Chờ mở cửa thị trường quốc tế, du lịch nội địa vẫn là "phao cứu sinh" cho ngành du lịch

Huy Hoàng Thứ ba, ngày 15/03/2022 13:18 PM (GMT+7)
Năm 2021, ngành Du lịch đã đón 40 triệu khách du lịch nội địa và 3.800 khách du lịch quốc tế. Riêng Chương trình thí điểm triển khai từ tháng 11/2021 đến nay đã thu hút hơn 10.000 khách quốc tế. Trong và sau dịp Tết Nguyên đán, lượng khách du lịch nội địa tăng vượt trội.
Bình luận 0

Du lịch nội địa kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán tăng 380% so với cùng kỳ năm 2021

Chờ mở cửa thị trường quốc tế, du lịch nội địa vẫn là "phao cứu sinh" cho ngành du lịch - Ảnh 1.

Sau hai năm đại dịch Covid-19 diễn ra, ngành du lịch đã dần từng bước phục hồi, dù rằng năm 2021 ngành du lịch với thị trường quốc tế "đóng băng" hoàn toàn, thị trường nội địa thì có những lúc nhúc nhắc hoạt động thế nhưng toàn ngành du lịch nội địa vẫn "chạm đáy" bởi dịch bệnh, chỉ đến khi có Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" thì từng địa phương có những nới lỏng, một số hoạt động du lịch nội địa được mở cửa. 

Một số tỉnh, thành phố chào đón khách nội địa như Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt…và tín hiệu mừng vào những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 các địa điểm du lịch chen cứng người đi chơi, du lịch, tham quan, điều này cho thấy du lịch nội địa bắt đầu "hồi sinh".

Chờ mở cửa thị trường quốc tế, du lịch nội địa vẫn là "phao cứu sinh" cho ngành du lịch - Ảnh 2.

Du khách trải nghiệm trên du thuyền hạng sang đi từ Tuần Châu sang Cát Bà.

Nói về du lịch nội địa, ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết Dân Việt biết: "Trong lịch sử hơn 60 năm đã trải qua các đợt khủng hoảng do dịch bệnh, thiên tai, suy thoái kinh tế nhưng chưa bao giờ ngành du lịch Việt Nam lại chịu thiệt hại nặng nề như cuộc khủng hoảng lần này do đại dịch Covid-19 gây ra. 

Doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép (hiện chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành trên toàn quốc), trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động do không có khách du lịch.

Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch (chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam) cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly. 

Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến 2,5 triệu lao động trong ngành Du lịch với 800.000 lao động trực tiếp trong đó đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch, doanh nghiệp du lịch khác.

Năm 2021, ngành Du lịch đã đón 40 triệu khách du lịch nội địa và 3.800 khách du lịch quốc tế. Riêng Chương trình thí điểm triển khai từ tháng 11/2021 đến nay đã thu hút hơn 10.000 khách quốc tế. Trong và sau dịp Tết Nguyên đán, lượng khách du lịch nội địa tăng vượt trội. 

Khách du lịch nội địa tháng 02/2022 đạt 9,6 triệu lượt, tăng 380% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có hơn 6 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú. Tổng số khách du lịch nội địa 2 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 17,6 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch tháng 02/2022 ước đạt 41,38 nghìn tỷ đồng, tăng 313% so với cùng kỳ năm 2021".

Du lịch nội địa vẫn là cứu cánh cho ngành du lịch

Chờ mở cửa thị trường quốc tế, du lịch nội địa vẫn là "phao cứu sinh" cho ngành du lịch - Ảnh 3.

Hồ Ba bể - Bắc Kạn đẹp hút mắt khi nhìn từ trên cao.

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh như vậy, lượng khách du lịch trong nước vẫn tăng cao, việc phục hồi du lịch trong thời gian tới đây sẽ vẫn chủ yếu là du lịch nội địa và như vậy thì đây vẫn đang là "phao cứu sinh" cho ngành du lịch.

Chờ mở cửa thị trường quốc tế, du lịch nội địa vẫn là "phao cứu sinh" cho ngành du lịch - Ảnh 4.

ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group

Chia sẻ với Dân Việt ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group cho hay: "Có thể thấy rằng du lịch nội địa có vai trò quan trọng không thể thay thế. Đặc biệt, trong mùa hè năm nay, du lịch nội địa chính là tấm phao cứu sinh cho ngành du lịch. Hiện nay, nhu cầu du lịch nội địa đang ngày một tăng cao. Du khách trong nước cũng đang có xu hướng tìm đến những trải nghiệm mới lạ và cao cấp hơn.

Trong hai năm qua, chúng ta đã hình thành xu thế người Việt Nam đi du lịch Việt Nam hay người Việt Nam đi du thuyền Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi đã có những ngày hè kín khách do khách có nhu cầu đặt trước. Đây là xu thế tất yếu, cho thấy sự lên ngôi của ngành du lịch nội địa. Các ngày lễ và ngày hè đã thu hút rất nhiều du khách đặt tour từ sớm.

Chờ mở cửa thị trường quốc tế, du lịch nội địa vẫn là "phao cứu sinh" cho ngành du lịch - Ảnh 5.

Vịnh Hạ Long được nhìn từ trên cao.

Hiện nay nhu cầu của khách du lịch nội địa là vô cùng lớn. Bởi lẽ khách hàng của chúng ta đã chịu sức nén rất lâu do tác động của dịch bệnh. Do đó, khách hàng rất mong muốn thực hiện các chuyến đi khi có cơ hội. Đa số khách hàng hiện nay có xu hướng đi gần hơn, đi theo các nhóm nhỏ, theo hộ gia đình và sử dụng xe riêng. Bên cạnh đó, du khách cũng có mong muốn tìm đến những trải nghiệm mới và cao cấp. Nếu như trước kia khách hàng không thể tham gia những trải nghiệm đó thì hiện nay du khách có thể tận dụng những ưu đãi về giá cả sau mùa dịch.

Chia sẻ về mức giá phục vụ dịch vụ du thuyền của công ty, ông Phạm Hà cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành giảm giá 40% để giúp du khách Việt dễ dàng tham gia trải nghiệm. Giá dịch vụ này có phần tăng nhẹ so với năm ngoái nhưng các dịch vụ đi kèm cũng tăng lên. 

Du khách có thể trải nghiệm như bể bơi, tiệc âm nhạc, tiệc hoàng hôn, ẩm thực, hay các triển lãm văn hóa Việt Nam. Du khách có thể trải nghiệm các hoạt động trên du thuyền với tour hành trình từ Tuần Châu đến đảo Cát Bà, một hành trình hai điểm đến".

Ông Nguyễn Minh Mẫn – Truyền thông TST Tourist cho Dân Việt biết: "Hiện nay, tour du lịch trong nước đã từng bước hồi phục, nhiều điểm đến trong cá nước đã đón khách trở lại, hạ tầng dịch vụ cũng đã có sự làm mới nhằm đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường, trong đó Quảng Ninh, Điện Biên, Mai Châu, Mộc Châu, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Hồ Tràm, Phú Quốc là những nơi đã đón lượng khách lớn.

Trong đó, lượng khách tự túc du lịch vào dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh là dấu hiệu cho thấy nhu cầu của khách hàng bùng nổ. Tất nhiên qua đó cũng nhận thấy nhiều điểm bất cập từ nhiều phía, nhưng vấn đề chính là du khách đã có thói quen du lịch trở lại.

Việc cần làm là các doanh nghiệp luôn trong tư thế sẳn sàng đáp ứng một cách tốt nhất, nhanh nhất nhu cầu, đảm bảo yếu tố chất lượng dịch vụ, giá hợp lý để thu hút khách.

Du lịch trong nước ít nhất cho đến năm 2024 vẫn là trụ cột để ổn định thị trường nói chung trong thời gian chờ du lịch quốc tế và du lịch nước ngoài ổn định, vào guồng và tăng tốc"

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, hiện nay, du lịch trong nước đã ổn định, các chính sách đều đã thông thoáng. Sản phẩm du lịch hiện nay cũng khá đa dạng.

Lượng khách đi tour lẻ. theo nhóm gia đình và doanh nghiệp không ngừng tăng mạnh trong giai đoạn các tháng đầu năm 2022.

+ Trước hết, nguồn nhân lực trở lại công việc đã đạt ở mức gần 60% so với trước dịch.

+ Sản phẩm tour du lịch của cả 3 thị trường du lịch trong nước (tour tại Tp.HCM, tour liên hết với các tỉnh thành), tour du lịch nước ngoài, tour dành cho khách quốc tế đã sẳn sàng.

+ Số lượng khách đã đi tour và đang chuẩn bị khởi hành cũng như có nhu cầu đi tour đã ổn định, và có tín hiệu tốt. Dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng do động mức từ 50% so với thời điểm trước dịch.

Chờ mở cửa thị trường quốc tế, du lịch nội địa vẫn là "phao cứu sinh" cho ngành du lịch - Ảnh 6.

Du khách trải nghiệm trên du thuyền

Rõ nét nhất của sự ấm dần thị trường du lịch nội địa đó là các hãng hàng không đã tăng chuyến bay tới các địa phương, thành phố du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng…

Theo ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines thì cho hay, du lịch nội địa phục hồi nhanh nhất trước cả khách công vụ. Ở thị trường Việt Nam trước đại dịch, 70% khách vận tải quốc tế là khách du lịch và nội địa là 30% khách du lịch. 80% khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không.

"Trong 9 tuần đầu 2022, tổng số khách trên nhóm đường bay du lịch tăng 8,6% so 2019, tốc độ phục hồi cao hơn 23 điểm so với các nhóm đường bay còn lại. Ở thị trường nội địa, du lịch đang là cứu cánh cho ngành hàng không.

Hãng hàng không Vietnam Airlines, đã chủ động phối hợp với các đối tác triển khai các chương trình đi đến Việt Nam. Đặc biệt với thị trường nội địa, đường bay số chuyến bay đều cao hơn so với trước đại dịch. Cụ thể, số chuyến bay cao hơn 20% với 54-55 đường bay nội địa so với mức 44-45 chuyến bay, số lượng chuyến bay đang khai thác trung bình cả năm nay sẽ cao hơn thời điểm năm 2019 khoảng 10%", ông Nguyễn Quang Trung cho hay.

Tuy nhiên trái ngược với các hãng hàng không, tín hiệu khởi sắc thấy rõ thì với các cơ sở lưu trú vẫn cực kỳ ảm đạm, thậm chí rất nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú vẫn chưa mở lại, hoạt động dù ngày hôm nay, 15/3 là ngày mở cửa chính thức du lịch.

Bà Lê Mai Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, cho biết: "Cho tới thời điểm hiện tại, chúng tôi đã trao đổi tại nhiều địa phương, số lượng cơ sở lưu trú chỉ mở khoảng 50-70% và còn lại vẫn trong tình trạng đóng cừa. Bên cạnh đó, công suất hoạt động của các cơ sở lưu trú nhìn chung vẫn còn thấp và hạn chế.

Chưa kể, thời gian vừa qua, lực lượng lao động tại các cơ sở lưu trú có tỷ lệ nghỉ việc tương đối cao, có thời điểm lên đến 80%. Khi mở cửa trở lại, số lượng lao động quay lại làm việc thấp dẫn tình trạng phải làm việc luân phiên, đổi ca…

Tôi cho rằng, mặc dù chính sách mở cửa du lịch nội địa đã tạo thêm nhiều kỳ vọng cho các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú nhưng lượng khách thực tế vẫn còn rất ít. Chính vì vậy, để phục hồi du lịch vẫn cần tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch hơn nữa, đặc biệt là du khách quốc tế vào Việt Nam".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem