Chiến trường Ukraine: 'Bãi thử' công nghệ vũ khí tối tân chưa từng thấy trước đây

Minh Nhật (theo Codastory) Thứ sáu, ngày 09/12/2022 21:07 PM (GMT+7)
Giữa cuộc chiến chiến hào lầy lội ở Ukraine, với những trận giao chiến bằng xe tăng thời Liên Xô và pháo kích dữ dội, có một cuộc chiến khác liên quan đến các công nghệ vũ khí tối tân của tương lai cũng đang diễn ra.
Bình luận 0
Chiến trường Ukraine: 'Bãi thử' công nghệ vũ khí tối tân chưa từng thấy trước đây - Ảnh 1.

Phương tiện không người lái THeMIS được vũ trang của hãng Milrem Robotics trình diễn trong một triễn lãm ở Pháp năm 2018. Ảnh Getty

Theo Codastory, kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine hồi tháng 2, cả 2 bên tham chiến đã triển khai máy bay không người lái được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trên chiến trường với quy mô chưa từng có. 

Trong khi Nga sử dụng máy bay không người lái Kalashnikov Kub và Lancet Kamikaze với công nghệ AI tối tân nhất thì Ukraine có UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng bay tự động và được trang bị “đạn thông minh dẫn đường bằng laser".

Tuy nhiên, giờ đây, một thế hệ máy móc tự động mới - thường được gọi chung là "robot sát thủ" - đang ra mắt tại Ukraine. Chúng báo trước một kỷ nguyên quân sự mới, cung cấp những khả năng vượt xa thế hệ vũ khí hiện tại. Chúng đã sẵn sàng để làm thay đổi chiến tranh hiện đại và tạo ra những thách thức, mức độ sát thương và mối lo ngại mới.

Vào cuối tháng 11, Đức đã bí mật thông báo rằng họ sẽ cung cấp 14 xe bộ binh được điều khiển từ xa cho Kiev trong năm nay. Những phương tiện không người lái này dựa vào công nghệ vượt trội hơn nhiều so với các robot tương tự được sử dụng trong các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq - vốn chủ yếu để xử lý bom mìn.

Nhà thầu quân sự Estonia Milrem Robotics, nhà sản xuất các phương tiện mặt đất không người lái dành cho bộ binh được gọi là “THeMIS” cũng sẽ cung cấp cho Ukraine các thiết bị được thiết kế chủ yếu để sơ tán thương vong. Đây là một ví dụ cho thấy chiến trường ở Ukraine được được sử dụng như một bãi thử cho các công nghệ vũ khí tiên tiến chưa từng được thử nghiệm trước đây.

Giám đốc điều hành Milrem Robotics, ông Kuldar Väärsi, cho biết các phương tiện THeMIS của họ, có thể được trang bị súng máy hạng nhẹ hoặc hạng nặng và tên lửa chống tăng. Chúng “rẻ hơn đáng kể so với xe tăng” và sẽ xuất hiện phổ biến trên chiến trường trong những năm tới, ông Väärsi nói. 

“Đối với tất cả các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ chưa từng tồn tại trước đây, việc phát triển và thử nghiệm là rất cần thiết để xem nó hiệu quả như thế nào trước khi triển khai số lượng lớn", ông Väärsi nói thêm.

Chiến trường Ukraine: 'Bãi thử' công nghệ vũ khí tối tân chưa từng thấy trước đây - Ảnh 2.

Cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đứng trước một phương tiện mặt đất không người lái THeMIS tháng 8/2022. Ảnh Getty

Công ty chế tạo robot Ukraine, Temerland cũng vừa cho ra mắt một nền tảng robot trinh sát được trang bị vũ khí có tên là GNOM. Nó được thiết kế như một phương tiện chống mìn được thiết kế riêng cho các đơn vị tác chiến. Eduard Trotsenko, Giám đốc điều hành của Temerland cho biết: “Trong thập kỷ tới, chúng ta sẽ chứng kiến sự ra đời của các phương tiện chiến đấu không người lái trên mặt đất với các yếu tố tự động hóa và tăng cường hơn nữa khả năng AI để nó tự đưa ra quyết định và phản ứng độc lập”.

Ngoài ra, để chống lại máy bay không người lái tối tân của Nga, quân đội Ukraine đã lần đầu triển khai hệ thống “SkyWipers” mới do Litva thiết kế. Hệ thống có khả năng không chỉ bắn hạ máy bay không người lái của Nga mà còn kiểm soát, chiếm quyền điều khiển chúng một cách hiệu quả. Đây là lần đầu tiên việc sử dụng các thiết bị như vậy được phổ biến rộng rãi.

Trung tá Sjoerd Mevissen, chỉ huy đơn vị Robotics và Các hệ thống tự động của Quân đội Hoàng gia Hà Lan cho biết mỗi cuộc chiến là một cuộc thử nghiệm công nghệ mới.

“Chúng tôi thấy một lợi thế lớn trong tương lai khi có các loại hệ thống này. Chúng cũng sẽ giảm bớt gánh nặng về thể chất và tinh thần cho binh lính khi được triển khai", ông Mevissen nói.

Theo ông Mevissen, bất kể khi nào công nghệ quân sự hoàn toàn tự động xuất hiện, thế giới sẽ phải đối mặt với một “cuộc chạy đua vũ trang mới” liên quan đến việc đổi mới phần mềm liên tục, phát triển AI và nâng cấp an ninh mạng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đã bắt đầu lên tiếng cảnh báo, lo lắng rằng các gói viện trợ quân sự cho Ukraine đang đưa các loại vũ khí tối tân chưa từng được thử nghiệm ra chiến trường thay cho các vũ khí thông thường đã được chứng minh là hiệu quả.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem