Chờ 'bế' khách đi chơi, đợi ‘phép màu’ 100 triệu khách nội địa
Chỉ chờ “bế” khách đi du lịch
Báo cáo du lịch thường niên du lịch Việt Nam 2019, vừa được Tổng cục Du lịch công bố, cho thấy vai trò quan trọng của khách du lịch nội địa. Năm 2019, cả nước có 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 6,3% so với năm 2018. Giai đoạn 2015-2019, khách nội địa tăng gần 1,5 lần, từ 57 triệu lượt (2015) lên 85 triệu lượt (2019), mức tăng bình quân 10,5% mỗi năm.
Đặc biệt, sự tăng trưởng về số lượng giúp nguồn thu từ du lịch nội địa cũng tăng ngoạn mục. Trong tổng thu 755 nghìn tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD), du lịch nội địa đạt 334 nghìn tỷ đồng, chiếm 44,3%, tương đương 14,5 tỷ USD.
Chi tiêu của khách du lịch nội địa đóng góp phần quan trọng trong nguồn thu từ du lịch. Từ năm 2015-2019, nguồn thu từ du lịch nội địa đã tăng 2,1 lần (tăng bình quân 21%), mặc dù lượng khách chỉ tăng 1,5 lần. Kết quả đó phản ánh thực tế người dân Việt Nam chi tiêu cho du lịch ngày càng tăng.
Điều này thể hiện rõ trên thực tế, khi du lịch nội địa sự hồi phục mạnh mẽ sau đợt giãn cách lần một. Dù có nhiều yếu tố bất lợi khi kéo khách đi du lịch lần hai này, nhưng hầu hết các doanh nghiệp lữ hành, hàng không vẫn đặt niềm tin vào “phép màu” khách nội địa. Bước đầu, một số chỉ dấu cho thấy các DN có quyền hy vọng và lạc quan.
Đó là việc các hãng hàng không trong nước nối lại và tăng mạnh các chuyến bay nội địa. Lượng khách bay Vietjet Air tăng từng tuần, tỷ lệ lấp đầy các chuyến bay trung bình trên 80%. Vietnam Airlines ghi nhận lượng khách bay nội địa 20 ngày đầu tháng 9 tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2019.
Giai đoạn đầu tháng 8 khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch đợt 2, mỗi ngày Bamboo Airways vận chuyển khoảng 5.000-6.000 khách, đến nay đã tăng lên 12.000-15.000 lượt.
Cả ba hãng đều cho hay sẽ mở lại tất cả các đường bay nội địa từ tháng 10. Đối với các đường bay quốc tế, chuyến bay thương mại đầu tiên Vietnam Airlines đã thực hiện ngày 25/9, các hãng còn lại sẽ mở lại vào cuối tháng 9 này.
Tỉnh Quảng Ninh sau khi triển khai gói hỗ trợ 100 tỷ đồng thông qua việc miễn, giảm giá vé tham quan vịnh Hạ Long, các di tích, danh lam thắng cảnh,... từ nay đến cuối năm thì chỉ sau ít ngày đã có khoảng 4.000 khách du lịch đổ về đây.
Tại tọa đàm kích cầu du lịch lần hai mới đây, ông Dương Hoài Nam - Giám đốc văn phòng khu vực miền Bắc của Vietjet Air, nhận xét du lịch nội địa đang khởi sắc tốt, điển hình như chuyến bay chặng Hà Nội - Đà Lạt ngày 25/9 của hãng kín chỗ.
“Ngày 30/9 chúng tôi sẽ khai thác lại đường bay quốc tế từ Soul về Sài Gòn, chở khách quốc tế là các chuyên gia, nhà ngoại giao, người Việt Nam làm việc ở Hàn Quốc,... Về cơ bản, họ không phải là khách du lịch nhưng tôi tin họ sẽ nảy sinh nhu cầu du lịch trong nước”, ông Nam lạc quan.
Bà Nghiêm Thị Hòa, Phó Giám đốc Thương mại Bamboo Airways, khẳng định, đến thời điểm này, hãng đã sẵn sàng mọi nguồn lực về vận chuyển, sản phẩm các chính sách, cơ chế hỗ trợ DN. “Các sếp chúng tôi nói đùa là tất cả các chương trình kích cầu lần này, giá đã về tới mức không thể thấp hơn được nữa, chỉ còn chờ bế khách lên tàu bay”, bà chia sẻ.
Xác định phát triển khách du lịch nội địa là mục tiêu chiến lược, ông Đặng Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Vingroup, cho hay tập đoàn này đặt mục tiêu tăng trưởng 2-2,5 lần khách nội địa giai đoạn 2020-2021 so với đỉnh khách năm 2019.
“Sống chung với lũ”
Chấp nhận dịch bệnh như một phần tất yếu, vì thế, song song với các giải pháp thúc đẩy khách đi du lịch trở lại, hầu hết các DN đều cho rằng cơ quan chức năng cũng cần có quy trình để đảm bảo an toàn cho du khách, hạn chế rủi ro dịch bệnh gây ra và có chế tài xử lý việc hoàn, hủy tour của khách cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ.
“Chúng ta phải vừa kích cầu vừa nghĩ giải pháp xa hơn, tốt hơn để giải quyết ảnh hưởng, ví dụ như sống chung với dịch”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, khẳng định. Bởi nếu không, tháng 11, 12 nếu dịch lại bùng phát thì công sức bỏ ra để kích cầu nhiều mà hiệu quả thu lại không đáng bao nhiêu.
Vì thế, tại cuộc họp phổ biến thực hiện hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch tại TP. Đà Nẵng ngày 25/9, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đặt vấn đề: Nếu sắp tới xuất hiện một vài ca nhiễm mới trong cộng đồng, không nên thực hiện giãn cách xã hội mà cho phép các doanh nghiệp tiếp tục phục vụ khách, đảm bảo các tiêu chí an toàn trong du lịch.
Ông lý giải, nếu không làm gì, cứ chờ khi nào có vaccine hoặc thuốc đặc trị thì đến lúc đó, tất cả doanh nghiệp phải đóng cửa. Hay nói như ông Vũ Thế Bình là họ sẽ “chết” trước khi đẩy lùi được dịch bệnh. Vì vậy, bản thân các doanh nghiệp phải vận động, tìm cách sống sót trong thời kỳ bình thường mới”.
Có rất nhiều giải pháp được đưa ra để kích cầu du lịch nội địa lần này, như ngoài linh hoạt về giá để hấp lực khách, cần tập trung vào chất lượng dịch vụ, sáng tạo các sản phẩm mới lạ hấp dẫn, liên minh liên kết,... song yếu tố quan trọng vẫn là đảm bảo an toàn cho du khách.
Bởi, theo ông Dương Hoài Nam, trong tương lai có thể sẽ còn xảy ra dịch bệnh tương tự. Vì thế, để thích ứng và vận hành tốt trong điều kiện này, các địa phương phải có quy trình, bộ hướng dẫn để đảm bảo an toàn cho du khách.
Ông Nam dẫn chứng, khi Đà Nẵng bị giãn cách xã hội, khách du lịch gặp rắc rối khi phải cách ly 14 ngày, thậm chí bị mắc kẹt tại đây cả nửa tháng mới có chuyến bay giải cứu về Hà Nội và TP.HCM. Hay chuyện một đồng nghiệp của ông kẹt ở Nha Trang suốt từ cuối tháng 3 đến tháng 5 mới có chuyến bay trở về. Tức là, đi du lịch mà khách phải đối mặt với những rủi ro như thế thì làm sao họ yên tâm được, ông Nam nói.
Vì thế, để kích cầu du lịch nội địa, vấn đề tiên quyết là giải được bài toán an toàn, mấu chốt để du lịch vận hành, thu hút du khách. Những tín hiệu tích cực từ thị trường đã được ghi nhận, song, chỉ cần một điểm đến bất kỳ bùng phát dịch trở lại, liệu “phép màu” khách nội địa có còn hiệu nghiệm.