Chống chuột “di cư” - cuộc chiến khốc liệt

Chủ nhật, ngày 01/09/2013 06:22 AM (GMT+7)
Chưa bao giờ chuột lại nhiều như năm nay. Từng đàn chuột hàng ngàn con cứ nối đuôi nhau vượt qua những con đê, đường bê tông ven làng và tràn cả vào cánh đồng như thác lũ, khiến ai thấy cũng ám ảnh.
Bình luận 0
Cứ khoảng tháng 8, tháng 9 hàng năm, khi nông dân vừa gặt xong những cánh đồng lúa tái sinh thì đàn chuột hàng vạn con lũ lượt kéo nhau đến tấn công những cánh đồng lúa hè thu ở các xã vùng trung du của huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình). Và nơi đây lại xảy ra cuộc chiến chống... chuột.

Chuột tràn như thác lũ

Đã nhiều năm nay, ở các xã vùng giữa huyện Lệ Thuỷ như: Phong Thuỷ, An Thủy, Lộc Thuỷ, Liên Thuỷ, Hồng Thuỷ... dù lúa tái sinh năng suất không cao bằng vụ chính nhưng do mức đầu tư ít, bán được giá hơn nên bà con vẫn có lãi. Và, điều quan trọng là tránh được những trận lũ sớm hàng năm mà trước đây vụ lúa hè thu luôn gặp phải.

Nhiều người dân thôn Mai Thượng trở thành “dũng sĩ diệt chuột”.
Nhiều người dân thôn Mai Thượng trở thành “dũng sĩ diệt chuột”.

Khi đang còn lúa tái sinh, đàn chuột vẫn sinh sống ở những cánh đồng này, nhưng khoảng tháng 8 hàng năm, bà con gặt xong lúa tái sinh, đàn chuột hết nguồn thức ăn, chúng bắt đầu hành quân “di cư” lên những cánh đồng lúa hè thu tại các xã vùng trung du như Mỹ Thuỷ, Dương Thuỷ, Mai Thuỷ… để có nguồn thức ăn, đồng thời tránh những cơn lũ sớm. Người nông dân ở các xã vùng trung du huyện Lệ Thuỷ biết đặc điểm này của đàn chuột, nên những năm qua họ rất dè dặt trong việc sản xuất vụ hè thu, thậm chí có nhiều xã bà con bỏ ruộng hoang vì nhiều vụ liền bị đàn chuột phá hoại đến mất trắng.

Vụ hè thu năm nay, xã Mai Thuỷ sản xuất được 194ha lúa hè thu. Để bảo vệ chừng ấy diện tích lúa khỏi sự phá hoại của đàn chuột, ngay từ đầu vụ, chính quyền địa phương, Ban chủ nhiệm các HTX và bà con nông dân đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế như: Dùng bả sinh học, đặt bẫy, dùng nylon làm tường chắn… Thế nhưng đàn chuột vẫn tấn công phá hoại, làm mất trắng 24,4ha lúa. Lão nông Dương Công Ninh (65 tuổi) kể: Chưa bao giờ chuột lại nhiều như năm nay. Từng đàn chuột hàng ngàn con cứ nối đuôi nhau vượt qua những con đê, đường bê tông ven làng và tràn cả vào cánh đồng Mai Thượng như thác lũ, khiến ai nhìn thấy hình ảnh ấy cũng phải ám ảnh...

Trắng đêm canh chuột

Trước tình hình đàn chuột “di cư” tấn công phá hoại cánh đồng lúa, HTX Mai Thượng đã thành lập tổ xung kích để ngăn chặn sự tràn xuống đồng lúa của đàn chuột. Tổ xung kích gồm tất cả người dân trong thôn nhưng thay phiên nhau mỗi đêm cử ra 10 người, chốt chặn để canh đàn chuột. Ông Dương Văn Thanh - Chủ nhiệm HTX Mai Thượng cho biết, đã hơn 1 tháng nay, đêm nào những người trong tổ xung kích cũng thức trắng để ngăn chặn đàn chuột xâm nhập vào cánh đồng lúa hè thu của HTX. Cánh đồng thôn Mai Thượng vụ hè thu này được bao bọc bởi gần 5km tường chắn bằng nylon. Người dân thôn Mai Thượng còn có sáng kiến đào những cái hố sâu theo chiều thẳng đứng sát bức tường, đàn chuột đang đêm tìm cách vào cánh đồng, chạy dọc theo bức tường và sa chân rơi xuống hố sâu. Những người trong tổ xung kích đi tuần chỉ việc dùng xiên nhọn và giết chết chúng. Bằng cách như vậy có đêm người dân Mai Thương bắt được đến... 7 tạ chuột.

Nhiều người dân Mai Thượng đã được phong “dũng sĩ diệt chuột”, khi một mình họ bắt được tới 50kg chuột chỉ trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, chỉ có một người được mệnh danh là vua diệt chuột, đó là ông Nguyễn Văn Vinh. Hiện ông Vinh đang là người đứng đầu bảng với thành tích diệt được 83kg chuột trong khoảng thời gian từ đầu tháng 8 đến nay. Ông Vinh là người ở xã An Thuỷ, nổi tiếng là người “sát” chuột nên HTX Mai Thượng đã quyết định mời ông về đầu quân diệt chuột với mức hỗ trợ 2.000 đồng/con. Ngoài cách bắt chuột thông thường, ông Vinh có biệt tài đặt bẫy. Mỗi đêm ông Vinh đặt hơn 2.000 cái bẫy bán nguyệt, bắt được hàng ngàn con chuột. Bắt được chuột, ngoài số tiền hỗ trợ của HTX, ông Vinh còn đem chuột ra chợ bán thu tiền triệu!

Cuộc chiến ngày càng khốc liệt

Ông Phan Hồng Đăng - Chủ tịch UBND xã Mai Thuỷ cho biết, trong đợt ra quân diệt chuột vừa qua, toàn xã Mai Thuỷ diệt hơn 6 tấn chuột. Quyết liệt là vậy nhưng vụ hè thu năm nay, xã Mai Thuỷ cũng bị mất trắng 24,4ha do đàn chuột “di cư” phá hoại. Để chứng minh sự phá hoại ghê gớm của lũ chuột, ông Đăng dẫn chúng tôi ra xem những thửa ruộng nằm ngoài vành đai bảo vệ của bạt nylon. Ở những chân ruộng đó, từng cọng lúa bị bẻ gãy và vặt trụi, trông xơ xác như vừa bị đội quân hùng hậu nào đó oanh tạc. Qua đó mới hiểu mồ hôi, công sức của bà con nông dân đổ ra ngày càng nhiều để quyết giữ ruộng lúa.

"Nếu không bị chuột phá hoại, với 200ha lúa, vụ hè thu này chúng tôi sẽ có hơn 800 tấn thóc rồi. Giờ thì tay trắng, nhiều nông dân phải mang nợ vì chuột phá hoại”.
Ông Võ Doãn Dực - Chủ nhiệm HTX Hoành Vinh


Cũng nhờ quyết liệt trong việc chống chuột mà vụ hè thu vừa qua xã Mai Thuỷ đã giữ lại được 170ha lúa với năng suất 54 tạ/ha, tương đương khoảng 900 tấn lúa.

Trong khi đó, ở một địa phương khác ở huyện Quảng Ninh là xã An Ninh, ước tính vụ hè thu năm nay bà con mất hơn 800 tấn thóc do chuột phá hoại. Cánh đồng của xã An Ninh cũng nằm sát với những cánh đồng lúa tái sinh của huyện Lệ Thuỷ nên nơi đây hàng năm cũng hứng chịu hàng ngàn đàn chuột di cư từ cánh đồng lúa tái sinh của huyện Lệ Thuỷ vào tấn công vụ lúa hè thu của địa phương này.

Khi kết thúc vụ đông xuân, do giá lúa xuống thấp, giá vật tư phân bón cao nên nhiều địa phương nông dân bỏ hoang ruộng. Nhưng HTX Hoành Vinh (xã An Ninh) đã chủ động gieo cấy với diện tích gần 200ha. HTX cũng đã ký hợp đồng với Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An làm cánh đồng mẫu lớn với diện tích 80ha. Thời tiết thuận lợi và được bà con chăm sóc kỹ nên cây lúa phát triển rất tốt, hứa hẹn mùa vàng bội thu. Vậy mà, chỉ sau vài đêm, chuột phá nát đồng, người nông dân mất sạch và đang phải nợ khoản tiền đầu tư.

Nhìn cánh đồng rộng lớn chỉ còn xơ xác gốc rạ, ông Võ Doãn Dực - Chủ nhiệm HTX Hoành Vinh tiếc nuối: “Nếu không bị chuột phá hoại, với 200ha lúa, vụ hè thu này chúng tôi sẽ có hơn 800 tấn thóc rồi. Giờ thì tay trắng, nhiều nông dân phải mang nợ vì chuột phá hoại”…

Xem ra, cuộc chiến giữa người nông dân và chuột sẽ ngày càng khốc liệt nếu không có giải pháp nào hữu hiệu ngăn chặn sự di cư của đàn chuột. Nhiều nông dân cho rằng, sự phá hoại khốc liệt của đàn chuột di cư chính là nguyên nhân mà họ bỏ hoang ruộng, không dám sản xuất vụ hè thu.
Phan Phương (Phan Phương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem