Trung Quốc giăng "bẫy nợ" tại Châu Phi: nhiều quốc gia kêu gọi xóa nợ vì dịch bệnh

10/05/2020 16:42 GMT+7
Các chuyên gia cho hay Trung Quốc và một số quốc gia phương Tây dường như đang sử dụng các khoản nợ của Châu Phi như một công cụ chính trị tranh giành tầm ảnh hưởng ở lục địa này.
Trung Quốc giăng "bẫy nợ" tại Châu Phi: nhiều quốc gia kêu gọi xóa nợ vì dịch bệnh - Ảnh 1.

Từ lâu, Trung Quốc đã bị nhiều nhà quan sát trên thế giới chỉ trích về “ngoại giao bẫy nợ” tại nhiều quốc gia Châu Âu

Theo ông Seifudein Adem, giáo sư nghiên cứu toàn cầu tại Đại học Doshisha ở Kyoto, Nhật Bản; nợ Châu Phi từ lâu đã có xu hướng ngày càng phình to và đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nền kinh tế toàn cầu đến gần bờ vực suy thoái là một nguyên nhân khác làm các nước này khốn đốn hơn vì gánh nặng nợ. 

Trong khi nhiều chủ nợ lớn của các nước Châu Phi đang xem xét việc hủy bỏ hoặc gia hạn các khoản nợ này, ông Seifudein Adem đã tỏ ra nghi ngờ về động cơ chính trị thực sự phía sau. “Có lẽ trong hoàn cảnh hiện tại, nhiều nước nghèo đã nhận ra rằng nếu tình hình trở nên nghiêm trọng, họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài rủi ro vỡ nợ”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo thì khẳng định không nghi ngờ gì, Trung Quốc là kẻ bị đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng nợ ở Châu Phi. “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gieo rắc những khoản nợ khổng lồ cho các nước trên toàn khu vực Châu Phi” - ông Pompeo cho hay.

Từ lâu, Trung Quốc đã bị nhiều nhà quan sát trên thế giới chỉ trích về “ngoại giao bẫy nợ” tại nhiều quốc gia Châu Phi khi đội lốt sáng kiến Vành đai và con đường để gieo rắc các khoản nợ kinh tế khổng lồ. Cụm từ “ngoại giao bẫy nợ” lần đầu được đưa ra vào đầu năm 2017 bởi chuyên gia Brahma Chellaney, cáo buộc Bắc Kinh “sử dụng công cụ kinh tế để thu về lợi thế địa chính trị” trong ngoại giao.

Khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến nền kinh tế trì trệ và chuỗi cung ứng gần như gián đoạn, nhiều nước Châu Phi đang đối diện với nguy cơ vỡ nợ do gánh nặng nợ khổng lồ. Các chính phủ Châu Phi kêu gọi khoản xóa nợ và tài trợ lên tới 100 tỷ USD để chống lại hệ lụy từ cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Một số quốc gia gồm Sudan, Angola, Congo, Zambia… đang khẩn khoản đề nghị các nước giàu như Trung Quốc xóa hàng tỷ USD nợ đã vay để phân bổ ngân sách cho lĩnh vực y tế, nâng cao công tác ngăn chặn kiểm soát dịch bệnh.

Hồi tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng có lời kêu gọi Trung Quốc xóa nợ cho các nước Châu Phi trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến các nền kinh tế nghèo trên thế giới.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Yun Sun từ Viện nghiên cứu Brookings vẫn chỉ ra rằng Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không đơn thuần xóa nợ cho Châu Phi, mà sẽ cân nhắc nhiều biện pháp như tái cấu trúc hoặc giãn nợ.

Thực tế, phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ thái độ khi tuyên bố nước này chưa bao giờ thúc đẩy các quốc gia gặp khó khăn tài chính về nghĩa vụ trả nợ, nhưng sẽ chỉ chấp thuận các yêu cầu giảm nợ, xóa nợ trong những trường hợp cụ thể.

Các nhà quan sát cho biết, Bắc Kinh trước đây đã từng xóa hầu hết các khoản nợ không lãi suất được gia hạn ở Châu Phi, nhưng con số này chỉ chiếm chưa đầy 5% tổng số nợ tài chính của các nước Châu Phi với Trung Quốc. Theo bà Yun Sun, giờ đây, Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục đồng ý xóa các khoản nợ không lãi suất với Châu Phi tương tự như những động thái trước đó.

Tuy nhiên, giáo sư Stephen Chan từ Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi của Đại học London cho hay Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất khai thác các quốc gia Châu Âu cần nguồn tài trợ từ nước ngoài để tranh thủ ảnh hưởng chính trị. “Trận chiến này (tức trận chiến tranh giành ảnh hưởng ở Châu Phi) đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Mục đích duy nhất là tạo ra một chu kỳ vay - nợ không bao giờ kết thúc… Mục tiêu các khoản nợ là để đẩy các đối thủ thương mại ra khỏi thị trường (bẳng cách tranh thủ áp lực từ các khoản nợ và tầm ảnh hưởng chính trị)... Do đó, việc hủy bỏ các khoản nợ không xuất phát từ lòng tốt, và cũng không giúp các nước Châu Phi hết phụ thuộc vào nguồn tài chính cho vay”.

Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, tính đến năm 2018, tổng số nợ dài hạn của các quốc gia Châu Phi với các chủ nợ nước ngoài đã lên tới 493,6 tỷ USD, tức hơn gấp đôi số nợ 232,7 tỷ USD công bố hồi năm 2010.

Trung Quốc không công bố chi tiết các khoản cho vay ở nước ngoài, nhưng dữ liệu từ Sáng kiến nghiên cứu Trung Quốc - Châu Phi tại Đại học Johns Hopkins, Washington ước tính Bắc Kinh có thể đã chuyển hơn 143 tỷ USD cho 49 chính phủ Châu Phi và các doanh nghiệp tại đây trong khoảng thời gian 2000-2017.

David Shinn, cựu đại sứ Mỹ tại Ethiopia và Burkina Faso, hiện công tác tại Đại học George Washington thì cho hay hầu hết các khoản viện trợ từ Mỹ và Châu Âu cho Châu Phi đều ở dạng tài trợ, nên các chính phủ Phương Tây không nắm giữ nhiều nợ Châu Phi. Ước tính, khoảng 20% tổng số nợ của Châu Phi được cho vay bởi chính phủ Trung Quốc, 13% khác được cho vay bởi các chính phủ Phương Tây, Nhật Bản và Arab, 35% tiếp theo thuộc về các tổ chức tài chính toàn cầu như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Phi. 32% còn lại nắm giữ bởi các chủ nợ tư nhân.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục