước Nghệ An, xác định nguyên nhân sự cố nước sinh hoạt trên địa bàn TP.Vinh và vùng phụ cận nhiễm bẩn, đục bất thường; việc sử dụng nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước; việc tuân thủ quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng các tuyến ống và nhà máy nước. Thời kỳ thanh tra từ 2019 đến nay.
Được biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã phối hợp cùng các sở: Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, cùng các địa phương tiến hành kiểm tra vấn đề nước sạch trên địa bàn TP.Vinh và các vùng phụ cận. Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại hiện trường và báo cáo của các đơn vị liên quan, Sở Xây dựng đã có văn bản số 2401/SXD-HTKT báo cáo UBND tỉnh Nghệ An.
Đoàn kiểm tra kết luận về nước thô đầu vào, mẫu nước thô sông Lam có 1 thông số giám sát không đạt (COD) vượt quy chuẩn 1,24 lần. Mẫu nước thô sông Đào có 4 thông số giám sát vượt quy chuẩn cho phép, gồm: BOD5 vượt 1,17 lần, COD vượt 1,007 lần, TSS vượt 1,26 lần, Nitrit vượt 1,34 lần; trong đó chỉ số TSS thể hiện chất gây ô nhiễm nước. Vì vậy, nếu quá trình sản xuất không đảm bảo lắng, lọc các chất không hòa tan sẽ dẫn đến xuất hiện vật thể lạ trong nước sinh hoạt như vừa qua.
Theo đó, để xảy ra sự việc nước sạch bị nhiễm bẩn thời gian qua trách nhiệm thuộc về Công ty CP Cấp nước Nghệ An.
Cụ thể, Công ty này không kịp thời báo cáo cho chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan khi người dân phản ánh hiện tượng nước sinh hoạt nhiễm bẩn, đục bất thường.
Việc xử lý sự cố và khôi phục việc cấp nước sạch không triệt để, kịp thời dẫn đến cung cấp dịch vụ cấp nước cho người dân không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định.
Tại thời điểm kiểm tra, nhà máy nước Hưng Nguyên sử dụng nước thô từ sông Đào để sản xuất nước sạch với công suất trung bình khoảng 2.500m3/giờ tương đương công suất 60.000m3/ngày đêm cấp nước về khu vực TP.Vinh. Nhà máy nước Hưng Vĩnh và Cầu Bạch trong 6 tháng đầu năm 2022 sử dụng nguồn nước thô sông Lam để sản xuất nước sạch giảm khối lượng nhiều so với cùng kỳ năm 2021.
Hàng nghìn triệu m3 nước được bơm về
Theo thông tin từ Công ty TNHH TMV Cấp nước Sông Lam cho biết, năm 2018 là 31 triệu m3, trung bình 85.000m3/ngđ; 2019 là 24.8 triệu m3, trung bình 68.000m3/ngđ; 2020 là 34.7 triệu m3, trung bình 95.000m3/ngđ; 2021 là 31.4 triệu m3, trung bình 86.000m3/ngđ và năm 2022 là 14.5 triệu m3, trung bình 39.000m3/ngđ.
Từ con số trên có thể thấy lượng nước thô sử dụng nếu không bơm nước sông Đào là khoảng 95.000m3/ngày đêm, khoảng 34.7 triệu m3/năm.
Sở dĩ lượng nước thô từ sông Lam có sự thất thường trên là vì tại nhà máy nước Cầu Bạch có đường ống riêng lấy nước từ sông Đào mà không chi trả thuỷ lợi phí, lượng nước hàng ngày lấy qua nhà máy nước Cầu Bạch là khoảng 10.000m3/ngày đêm từ năm 2018 đến nay.
Tính riêng năm 2020, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh nhằm đưa nguồn nước đảm bảo cho nhân dân thì Công ty Cấp nước Nghệ An mới lấy 100% nước từ sông Lam theo đúng quyết định 41/2018/UBND-QĐ.
Khi mọi việc lắng xuống, Cấp nước Nghệ An lại lấy nước từ sông Đào thông qua nhà máy nước Cầu Bạch, không chi trả thuỷ lợi phí, đồng thời bơm nước từ cầu Mượu năm 2019 không chi trả thuỷ lợi phí, năm 2022 lấy nguồn nước từ Hưng Nguyên về cấp cho TP.Vinh với lượng nước trung bình là 47.000m3/ngày đêm.
Cũng theo đại diện Công ty Thuỷ Lợi Nam, lượng nước thô qua sông Đào công ty đã cung cấp cho Nhà máy nước Hưng Nguyên như sau: Năm 2018 doanh thu 460 triệu đồng, tương đương 511.111 m3 (Công ty Cấp nước Hưng Nguyên thông báo sản lượng nước sạch tiêu thụ theo tỷ lệ 1/1.25 là: 408.899m3/năm ~ 1.120m3/ngày đêm, thấp hơn công suất 5.000m3/ngày đêm mà công ty đang được UBND tỉnh phê duyệt).
Năm 2019 doanh thu 460 triệu, tương đương 511.111 m3 (Công ty Cấp nước Hưng Nguyên thông báo sản lượng nước sạch tiêu thụ theo tỷ lệ 1/1.25 là: 408.899m3/năm ~ 1.120m3/ngày đêm, thấp hơn công suất 5.000m3/ngày đêm mà công ty đang được UBND tỉnh phê duyệt).
Năm 2020 doanh thu 680 triệu đồng, tương đương 755.556 m3 (Công ty Cấp nước Hưng Nguyên thông báo sản lượng nước sạch tiêu thụ theo tỷ lệ 1/1.25 là: 604.444m3/năm ~ 1.656m3/ngày đêm, thấp hơn công suất 5.000m3/ngày đêm mà Công ty đang được UBND tỉnh phê duyệt).
Tuy nhiên, nhằm mục đích chuyển nguồn nước về bán cho người dân TP.Vinh, Công ty CP Cấp nước Nghệ An đã tự ý nâng cấp công suất nhà máy lên 29.000m3/ngày đêm, khi vùng cấp nước được duyệt của nhà máy nước Hưng Nguyên là địa bàn thị trấn huyện Hưng Nguyên và các xã lân cận.
Trước đó, vào tháng 12/2020, báo Dân Việt từng phản ánh, Cục Quản lý đường bộ II (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cấp giấy phép cho Công ty CP Cấp nước Nghệ An thi công đường ống nước đường kính D1000 thay thế D300 trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của QL1 tuyến tránh TP Vinh, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đang yêu cầu làm rõ quy trình cấp phép.
Cụ thể, Cục Quản lý đường bộ II (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cấp giấy phép cho Công ty CP Cấp nước Nghệ An thi công đường ống nước đường kính D1000 thay thế D300 trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của QL1 tuyến tránh TP Vinh (tỉnh Nghệ An) nhưng chưa được thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công đảm bảo độ an toàn của công trình... gây băn khoăn trong dư luận địa phương.
Dù chưa được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tuyến ống D1000, chưa có phê duyệt quy hoạch, chưa được Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công nhưng Công ty CP Cấp nước Nghệ An (có 38% vốn nhà nước) đã đầu tư, thi công thêm một tuyến ống truyền tải nước sạch cấp cho KCN VSIP có đường kính tới D1000, cao hơn nhiều lần so với tiết diện đường ống cần thiết để cung cấp nước sạch với công suất trên của nhà máy.
Thời điểm đó, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở Tài Nguyên - Môi Trường và các đơn vị kiểm tra, rà soát thông tin báo chí nêu.
Sau đó, Ban Nội chính Tỉnh uỷ Nghệ An đã có báo cáo kết luận phản ánh của báo chí là có cơ sở.