Nuối tiếc tên làng

Ma Khánh Yến Chủ nhật, ngày 14/04/2024 07:00 AM (GMT+7)
Một người dân tại Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) nhắn tin cho tôi vào tối qua: "Mong các nhà báo hãy giúp người dân nơi đây. Chúng tôi rất tha thiết có thể giữ lại tên làng, dù chỉ là một chữ…".
Bình luận 0

Tâm trạng ấy chắc hẳn tồn tại ở không chỉ riêng Chàng Sơn những ngày qua, sau khi hàng loạt tỉnh thành trong cả nước công bố phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.

Cùng với thay đổi này, hàng loạt cái tên mới sẽ ra đời. Cái tên ấy có thể đẹp đẽ hơn, kiêu kỳ hơn, nhưng chắc chắn không phải là địa danh mà họ đang gắn bó và thân thuộc.

Theo đó, tổng số xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị (bao gồm 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề), sau sắp xếp dự kiến giảm còn 619 đơn vị. Cùng với thay đổi này, hàng loạt cái tên mới sẽ ra đời. Cái tên ấy có thể đẹp đẽ hơn, kiêu kỳ hơn, nhưng chắc chắn không phải là địa danh mà họ đang gắn bó và thân thuộc.

Đã có nhiều nhà nghiên cứu nói về tầm quan trọng của địa danh làng xã với lịch sử và văn hóa cộng đồng, điều này hoàn toàn đúng. Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, tôi mạo muội cho rằng, đa phần người dân chưa quan tâm tới những khía cạnh đó (nếu có, chỉ là bộ phận nhỏ, đến từ những làng xã còn mang trên mình nhiều nét văn hóa truyền thống).

Điều khiến họ tiếc nuối tên làng, khao khát giữ lại được dù chỉ vỏn vẹn một từ, bắt nguồn từ hai yếu tố căn bản: thói quen và cảm xúc.

Nuối tiếc tên làng- Ảnh 1.

Nét kiến trúc cổ ở Chàng Sơn. Ảnh: Gia Khiêm

Thói quen được định hình một cách dễ hiểu, khi đó là một chuỗi phản xạ có điều kiện lặp đi lặp lại nhiều lần từ những hoạt động trong đời sống. Với tên làng xã, thói quen ấy đã bắt đầu từ lúc mỗi con người mới chào đời. 

Khi một đứa trẻ bập bẹ tập nói, chúng ta đã dạy con cách xưng tên, tuổi, nơi mình sinh sống. Tên làng xã theo chúng lớn dần, gắn liền với những ký ức đầu đời, là mái trường, hội làng, là đêm rước đèn phá cỗ Trung thu…, là những gì nguyên sơ và đẹp đẽ nhất.

Aristoteles từng nói: "Là bất khả thi, hoặc rất khó để chỉ dùng lý lẽ mà thay đổi nhận thức từ lâu đã hình thành do thói quen mang lại".

Còn nói tới yếu tố cảm xúc, hãy quay lại sự ra đời của làng xã trong lịch sử. Theo tư liệu trong một nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, ngay từ thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên cách ngày nay khoảng 4000 năm, trên đất nước ta đã diễn ra quá trình tan rã của công xã thị tộc, thay vào đó là quá trình hình thành công xã nông thôn - hay nói một cách khác đấy là quá trình hình thành làng Việt. 

Làng ban đầu là nơi cư ngụ của một nhóm người thân thích, có quan hệ huyết thống. Tại đó, cùng với quan hệ địa lý - láng giềng, họ củng cố tạo thành kết cấu vừa làng vừa họ, hay kết cấu làng họ rất đặc trưng ở Việt Nam.

Đến đầu thế kỷ X, chính quyền tự chủ của họ Khúc bước đầu xác lập quyền sở hữu trên danh nghĩa của Nhà nước đối với ruộng đất công xã, đồng thời biến làng thành đơn vị hành chính cấp cơ sở, gọi là xã. Theo thời gian, trải qua nhiều biến thiên lịch sử, các xã hiện tại đa phần quy tụ nhiều làng, trở thành một đơn vị kinh tế, đơn vị tín ngưỡng và sinh hoạt văn hoá cộng đồng quan trọng.

Có thể thấy, làng xã Việt đa phần được bắt nguồn từ một cộng đồng có chung huyết thống, phong tục tập quán, hay nói cách khác đó là một tập lớn hơn so với gia đình, dòng tộc. 

Tại nhiều xã phường ở trên khắp đất nước, người dân mang chung một họ, làm cùng một nghề truyền thống, cũng bởi vậy đối với quê hương, họ có cảm giác gắn bó không khác nhiều so với tình cảm ruột thịt. 

Thứ tình cảm ấy được gọi tên bằng cách nào? Chính là nhờ những tên làng, tên xã, tên phường. Cũng bởi vậy, không ít người thổ lộ họ quặn lòng, xót xa, họ đau đớn khi cái tên thân thương của quê mình biến mất.

Nghị quyết số 35 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã gắn với việc tinh gọn bộ máy quản lý ở cơ sở, giảm gánh nặng cho ngân sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. 

Văn bản này cũng đưa ra yêu cầu việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính phải đảm bảo đoàn kết dân tộc, phù hợp yếu tố lịch sử, truyền thống và văn hóa địa phương, tôn trọng ý kiến của đa số cử tri. Có thể thấy, những vấn đề đặt ra đã khá đầy đủ và mang tính khái quát, việc còn lại là ở quy trình thực hiện ở từng địa phương cụ thể.

Nuối tiếc tên làng- Ảnh 3.

Tác giả bài viết, nhà báo Ma Khánh Yến. Ảnh: DV

Tiếp cận với người dân ở một số địa bàn những ngày qua, bên cạnh việc tiếc nuối những địa danh đã gắn liền với bao đời, tôi nhận ra ở họ nỗi e dè khi đóng góp vào quá trình đặt tên cho đơn vị hành chính mới. 

Nhiều người dân cho biết những tờ phiếu lấy ý kiến chỉ đưa ra một gợi ý kèm dòng chữ "ý kiến khác", sau đó cán bộ thuyết phục họ đồng ý nên họ chọn phương án đã đưa ra. Không ít hộ gia đình ký vào tờ giấy bởi quan niệm: "Mình không thích tên đấy, nhưng có người chọn rồi, làm sao thay đổi được". Vài người dân phản đối mạnh mẽ trên mạng xã hội, tuy nhiên, khi tham gia vào việc lấy ý kiến, họ lại lựa chọn đồng tình.

Rõ ràng, đã đến lúc, sự thay đổi cần đến từ hai phía. Trước hết, đó là ở phía các đơn vị hành chính cấp cơ sở, khi họ cần tiếp cận, trao đổi và chia sẻ nhiều hơn với người dân, khiến người dân tin tưởng rằng ý kiến của họ được lắng nghe, được quyền lựa chọn. Với việc đặt tên cho xã mới, hoàn toàn có thể đưa ra một số phương án khác nhau, trên cơ sở những nét độc đáo về văn hóa, lịch sử của từng địa bàn.

Bên cạnh đó, người dân cũng nên mạnh dạn hơn trong việc tham gia vào những sự kiện mang tính chất văn hóa, lịch sử tại địa phương. Có như vậy, dù tên xã, phường được giữ nguyên hay thay đổi, họ cũng thấy tiếng nói của mình trong đó. 

Từ việc đặt lại tên cho xã, phường đến quá trình tạo ra một đơn vị hành chính mới sẽ kéo theo nhiều biến đổi trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng. 

Một số địa danh, lề thói cũ chắc chắn không thể giữ lại, để rồi, những địa danh/ lề thói mới ra đời, nhiều năm sau lại trở thành một phần ký ức trong mỗi người con xứ xở.

Thứ quan trọng cần làm hiện tại, là cho người dân niềm tin vào những ngày tháng mới tốt đẹp hơn, văn minh hơn, mà điều này có lẽ bắt nguồn từ việc trân trọng, cân nhắc thận trọng trong việc tìm tên mới cho các xã, phường sau khi sáp nhập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem