Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy dùng bằng giả: Xử lý như thế nào, ai chịu trách nhiệm?

Lê Hân Thứ hai, ngày 30/10/2023 06:28 AM (GMT+7)
Thông tin Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã đề nghị xem xét kỷ luật đối với ông Nguyễn Công Thắng- Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh vì sử dụng bằng thạc sỹ giả đã thực sự gây bức xúc trong dư luận, bởi một người giữ vị trí là cơ quan kiểm tra còn vi phạm như thế thì... kiểm tra được ai?
Bình luận 0

Cụ thể về trường hợp trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh kết luận như sau: Ông Nguyễn Công Thắng- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy: Khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ, ông đã sử dụng giấy Công nhận văn bằng trình độ Thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (giấy Công nhận văn bằng giả) và dùng bằng tiến sĩ để thi nâng ngạch; ông Thắng đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc sử dụng giấy Công nhận không hợp pháp, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; vi phạm của ông đã ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy dùng bằng giả: Xử lý như thế nào, ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Công Thắng- Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đề nghị kỷ luật vì sử dụng văn bằng thạc sỹ giả. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh.

Sau kết luận trên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh, tôi có đọc lại "lý lịch công tác" của ông Thắng và không khỏi giật mình về số lượng bằng cấp của ông này. Cụ thể, ông Nguyễn Công Thắng, sinh năm 1983, ở phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh. Ông Thắng có trình độ Đại học chuyên ngành Tài chính ngân hàng; Đại học chuyên ngành Luật; Thạc sỹ Kinh tế, chuyên ngành quản trị kinh doanh; Thạc sỹ Luật, chuyên ngành Luật hình sự và tố tụng hình sự; Tiến sỹ Kinh tế, chuyên ngành kinh tế chính trị; Cao cấp lý luận chính trị.

Như vậy, ông Thắng có bằng cấp ở 3 cấp độ khác nhau: 2 đại học, 2 thạc sỹ, 1 tiến sỹ; cộng thêm Cao cấp lý luận chính trị; đặc biệt, trong số 5 bằng cấp mà ông Thắng "sở hữu", thì có đến 4 chuyên ngành khác nhau, gồm: Tài chính ngân hàng (1 bằng đại học); Luật (1 bằng đại học, 1 bằng thạc sỹ); Quản trị kinh doanh (1 bằng thạc sỹ); Kinh tế chính trị (1 bằng tiến sỹ). Có thể thấy, nếu chỉ nhìn vào số lượng trên, mới thấy ông Thắng "tài" thế nào khi có đủ chuyên ngành về tài chính ngân hàng, luật (luật hình sự và tố tụng hình sự), quản trị kinh doanh, kinh tế chính trị, cao cấp lý luận chính trị.

Với một người cả đời chỉ ăn với đi học, chuyên làm công tác giảng dạy, việc có được số lượng bằng kể trên có thể hiểu được và cũng không phải dễ dàng, nhưng với một người làm chính trị như ông Thắng, không hiểu thời gian học vào lúc nào?

Hãy cùng điểm lại con đường thăng tiến của ông Thắng: Cuối năm 2007, từ vị trí Phó Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Công thương Việt Nam tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Công Thắng chuyển sang làm chuyên viên phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh.

Tháng 9/2008, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh. Sau khoảng một năm, tháng 10/2009, ông được cất nhắc giữ chức Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh.

Tiếp theo, ông được chỉ định làm Phó Bí thư Huyện ủy Yên Phong; Phó Trưởng Ban Tổ chức, rồi Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Ninh (năm 31 tuổi).

Từ tháng 4/2013 đến nay, ông Nguyễn Công Thắng được bổ nhiệm, giữ nhiều chức vụ quan trọng ở các địa phương và Tỉnh ủy Bắc Ninh. Cuối năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã chỉ định ông Nguyễn Công Thắng (lúc đó 32 tuổi) làm Bí thư Huyện ủy Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. 4 năm sau, tháng 12/2019, ông Nguyễn Công Thắng được bổ nhiệm làm Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh khi mới 36 tuổi. Sau đó, tiếp tục được bầu kiêm giữ chức Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bắc Ninh. Đến tháng 6/2022, được chuẩn y làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Đối chiếu quá trình công tác cho thấy, chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, ông Thắng đã trải qua tới 6 chức vụ khác nhau và có "công thức" giống nhau là các chức vụ chính của ông đều được "chỉ định" (trừ chức danh Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh). Cụ thể, cuối năm 2015, tức sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) không lâu, ông được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy Tiên Du. Rồi đến tháng 12/2019, ông lại được chỉ định tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh và giữ chức Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Tới tháng 6/2022, tức sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025) không lâu, ông lại được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh phân công đảm nhiệm giữ chức Thủ trưởng cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kể từ ngày 20/4; giới thiệu để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Suốt cả 10 năm đảo qua, đảo lại hết vị trí này đến vị trí khác, nguyên thời gian làm quy trình, ổn định vị trí mới, đề ra chương trình nhiệm vụ cho nhiệm kỳ đã tốn bao nhiêu thời gian. Vậy ông Thắng học được vào lúc nào và ông cần nhiều bằng như thế để làm gì?

Câu chuyện một Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy bị đề nghị kỷ luật vì sử dụng văn bằng giả thực sự để lại rất nhiều câu hỏi, vấn đề:

1. Đầu tiên, phải thừa nhận và hoan nghênh tinh thần xử lý kiên quyết, không nể nang, né tránh, không có vùng cấm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh với người đứng đầu là đồng chí Nguyễn Anh Tuấn- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.

Bởi việc đưa ra một đồng chí trong chính Ban Thường vụ với vi phạm về sử dụng văn bằng giả quả thực không dễ dàng gì, khi người đó lại ở vị trí là người đứng đầu cơ quan Kiểm tra của Đảng bộ một tỉnh.

2. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, làm sao một tổ chức Đảng lại để lọt một người không trung thực, bị kết luận là vi phạm những điều Đảng viên không được làm (theo quy định 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng); vi phạm về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu được leo cao, luồn sâu như thế vào tổ chức Đảng, thậm chí còn giữ những vị trí rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.

Ngoài các chức vụ là Ủy viên Ban Thường vụ Tình ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh; thậm chí ông Nguyễn Công Thắng còn đang giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bắc Ninh. Như vậy, ông Thắng không chỉ biết các quy định của Đảng mà vẫn cố tình vi phạm; biết các quy định của pháp luật mà vẫn phạm luật.

Một người dùng văn bằng giả mà lại được giao giữ những vị trí chủ chốt là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà chính bản thân mình lại tiêu cực, thì phòng, chống được ai? Vì sao trong gần 10 năm, ông Thắng được phân công, chỉ định qua 6 chức vụ khác nhau, mà các cơ quan, tổ chức của tỉnh Bắc Ninh lại không phát hiện ra vi phạm rất nghiêm trọng này của ông Thắng để ông này leo lên tới vị trí quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng.

3. Có thể thấy, để xảy ra trường hợp vi phạm này, trách nhiệm trước tiên thuộc về cá nhân ông Nguyễn Công Thắng khi ông không trung thực, có hành vi gian dối khi sử dụng văn bằng giả để bảo vệ luận án tiến sỹ, rồi lại lấy bằng tiến sỹ đó để thi nâng ngạch. Trách nhiệm tiếp theo, thuộc về các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ xem xét hồ sơ, đánh giá tiêu chuẩn cán bộ trước khi phân công, bổ nhiệm.

Vì vậy, việc xử lý vụ việc này đòi hỏi phải hết sức công tâm, khách quan và nghiêm túc. Trước tiên, đó là phải xử lý vi phạm của chính cá nhân ông Nguyễn Công Thắng; tiếp đó là xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân khi chưa làm hết trách nhiệm trong việc để ông Thắng dù có vi phạm nhưng vẫn trải qua rất nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng, của Nhà nước.

4. Vụ việc này cũng để lại bài học đau xót trong công tác cán bộ ở Bắc Ninh nói riêng, của một số nơi cả nước nói chung. Ai cũng biết, ông Thắng là con của một đồng chí nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, vì thế con đường thăng tiến của ông hết sức thuận lợi. Xét một cách công bằng, việc lãnh đạo là con ai không quan trọng, nếu người đó có thực tài. Nhưng qua câu chuyện của ông Nguyễn Công Thắng cho thấy, nếu trong công tác cán bộ còn dễ dãi, nể nang nhau theo kiểu "con anh, con tôi", thì không chỉ làm hại cho hệ thống tổ chức của Đảng, mà còn làm hại cho chính cá nhân người được sắp xếp, lựa chọn vào các vị trí lãnh đạo một cách quá dễ dàng, để dẫn đến vi phạm nghiêm trọng, khó khắc phục.

Đạo làm quan từ thời xưa đã phải buộc phải "chính danh". Danh có chính thì ngôn mới thuận Một người dùng bằng giả như ông Thắng thì sẽ dễ khiến đến "ngôn"- tức dư luận suy diễn- mọi thứ trong con người ông đều là giả và không còn có thể nói được ai. Hơn nữa, để lọt con người sử dụng bằng giả vào hệ thống tổ chức Đảng trong thời gian dài như thế đã làm mất đi cơ hội của một người khác, xa hơn là ảnh hưởng nghiêm trọng Đảng, đến nhân dân khi một người không đủ tiêu chuẩn nhưng lại được giữ những vị trí quan trọng để đi lãnh đạo, "chỉ đạo" những người khác.

Vì thế, vụ việc này tỉnh Bắc Ninh xử lý nghiêm không chỉ để lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng, mà còn là cơ hội, bài học trong công tác cán bộ ở địa phương sau này.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem