Chỉ 4 năm, "bẫy nợ" của Trung Quốc với các nước đang phát triển đã phình to gần gấp đôi
Dữ liệu mà Trung Quốc tiết lộ mới đây cho Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng tổng các khoản vay mà Bắc Kinh dành cho 68 quốc gia đang phát triển đã đạt tới 101,7 tỷ USD tính đến hết năm 2018. Con số này gần tương đương tổng khoản vay 103,7 tỷ USD của Ngân hàng Thế giới với 68 quốc gia này.
Đáng chú ý, các khoản vay mà chính phủ Trung Quốc dành cho 68 quốc gia đang phát triển đã phình to 90%, tức gần gấp đôi trong vòng 4 năm. Tỷ lệ này ở Ngân hàng Thế giới chỉ là 40% và Quỹ tiền tệ Quốc tế là 10%.
Trong số 68 quốc gia này, có tới 26 quốc gia mắc nợ Trung Quốc số nợ lớn hơn 5% GDP quốc gia và 14 quốc gia có số nợ tương đương hơn 10% GDP quốc gia. Đa số các quốc gia kể trên thuộc Châu Phi. Cá biệt có trường hợp của Djibouti, số nợ Trung Quốc mà Djibouti đang cõng trên lưng lên tới 39% GDP quốc gia, một tỷ lệ lớn kỷ lục.
Đáng chú ý, 14/26 quốc gia kể trên đã ủng hộ dự luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt lên Hồng Kông hồi tháng 6 qua.
Nguồn tin từ Nikkei Asian Review chỉ ra các khoản vay của Trung Quốc thực chất có lãi suất khá cao, bình quân lên tới 3,5%/ năm dù thời hạn cho vay rất ngắn. Mức lãi suất này lớn hơn đáng kể so với mức 0,6% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và 1% của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, nhiều nước đang phát triển đã chọn nhận vay tiền từ Trung Quốc để khỏi phải đáp ứng những điều khoản khắt khe của các cơ quan như IMF và World Bank.
Theo tờ Nikkei Asian Review, các khoản vay nợ có nguy cơ đưa các nước đang phát triển vào “bẫy nợ”, ràng buộc các chính phủ này phải chịu ảnh hưởng từ chính sách đối ngoại, sáng kiến ngoại giao của Bắc Kinh. Từ lâu, Trung Quốc đã bị nhiều nhà quan sát trên thế giới chỉ trích về chính sách “ngoại giao bẫy nợ” tại nhiều quốc gia Châu Phi nói riêng và các quốc gia đang phát triển nói chung. Trong nhiều trường hợp, các khoản nợ khổng lồ đội lốt dưới danh nghĩa phục vụ sáng kiến Vành đai và con đường do Bắc Kinh khởi xướng.
Cụm từ “ngoại giao bẫy nợ” lần đầu được đưa ra vào đầu năm 2017 bởi chuyên gia Brahma Chellaney, cáo buộc Bắc Kinh “sử dụng công cụ kinh tế để thu về lợi thế địa chính trị” trong ngoại giao. Stephen Chan, Giáo sư nghiên cứu từ Đại học London cho hay Trung Quốc đang “khai thác” các quốc gia Châu Phi cần nguồn viện trợ từ nước ngoài để tranh thủ ảnh hưởng chính trị. “Mục đích duy nhất là tạo ra một chu kỳ vay - nợ không bao giờ kết thúc… Mục tiêu các khoản nợ là để đẩy các đối thủ thương mại ra khỏi thị trường (bằng cách tranh thủ áp lực từ các khoản nợ và tầm ảnh hưởng chính trị)...”
Bên cạnh các khoản nợ, Trung Quốc cũng đang nỗ lực bành trướng tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình với các quốc gia đang phát triển trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan ra toàn cầu. Theo tờ tạp chí kinh tế hàng đầu Châu Á Nikkei Asian Review, nhiều chính phủ hiện đang phụ thuộc mạnh mẽ vào Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.