Chật vật di dời chăn nuôi khỏi nội đô Hà Nội: Trở lại nơi đầu tiên "nổ" dịch tả lợn châu Phi (Bài 1)

Sơn Hà Thứ tư, ngày 11/11/2020 16:24 PM (GMT+7)
LTS: Mới đây HĐND TP.Hà Nội đã ra Nghị quyết số 02/2020 quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc triển khai quy định này đang vấp phải nhiều khó khăn, phản ứng của người dân...
Bình luận 0

Bài 1: Trở lại nơi đầu tiên bùng phát dịch tả lợn châu Phi

Đầu năm 2019, người dân chăn nuôi xôn xao khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát tại một hộ chăn nuôi lợn thuộc quận Long Biên. Sau khi cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp khoanh vùng, tiêu hủy đàn lợn tại ổ dịch, khử trùng…, dịch bệnh này đã cơ bản được khống chế.

Tuy nhiên sau hơn 1 năm bùng phát dịch bệnh, phóng viên có dịp quay lại nơi này và nhận thấy, vẫn còn nhiều hộ đang duy trì chăn nuôi nhỏ lẻ, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.

Nước thải xả thẳng ra môi trường

Phóng viên Báo NTNN tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Loan (trú tại phường Long Biên, quận Long Biên), hộ chăn nuôi bị DTLCP tấn công vào năm 2019 và cũng phải tiêu hủy vật nuôi. 

Trang trại chăn nuôi của gia đình chị Loan nằm ở phía ngoài đê (thuộc vùng đất bãi sông Hồng), ngay bên dưới cầu Vĩnh Tuy. Chỉ có chị Loan ở nhà, còn chồng chị đi xin nước gạo và thức ăn thừa về cho đàn lợn.

Chật vật di dời chăn nuôi khỏi nội đô Hà Nội - Ảnh 1.

Thu nhập của gia đình chị Nguyễn Thị Loan (trú phường Long Biên, quận Long Biên) phụ thuộc chăn nuôi. Ảnh: S.H

Chị Loan cho biết, chị quê ở tỉnh Phú Thọ, sau khi lấy chồng mới về Hà Nội sinh sống. Do không có nghề nghiệp ổn định nên hai vợ chồng chị ra bãi sông Hồng trồng rau, nuôi lợn, đến nay đã 15 năm. Mọi chi tiêu, sinh hoạt của gia đình chị hoàn toàn phụ thuộc vào chăn nuôi lợn.

Tuy nhiên, năm 2019, đàn lợn của gia đình chị Loan bị DTLCP càn quét, thiệt hại đến 7 tấn lợn. Sau khi đàn lợn bị tiêu hủy, chị đã mua dê về nuôi. Chị cho biết, gia đình có 4 khẩu, dù làm lụng vất vả song vẫn phải ở trong căn nhà lụp xụp, lợp fibro xi măng. Ngay bên cạnh gian ở của nhà chị là chuồng nuôi lợn, gà, chó, dê. 

"Thu nhập từ bán lợn, bán gà tuy không giàu nhưng cũng đủ sinh hoạt và nuôi 2 con ăn học" - chị Loan chia sẻ.

Sang năm 2020, nhờ vay được ít vốn nên gia đình chị Loan liều tái đàn lợn trở lại. Hiện đàn lợn đã có trên 20 con. Đều đặn buổi chiều mỗi ngày, chồng chị Loan lại buộc 4 chiếc thùng nhựa vào chiếc xe máy cũ rồi vào trung tâm thành phố để xin thức ăn thừa, nước gạo về cho đàn lợn ăn.

Chị Loan nói: "Vợ chồng em không có nghề gì khác, cuộc sống khó khăn quá, cũng vì kế sinh nhai nên mới phải ra khu đất bãi này chăn nuôi. Nếu không nuôi lợn, nuôi gà, vợ chồng em cũng không biết làm gì ra tiền".

Theo quan sát của phóng viên, chuồng nuôi lợn của gia đình chị Loan được làm khá tạm bợ, toàn bộ nước thải chăn nuôi xả trực tiếp ra môi trường, không có hệ thống xử lý nước thải hay hầm biogas. 

Bên trên chuồng lợp tấm fibro xi măng, một số ô chuồng được ngăn bằng gạch, còn lại ngăn cách giữa các ô chuồng bằng các tấm gỗ ghép lại. Đứng từ xa cũng có thể ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc của phân, nước thải bốc lên.

Khi được hỏi về việc xử lý nước thải chăn nuôi, chị Loan cho hay: "Cũng không có cách nào khác. Do chúng em chăn nuôi ở ngoài bãi sông, cách xa khu dân cư và cũng không thấy ai nhắc nhở nên vẫn cứ xả thẳng ra ngoài như hiện tại". 

Chị Loan cho hay, qua tivi, báo đài cũng đã biết thông tin thành phố thực hiện cấm chăn nuôi trong đô thị, bởi vậy gia đình chị cũng rất lo lắng.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Tương tự, với diện tích vỏn vẹn gần 30m2, hộ anh Hoàng Văn Sơn (ở thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) đang nuôi 15 con lợn thịt và đàn gà gần 100 con. Theo anh Sơn, nếu thuận lợi, mỗi năm anh nuôi được 2 lứa lợn, có thể để ra được vài chục triệu đồng.

Quan sát của phóng viên, khu chăn nuôi lợn, gà nằm ngay sau khu sinh hoạt của gia đình anh Sơn và trong khu vực đông dân cư. Chuồng trại cũng chỉ lợp bằng các tấm fibro xi măng, mạng nhện giăng đầy. Mặc dù anh Sơn đã quây quanh chuồng bằng các tấm bạt buộc lại với nhau, song vẫn không thể ngăn được mùi phân lợn, phân gà bốc lên.

Chật vật di dời chăn nuôi khỏi nội đô Hà Nội: Trở lại nơi đầu tiên "nổ" dịch tả lợn châu Phi (Bài 1) - Ảnh 3.

Chuồng lợn 15 con của gia đình anh Sơn.

 Nước thải từ chăn nuôi cũng không được anh Sơn xử lý, thay vào đó là xả trực tiếp ra môi trường. "Vợ chồng tôi không có nghề nghiệp ổn định nên tận dụng diện tích để chăn nuôi thêm. Do là chăn nuôi ít, nên cũng không đầu tư chuồng trại, xử lý nước thải" - anh Sơn cho biết.

Theo UBND phường Long Biên, trên địa bàn còn 31 hộ chăn nuôi. Trong đó, nuôi trong khu dân cư là 2 hộ, ngoài khu dân cư 28 hộ. Về vật nuôi, đàn lợn có 481 con; đàn trâu bò 219 con; đàn dê, cừu 20 con; đàn gia cầm 868 con.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Hoàng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho hay, hiện trên địa bàn 2 thị trấn Trâu Quỳ và Yên Viên vẫn còn một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, tự phát gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. 

Thực tế cho thấy, DTLCP bùng phát năm 2019 cũng bắt nguồn từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo ông Hoàng, thực hiện Nghị quyết số 02 của HĐND thành phố, huyện cũng đã chỉ đạo quyết liệt về việc cấm chăn nuôi trong khu dân cư. Huyện đặt quyết tâm trong năm 2020 sẽ cấm triệt để chăn nuôi tại thị trấn Trâu Quỳ và Yên Viên.

Còn ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND phường Long Biên (quận Long Biên) cũng nhận định, các hộ dân chăn nuôi kiểu thủ công, tự phát đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, sức khỏe người dân xung quanh và cảnh quan đô thị. Được biết, toàn quận Long Biên còn 10/14 phường còn chăn nuôi, trong đó 7 phường còn cơ sở chăn nuôi có số đầu gia súc, gia cầm lớn.

"Mặc dù số hộ chăn nuôi trong khu dân cư đã giảm, tuy nhiên các hộ chăn nuôi với số lượng lớn đàn gia súc, gia cầm lại nằm ở ngoài khu bãi sông Hồng. Bởi vậy việc cấm hoặc di dời chăn nuôi chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn" – ông Kiên nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem