Chợ trâu, bò lớn nhất nhì Cao Bằng: Mỗi phiên giao dịch 4-5 tỷ, béo gầy đều mua hết

Chiến Hoàng Thứ sáu, ngày 11/09/2020 06:07 AM (GMT+7)
Chợ trâu, bò Lương Thông (xã Lương Thông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) mỗi tháng họp 6 phiên, diễn ra vào các ngày âm lịch có đuôi 4 và 9. Vào những phiên chợ cuối năm, số trâu, bò đưa về đây có thể lên tới 400 - 500 con, lượng tiền giao dịch lên đến vài tỷ đồng.
Bình luận 0

CLIP: Chợ trâu, bò Lương Thông (xã Lương Thông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng).

Hôm chúng tôi đến đúng ngày 4, vì thế mà khắp các ngả đường đến Lương Thông, đều thấy trâu, bò tấp nập đổ về theo những chuyến xe. Vào những ngày họp chợ (phiên chợ diễn ra vào các ngày âm lịch có đuôi 4 và 9), dường như mọi con đường đều hướng về Lương Thông, nơi có chợ trâu, bò náo nhiệt vào loại nhất nhì của tỉnh Cao Bằng.

Theo chân những người nông dân dắt bò đến chợ, PV được tận mắt chứng kiến cảnh bán mua của chợ trâu, bò ở xã miền núi Lương Thông này. Khác với những phiên chợ thường thấy, chợ trâu, bò ở Lương Thông, người dự phiên chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Dao đến từ nhiều nơi.

Cao Bằng: Chính quyền biến chợ tự phát thành chợ trâu bò giúp nông dân có của ăn, của để - Ảnh 2.

Những con bò được cột lại đợi khách mua lựa chọn tại chợ trâu, bò Lương Thông.

Những chuyến xe từ khắp các tỉnh, thành, dừng đỗ, hạ hàng chật cứng 1/3 chợ. Tiếng hò reo vọng vào vách núi u uôm, ấy là những khách mua thể hiện tài dự đoán về cân nặng của trâu, bò trước khi đem lên bàn cân.

Người bạn đi cùng chúng tôi bảo, ở đây bà con mua bán rất thật thà, hầu như các phiên chợ chỉ có tiếng hò reo mỗi khi trâu, bò được kéo lên bàn cân hoặc tươi cười niềm nở chứ tuyệt không có chuyện cãi vã hàng tôm, hàng cá.

Cao Bằng: Chính quyền biến chợ tự phát thành chợ trâu bò giúp nông dân có của ăn, của để - Ảnh 3.

Bò được khách mua dắt lên xe chở đi sau khi giao dịch thành công.

Hôm nay chúng tôi gặp Vương Văn Sinh (tổ dân phố 6, thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Anh Sinh dắt theo một con bò vỗ béo, 7h sáng đã kịp có mặt để khách mua lựa chọn.

Sinh là người Mông, rất sành về trâu bò, hầu như các phiên chợ trâu bò từ Cao Bằng đến Bắc Kạn anh đều dự phần. Vương Văn Sinh bảo, ngoài những phiên chợ, anh còn lặn lội đến các bản vùng sâu, vùng xa để lựa trâu, bò gầy đem về vỗ béo.

"Chân đi đã quen, mắt nhìn đã tỏ thì chẳng muốn ở nhà nữa đâu" - Sinh cười.

Cao Bằng: Chính quyền biến chợ tự phát thành chợ trâu bò giúp nông dân có của ăn, của để - Ảnh 4.

Dù đang ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lượng trâu, bò tại chợ vẫn lên đến khoảng 200 con.

Dù đang trong thời điểm dịch Covid-19, nhưng chợ trâu, bò Lương Thông hôm nay dễ chừng cũng có đến 200 con.

Chị Nông Thị Tuyết Mai (tổ 1, thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng) cho biết, đã đến chợ này, trâu, bò dù béo hay gầy đều bán được cả.

Bà Hoàng Thị Dế (xã Hạ Thôn, huyện Hà Quảng) hôm nay dắt theo 10 con bò đến chợ. Bà Dế cho biết, đi từ Hạ Thôn đến chợ trâu, bò Lương Thông phải mất 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Bà Dế là người nhiều năm kinh nghiệm, lăn lộn khắp các chợ bò nên việc dắt 10 chú bò đến chợ với bà cũng chỉ như sách cái lồng gà vậy.

Cao Bằng: Chính quyền biến chợ tự phát thành chợ trâu bò giúp nông dân có của ăn, của để - Ảnh 5.

Bà Hoàng Thị Dế, xã Hạ Thôn, huyện Hà Quảng đã nhiều năm lăn lộn tại các chợ trâu, bò.

11h30, chợ còn chưa vãn, trâu bò từ khắp các ngả vẫn nườm nượp đổ về. Trâu, bò buộc trước được khách lựa mua cũng rục rịch lên xe chở đi. Tại những dãy hàng bán đủ thứ quà ở mé ngoài chợ, các chủ bò khề khà vại bia, lon nước ngọt bàn chuyện bán mua.

Ông Nông Văn Thuân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Thông chia sẻ, tuy chợ mới chính thức đi vào hoạt động 3 năm nay nhưng dân buôn bán trâu, bò trong và ngoài tỉnh đều biết đến. Nhờ có chợ trâu, bò Lương Thông mà những hội viên Hội Nông dân thực hiện mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo của xã cũng có nhiều thuận lợi.

Cao Bằng: Chính quyền biến chợ tự phát thành chợ trâu bò giúp nông dân có của ăn, của để - Ảnh 6.

Ông Hoàng Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Lương Thông, huyện Hà Quảng (Cao Bằng).

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Minh Đức - Chủ tịch UBND xã Lương Thông cho biết, chợ trâu, bò Lương Thông trung bình mỗi phiên giao dịch cũng khoảng trên 5 tỷ đồng.

Ông Đức cho biết thêm, vào những phiên cuối năm, số lượng trâu bò đổ về chợ lên đến 400 - 500 con, buộc kín cả đường đi. Nhờ có chợ trâu, bò này mà đời sống của người dân ở xã Lương Thông cũng được nâng cao nhiều so với trước đây.

Theo ông Đức, chợ trâu, bò Lương Thông trước đó vốn là chợ nông sản, người dân dắt trâu, bò đến bán một cách tự phát. Nhận thấy nhu cầu bán mua ngày một lớn, chính quyền xã đã mạnh dạn đề xuất huyện kêu gọi đầu tư.

"Khi có chủ trương, một hợp tác xã trên địa bàn huyện Hà Quảng đã đầu tư xây dựng, biến chợ tự phát trước đây thành chợ trâu, bò như hiện nay. Trước mắt, chợ tạm đáp ứng được nhu cầu bán mua, tuy nhiên khoảng 5 năm nữa sẽ phải tính toán mở rộng quy mô chợ do lượng trâu, bò đang tăng mạnh theo từng phiên" - Chủ tịch UBND xã Lương Thông nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem