Để gia vị Việt Nam lớn mạnh: Quế, hồi, ớt, đinh hương, gừng, nghệ... về chung nhà với hồ tiêu

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 17/03/2023 16:41 PM (GMT+7)
Cùng với đứng đầu thế giới về trồng và xuất khẩu tiêu, Việt Nam hiện có khoảng 500.000ha cây gia vị, với hàng trăm ngàn hộ nông dân nhỏ lẻ và khoảng 400 doanh nghiệp trong ngành.
Bình luận 0

Ngày 17/3/2023, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, sau đại hội bất thường do Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức cùng ngày tại TP.HCM. Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam được bầu làm Chủ tịch mới của Hiệp hội hồ tiêu và gia vị Việt Nam


Cần thiết có Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam

Bà Hoàng Thị Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết Việt Nam chủ yếu trồng và xuất khẩu một số nhóm sản phẩm gia vị có uy tín thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Theo quy định tại Biểu thuế Xuất nhập khẩu ban hành 2022, các cây gia vị Việt Nam gồm hồ tiêu; ớt; vani, quế và hoa quế; đinh hương; hạt nhục đậu khấu, vỏ nhục đậu khấu và bạch đậu khấu; hạt của hoa hồi, hoa hồi dạng sao, thì là, rau mùi; gừng, nghệ tây, nghệ, húng tây, cỏ xạ hương, lá nguyệt quế, cari và các loại gia vị khác.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam chính thức đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam sau đại hội bất thường. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam chính thức đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Liên cho biết, bên cạnh những thuận lợi, ngành hồ tiêu gần đây đang gặp khó khăn do thị trường. Tương tự, các cây gia vị Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn nội tại.

Trong đó, trở ngại lớn nhất là không có được sự hậu thuẫn, hỗ trợ của một tổ chức ngành hàng, với vai trò kết nối sản xuất và tiêu thụ, giúp kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh để tư vấn, định hướng cho các đối tượng sản xuất.

Vì thiếu vai trò dẫn dắt, điều phối cho cả ngành hàng, nên hiện ngành gia vị Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở mức độ phát triển tự phát, dựa trên nguỗn lực của từng cá thể ở mức độ riêng lẻ, ở quy mô từng doanh nghiệp.

"Việc phát triển rời rạc, quy mô liên kết lỏng lẻo giữa các doanh nghiệp, chưa có kết nối chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, nên nên gia vị Việt Nam chưa phát triển xứng với tiềm năng", bà Liên nói.

Nông dân trồng ớt ở TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân trồng ớt ở TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, dư địa phát triển ngành gia vị Việt Nam còn rất lớn trong giai đoạn 10 năm tới,nếu ngành gia vị có được tiếng nói thống nhất, có một Hiệp hội ngành hàng. Sự có mặt của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị sẽ giúp giải quyết đươc những khó khăn trên.

Hiệp hội đưa giá trị cây gia vị Việt Nam tăng lên

Theo số liệu của Bộ Công Thương, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới những năm qua.

Hiện Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu; đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và số 1 thế giới về xuất khẩu quế; đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi...

Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và số 1 thế giới về xuất khẩu quế; đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi... Ảnh: T.L

Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và số 1 thế giới về xuất khẩu quế; đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi... Ảnh: T.L

Tổng giá trị xuất khẩu của hồ tiêu và gia vị của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 1,4 tỷ USD; tăng 0,02% so với năm 2022. Thị phần hồ tiêu và gia vị Việt Nam chiếm khoảng 11% thị phần toàn cầu.

Chính vì thế, việc đổi tên từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, không chỉ ngành hồ tiêu được hưởng lợi, mà cả ngành gia vị Việt Nam nói chung cũng sẽ được thúc đẩy phát triển.

Tại Đại hội bất thường, bà Liên cũng cho biết,  Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam sẽ không làm mất đi hình ảnh cũng như giá trị thương hiệu hồ tiêu Việt Nam.

Về mặt kinh tế, cây tiêu hiện là cây tỷ USD. Việc đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị trên cư sở nền móng của Hiệp hội Hồ tiêu, sẽ làm thành bệ đỡ cho các cây gia vị Viêt Nam tăng tốc phát triển.

"Việc đổi tên sẽ giúp quy tụ thêm rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành gia vị. Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu các loại mặt hàng gia vị Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt trên 2 tỷ USD", bà Liên cho biết.

Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPNTNT), cho biết ước tính cả nước hiện có khoảng 500.000ha cây gia vị, với hàng trăm ngàn hộ nông dân nhỏ lẻ và khoảng 400 doanh nghiệp trong ngành gia vị. 

Theo ông Cường, việc đổi tên từ Hiệp hội hồ tiêu thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam không chỉ là thay đổi danh xưng, mà còn thay đổi cả tư duy, nhận thức về ngành hàng. 

"Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành cũng như mong muốn Hiệp hội hồ tiêu thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò của một hiệp hội ngành hàng, làm cầu nối hiệu quả giữa nông dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước", ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem