Chủ tịch Hội NDVN Lại Xuân Môn nói về nông nghiệp Nhật, Hàn Quốc

Nguyễn Xuân ĐỊnh Thứ bảy, ngày 15/04/2017 18:30 PM (GMT+7)
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) Lại Xuân Môn và đoàn công tác đã có chuyến thăm, làm việc tại Hàn Quốc (từ 8-12.4) để tìm hiểu về chính sách đất đai, khoa học công nghệ, tín dụng; chính sách đối với nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bình luận 0

Tại Hàn Quốc, đoàn có các buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc; Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn; Trung tâm Công nghệ Nông nghiệp Buyeo-gun, tỉnh Chungnam; Viện Khoa học Nông nghiệp và Khuyến nông Gyeonggido tỉnh GyeongGi; chợ đấu giá nông sản Garak tại thủ đô Seoul; nông trại thông minh và một số hộ nông dân.

Trong các buổi tiếp xúc và làm việc, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn đã giới thiệu sơ lược về tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tổ chức, hoạt động của Hội NDVN; bày tỏ mong muốn tới đây các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ quan tâm đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam.

Công nghệ tạo mũi nhọn đột phá

Có thể nói, Hàn Quốc là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển dựa trên công nghệ. Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc tập trung các chính sách nông nghiệp theo hướng áp dụng sáng tạo vào nông nghiệp và thực phẩm để tăng giá trị trong các ngành.

Về chính sách đất đai, Chính phủ nước này khuyến khích và tạo điều kiện sử dụng tối đa quỹ đất hiện có, đảm bảo duy trì sự màu mỡ của đất với nguyên tắc “người cày có ruộng”. Đất đai thuộc sở hữu tư nhân. Chủ sở hữu đất nông nghiệp bắt buộc phải sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp, không được để hoang hóa quá 1 năm. Người sở hữu đất không sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn muốn sở hữu có thể ủy thác để ngân hàng đất đai đem cho thuê. Khi ủy quyền cho thuê, chủ sở hữu đất sẽ được miễn các loại thuế có liên quan. Hàn Quốc bỏ hạn điền từ năm 1999 để tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, diện tích đất canh tác hiện nay cũng chỉ ở mức 1,54ha/hộ.

img

  Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn (thứ 2 từ trái) cùng các thành viên trong đoàn thăm khu vực ứng dụng công nghệ thủy canh, Viện Khoa học Nông nghiệp và Khuyến nông Gyeonggido, tỉnh GyeongGi.    ảnh: Xuân Định

Nhà nước Hàn Quốc có chính sách đền bù thỏa đáng cho nông dân khi thu hồi đất. Việc đền bù được thực hiện theo 2 phương thức. Một là, Nhà nước và người nông dân thỏa thuận với nhau về mức giá đền bù theo giá thị trường. Hai là, nếu 2 bên không thống nhất được mức giá đền bù sẽ có 2 đơn vị thẩm định giá độc lập. Giá đền bù là mức trung bình của 2 mức giá do 2 đơn vị thẩm định đưa ra, nhưng về nguyên tắc phải bằng hoặc cao hơn giá thị trường. Ngoài tiền đền bù đất đai, nông dân còn nhận tiền đền bù thiệt hại hoa màu trong 2 năm, tiền vận chuyển hoa màu đi nơi khác và tiền trồng lại hoa màu, được giảm thuế lợi tức chuyển nhượng từ 20 – 50% nếu mua đất ở nơi khác phục vụ sản xuất nông nghiệp, được học nghề miễn phí để chuyển nghề.

Về chính sách tín dụng, Nhà nước hỗ trợ 30 - 100% cho nông dân ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng chợ nông sản, sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường… Nhà nước cũng hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ KHKT, bình ổn giá nông sản; khảo sát, nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường 35 loại nông sản cho nông dân. Ngoài khoản hỗ trợ, Nhà nước cho nông dân vay vốn với lãi suất từ 0 - 2,0%, mức cao nhất cũng chỉ bằng 50% lãi suất thương mại. Nông dân có thể vay vốn ưu đãi tới 70%, thậm chí 100% vốn đầu tư ứng dụng công nghệ cao, mua máy móc, thiết bị sản xuất, nhà kính, xây dựng cơ sở bảo quản sản phẩm.

Công tác nghiên cứu và phát triển, nhất là cải tiến, tạo giống mới, công nghệ mới phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản được đặc biệt coi trọng ở Hàn Quốc. Nước này có 240 cơ sở nghiên cứu khoa học. Chính phủ đầu tư khoảng 1 tỷ USD/năm cho công tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, chiếm khoảng 8,7% ngân sách đầu tư cho nông nghiệp. Đối với mặt hàng chủ lực như lúa, đậu, đỗ, cà chua, táo, lê… Nhà nước đặt hàng các cơ sở nghiên cứu chọn tạo, sản xuất các giống có năng suất, chất lượng cao phù hợp thị hiếu người tiêu dùng để cung ứng cho nông dân. Nhờ áp dụng tiến bộ KHKT, năng suất cây trồng tăng vượt bậc. Chỉ 900.000ha đất lúa, Hàn Quốc sản xuất đủ lương thực cho gần 52 triệu dân và xuất khẩu…

Nhà nước đầu tư tới 6% GDP cho phát triển nông nghiệp, mặc dù nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 2% GDP.

Hỗ trợ, quan tâm đến nông dân

Tiềm năng, dư địa cho phát triển nông nghiệp của Việt Nam còn rất lớn, nông nghiệp, nông thôn có vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, ổn định kinh tế - xã hội. “Nông nghiệp là cuộc sống, nông thôn là tương lai” của mọi người dân. Đầu tư cho nông nghiệp chính là đầu tư cho thế hệ tương lai…”.
Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn

Hàn Quốc đầu tư xây dựng các chợ đầu mối ở các địa điểm thuận lợi cho giao dịch nông sản. Nông dân bán hàng tại chợ đầu mối thông qua đấu giá. Giá sản phẩm được xác định thông qua đấu giá sẽ được công khai trên mạng để mọi người tham khảo. Người mua có thể mua trực tiếp từ người sản xuất tại ruộng, nhưng phải trả mức giá cao hơn so với mức giá được xác định thông qua đấu giá. Cách làm này giúp người nông dân không phải lo khâu bán hàng, chỉ tập trung vào sản xuất với năng suất, chất lượng cao, không bị tư thương thông đồng ép giá. Người tiêu dùng mua được hàng với giá cả hợp lý, khắc phục được tình trạng được mùa, rớt giá, đồng thời kích thích được cả sản xuất và tiêu dùng.

Chính phủ có quỹ bình ổn giá các mặt hàng chiến lược đảm bảo thu nhập cho nông dân và lợi ích của người tiêu dùng. Bù giá cho nông dân khi giá thị trường thấp hơn giá Chính phủ đảm bảo, hoặc hỗ trợ nông dân khi Chính phủ yêu cầu nông dân giảm quy mô sản xuất. Tăng cường đầu tư công nghệ, hỗ trợ xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến nâng cao giá trị cho sản phẩm. Kiểm soát chặt chẽ vật tư nông nghiệp, chất lượng sản phẩm thông qua áp dụng các quy chuẩn chất lượng cao, hệ thống truy xuất nguồn gốc, chế tài xử phạt nghiêm khắc, công khai thông tin các đơn vị, cá nhân vi phạm.

Chính phủ Hàn Quốc miễn cho nông dân thuế xăng dầu, cầu, đường; hỗ trợ tiền xăng, dầu phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa, tiền thuê máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, kinh phí cải tạo đất, phân bón cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ...

Tuy nhiên, nông nghiệp Hàn Quốc vẫn còn những hạn chế cần phải tiếp tục giải quyết như quy mô sản xuất nhỏ lẻ; sản xuất lúa gạo dư thừa đang phải điều chỉnh chính sách hỗ trợ để khuyến khích chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; dân số làm nông nghiệp đang giảm dần và bị già hóa nhanh - với 98% nông dân trên 60 tuổi… /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem