Chiến tranh thuế quan Mỹ Trung: Đến lượt doanh nghiệp Châu Á bỏ Trung Quốc "về nhà"

07/09/2019 07:18 GMT+7
Chiến tranh thuế quan Mỹ Trung leo thang không chỉ khiến các công ty Mỹ tìm cách rút chân một phần khỏi thị trường Trung Quốc. Các công ty Châu Á cũng đang tìm cách chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh về nước trong bối cảnh mức thuế mới vừa có hiệu lực.

Doanh nghiệp Châu Á rời Trung Quốc "về nhà" 

Một nhà máy sản xuất tại Trung Quốc

Xu hướng bán lại máy móc nhà xưởng, chuyển dây chuyền sản xuất trở về nước đang được các công ty thiết bị điện tử Nhật Bản và Đài Loan ồ ạt áp dụng trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế gần như 100% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá lên tới 550 tỷ USD. Mức thuế từ 15-30% đang gây áp lực nặng nề lên lợi nhuận kinh doanh, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách thích nghi hoặc ra khỏi thị trường Trung Quốc. 

Mỹ và Trung Quốc đã bị cuốn vào cuộc xung đột thương mại đầy cay đắng kéo dài hơn một năm qua với nhiều đợt thuế quan trừng phạt gây thiệt hại lớn cho cả hai nền kinh tế. Mới đây nhất, Bắc Kinh và Washington đồng thời áp đặt đợt thuế quan mới lên hàng hóa của đối phương. Trong khi Trump áp thuế 15% với 125 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng áp thuế 5-10% với 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. 

Hồi cuối tháng 8, Tổng thống Trump từng kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ tìm phương án thay thế cho thị trường Trung Quốc, bao gồm cả việc rút mọi hoạt động sản xuất kinh doanh về Mỹ. Trong khi nhiều doanh nghiệp lên tiếng phản đối, đã có những công ty dời một phần dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các thị trường lân cận từ lâu để tránh mức thuế quan. Không chỉ doanh nghiệp Mỹ, các công ty Châu Á cũng đang cho thấy xu hướng dịch chuyển rõ rệt.

Báo cáo của Nomura hồi đầu năm 2019 cho thấy có tới 40 công ty Đài Loan đang tìm cách chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc đại lục về Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng thương mại kéo dài. Những sáng kiến thu hút đầu tư và kinh doanh từ Đài Bắc như khoản vay lãi suất thấp để di dời nhà máy, thủ tục pháp lý thuận lợi... nhận được sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp. Nhà sản xuất bảng mạch Flexium hay Quanta là 2 trong số nhiều công ty Đài Loan đang lên kế hoạch rút khỏi Trung Quốc để “về nhà”.

Các công ty Đài Loan chỉ là một ví dụ. Tập đoàn Nhật Bản Mitsubishi được cho là đang lên kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất từ Đại Liên, Trung Quốc về Nagoya, Nhật Bản. Nhà sản xuất máy móc thiết bị Toshiba và Komatsu cũng đang có những động thái tương tự, theo nguồn tin đăng tải trên tờ Thời báo Nhật Bản và Nhật báo Asahi Shimbun. Một dẫn chứng khác, nhà sản xuất con chip lớn thứ hai thế giới SK Hynik của Hàn Quốc hiện đang xem xét chuyển một số dây chuyền sản xuất về nước. 

Nghiên cứu của Nomura cũng chỉ ra ba lĩnh vực công nghiệp đang dẫn đầu xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc là công nghệ linh kiện điện tử, thời trang may mặc và thiết bị điện. “Đây không chỉ là dòng dịch chuyển thương mại trong ngắn hạn. Đã có dấu hiệu cho thấy các hoạt động dịch chuyển dây chuyền sản xuất trong trung hạn” - trích dẫn báo cáo của Nomura. 

Thuế quan không phải tất cả nguyên nhân

Theo các nhà kinh tế học, xung đột thương mại và chiến tranh thuế quan chỉ là nguyên nhân trực tiếp chứ không phải toàn bộ nguyên nhân thúc đẩy các công ty di chuyển nhanh hơn ra khỏi thị trường Trung Quốc.

Tiền lương lao động tăng cao cũng thúc đẩy các công ty rời khỏi thị trường Trung Quốc

Bên cạnh thuế quan của Mỹ, vấn đề tiền lương lao động gia tăng tại Trung Quốc là một phần nguyên nhân thúc đẩy dòng vốn dịch chuyển khỏi quốc gia Đông Á này. Dell là một trong những công ty bày tỏ mối quan ngại về chi phí lao động trang trải cho nhà máy tại Trung Quốc. Một số công ty khác viện dẫn rủi ro an ninh mạng và giảm thiểu nhu cầu do căng thẳng thương mại leo thang. 

Cuộc khảo sát hồi tháng 6.2019 của Hội đồng Kinh doanh Mỹ Trung cho thấy khoảng 13% trong số 220 doanh nghiệp được hỏi thừa nhận họ có kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Đáng nói hơn, 14% số doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ sự bi quan về môi trường kinh doanh của Trung Quốc trong vòng 5 năm tới. Niềm tin doanh nghiệp giảm sút cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư chuyển dịch dòng vốn ra ngoài thị trường này.

Dù vậy, thị trường nội địa tỷ dân của Trung Quốc vẫn là miếng bánh lớn và có nhiều lý do khác để các doanh nghiệp xem xét duy trì một phần dây chuyền sản xuất tại đây bất chấp thuế quan từ Mỹ.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục