Chiến thuật "Cờ giả" kích động giả gây chiến tranh nham hiểm cỡ nào?

Tuấn Anh (Theo USA Today) Thứ ba, ngày 15/02/2022 10:45 AM (GMT+7)
Cờ giả (false flag) là hoạt động bí mật, bắt nguồn từ khái niệm quân sự là treo cờ giả. Trong thủy chiến, tàu nước A sẽ treo cờ nước B và tấn công tàu nước C, đổ tội cho nước B và kích động hai nước B và C đánh nhau.
Bình luận 0
Chiến thuật "Cờ giả" kích động giả gây chiến tranh nham hiểm cỡ nào? - Ảnh 1.

Một thành viên của Lực lượng Biên phòng Nhà nước Ukraine đứng canh gác tại biên giới giữa Ukraine và Belarus vào ngày 13/2/2022, ở Vilcha, Ukraine. Ảnh USA Today

Ngày nay, chiến thuật "Cờ giả" là đòn bẩn nham hiểm mà không chỉ giới hạn trong quân sự thời chiến mà đã mở rộng sang các lĩnh vực dân sự thời bình như chính trị, kinh tế.

Các quan chức chính quyền Biden từ đầu tháng 2/2022 đã cảnh báo rằng, Nga có thể ngụy tạo một cái cớ để xâm lược Ukraine, chẳng hạn như dàn dựng một cuộc tấn công giả của lực lượng Ukraine nhằm vào người Nga.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby ngày 3/2 cho biết rằng một hoạt động "cờ giả" như vậy là một trong một số phương án đang được Moscow tìm hiểu "để cố gắng tạo ra một câu chuyện công khai rằng họ là nạn nhân và Ukraine là kẻ xâm lược."

Những cảnh báo đó đã tiếp tục diễn ra trong những ngày gần đây khi các quan chức nói rằng hành động quân sự có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, Nga đã ngay lập tức bác bỏ những cáo buộc này đồng thời chỉ trích đó là những âm mưu kích động và là thông tin bịa đặt.

Dưới đây là sự hiểu biết về chiến thuật cờ giả và vì sao có những cáo buộc như vậy.

"Cờ giả" là gì?

Cờ giả đề cập đến việc sử dụng sai cờ theo nghĩa đen để ngụy tạo danh tính của một lực lượng quân sự. Nhưng chiến thuật này thường đề cập đến những nỗ lực để che giấu danh tính hoặc động cơ.

Mọi người có thể quen thuộc với các hoạt động cờ giả từ các thuyết âm mưu - chẳng hạn như lập luận sai lầm rằng antifan đứng sau cuộc tấn công năm 2021 vào Điện Capitol của Mỹ. Nhưng họ có thể không liên kết thuật ngữ này với hành động của các quốc gia, Jason Blazakis, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury và một chuyên gia về nghiên cứu các hoạt động đặc biệt cho biết.

Ông Blazakis nói: "Những lá cờ giả rất quan trọng vì chúng có thể giúp gây bất ổn đối thủ, cho phép các quốc gia yếu hơn có thể phóng ra nhiều sức mạnh hơn thực tế". Chuyên gia Blazakis cho rằng việc Nga yếu hơn Mỹ đáng kể và lo ngại về sự xâm lấn của NATO vào khu vực lân cận của mình, "là một lý do khác khiến hoạt động cờ giả có ý nghĩa rất nhiều".

Cờ giả sẽ trông như thế nào?

Các quan chức ban đầu cho biết họ có bằng chứng cho thấy Nga đang có kế hoạch phát triển một video tuyên truyền mô tả một cuộc tấn công bịa đặt nhằm vào quân đội của họ.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết video sẽ bao gồm các hình ảnh đồ họa về xác chết cũng như các diễn viên mô tả người đưa tang. Video cũng sẽ bao gồm các hình ảnh về các địa điểm bị phá hủy và thiết bị quân sự, một số trong số đó sẽ được làm giống như được cung cấp cho Ukraine từ các đồng minh phương Tây.

"Chúng tôi đã từng chứng kiến những hoạt động kiểu này của người Nga trong quá khứ và chúng tôi tin rằng điều quan trọng là khi chúng tôi thấy có biểu hiện tái diễn", ông Kirby nói vào ngày 3 tháng 2.

Mỹ có thông tin tình báo nào về cờ giả?

Các quan chức Mỹ đã không đưa ra bằng chứng cho các tuyên bố của họ. Họ đã nói rằng họ không muốn người Nga biết cách họ thu thập thông tin.

Điều này đã khiến nhiều người nghi ngờ và đặt câu hỏi ngược lại với các quan chức rằng, tại sao nên tin tưởng vào thông tin tình báo của họ khi Mỹ sử dụng thông tin sai trái về vũ khí hủy diệt hàng loạt để biện minh cho cuộc xâm lược Iraq. Cố vấn an ninh Nhà Trắng Sullivan đã trả lời rằng thông tin tình báo hiện tại đang được sử dụng để ngăn chặn, chứ không phải bắt đầu một cuộc chiến tranh.

Ông nói thêm rằng các đồng minh NATO đã xem xét các thông tin tình báo và đi đến kết luận tương tự.

Tại sao Nhà Trắng chia sẻ cảnh báo về chiến thuật cờ giả?

Các quan chức chính quyền cho biết họ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo để gây áp lực buộc Nga không thực hiện con đường này bằng cách chống lại "thông tin sai lệch với thông tin đúng sự thật".

Jon Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia, nói với NPR: "Nếu họ quyết định tiếp tục, sẽ khiến họ gặp khó khăn hơn một chút sau khi thực tế sử dụng hoạt động đó như một lý do chính đáng cho việc lựa chọn tham chiến".

Eugene Rumer, giám đốc Chương trình Nga và Âu-Á tại Carnegie Endowment for International Peace  gọi đó là một chiến lược rất thông minh. Ông  Rumer nói rằng, một trong những công cụ hiệu quả mà Mỹ có không nhất thiết phải ngăn cản Putin mà là huy động sự ủng hộ xuyên Đại Tây Dương cho Ukraine.

Ông Rumer nhận định: "Tôi nghĩ rằng đó là một vũ khí khá hiệu quả để thu hút sự chú ý về bản chất cố tình làm sai lệch của câu chuyện Nga.

Theo ông Blazakis, việc để lộ Nga có thể cho phép Mỹ thu hút thêm sự ủng hộ ở trong nước và ở Liên minh châu Âu, nhưng điều này sẽ không hiệu quả ở Nga vì các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát.

Ông Blazakis nói: "Trên thực tế, Putin có thể cần đến vỏ bọc của một hoạt động cờ giả để tiến hành một cuộc xâm lược vì người Nga tỏ ra không hài lòng về một cuộc tấn công có thể xảy ra".

Nga đã phản ứng như thế nào?

Tổng thống Joe Biden đã nêu vấn đề này khi ông nói chuyện với ông Putin hôm thứ Bảy, một quan chức chính quyền cấp cao đã gián tiếp xác nhận với các phóng viên. Nhưng quan chức giấu tên này không mô tả phản ứng của Putin.

Các quan chức Nga đã buộc tội Mỹ thực hiện một chiến dịch thông tin sai lệch về một cuộc xâm lược có thể xảy ra. Dmitry Polyanskiy, Phó đại sứ Nga tại Liên hợp quốc, đã cáo buộc Mỹ "hù dọa vô căn cứ về các kế hoạch tấn công của Nga".

"Đầu tiên, họ (Mỹ) tạo ra một sự cường điệu về các kế hoạch xâm lược bị cáo buộc của Nga chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng rắc rối của họ, sau đó quảng bá thông tin về video không tồn tại làm bằng chứng cho nó và bây giờ họ ghi công vì đã phá hỏng âm mưu chưa từng tồn tại của chúng tôi", Polyanskiy đã tweet vào ngày 4/2".

Ukraine đã phản ứng như thế nào?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không thấy rằng cảnh báo của Mỹ về một cuộc tấn công là có thật. "Tất cả những thông tin này chỉ giúp tạo ra sự hoảng loạn," ông Zelensky nói tại một cuộc họp báo gần đây.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem