Chủ tịch Ngân hàng UBS: Xung đột Mỹ Trung vẫn có thể giải quyết
Xung đột Mỹ Trung "có tiềm năng giải quyết"
Axel Weber, Chủ tịch Ngân hàng Thụy Sĩ UBS hôm 22/9 nhận định: "Đã có nhiều thăng trầm trong đàm phán Mỹ Trung, những biến động to lớn từ cả hai phía. Nhưng những gì chúng tôi quan tâm là sự phát triển của thương chiến trong dài hạn, và tôi thực sự nghĩ rằng có tiềm năng để giải quyết xung đột lớn này. Có một thực tế là chấm dứt xung đột Mỹ Trung sẽ có lợi cho cả hai nước."
Bình luận được ông Weber đưa ra đúng thời điểm triển vọng đàm phán Mỹ Trung đang mờ dần sau khi phái đoàn Thứ trưởng Trung Quốc đột ngột hủy lịch trình thăm nông trại Mỹ, kết thúc sớm chuyến tham vấn tại Washington hồi cuối tuần trước. Chứng khoán Mỹ sau đó đã tụt dốc vì diễn biến bất thường này.
Hồi giữa năm, quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF từng đưa ra cảnh báo các hành động trả đũa thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm 0,8% sản lượng kinh tế toàn cầu trong năm 2020, thậm chí kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế. Trong bối cảnh đó, Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế hàng đầu thế giới - chắc chắn không thoát khỏi tác động tiêu cực đó.
Không chỉ IMF, nhiều nhà nghiên cứu kinh tế mà mới đây nhất là David Rosenberg, chiến lược gia thị trường từ Gluskin Sheff cũng cảnh báo nguy cơ suy thoái với nền kinh tế Mỹ trong khoảng 12 tháng tiếp theo. Bất chấp việc FED hạ lãi suất lần thứ hai trong năm hồi tuần trước, ông David Rosenberg vẫn cho rằng nguy cơ suy thoái là rất rõ rệt, dựa trên những nghiên cứu của ông về phố Wall trong nhiều thập kỷ.
Lý do duy nhất khiến David còn lạc quan vào hiện tại là những kích thích kinh tế từ FED, nhưng ông không chắc liệu các kích thích đó có mang đến hiệu quả như kỳ vọng. Nhất là trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được những mâu thuẫn cốt lõi trong xung đột thương mại. Và mối đe dọa thuế quan của ông Trump thì vẫn lơ lửng khiến thị trường quan ngại.
"Dù FED có đưa lãi suất về mức 0, kết quả cũng chỉ có một mà thôi, đó là suy thoái kinh tế." - David Rosenberg.
Theo ông Axel Weber, rủi ro suy thoái chính là động lực đưa Washington và Bắc Kinh quay trở lại bàn đàm phán. Chủ tịch UBS còn nhận định nhiều khả năng hai bên sẽ đi tới một thỏa thuận tạm thời để tạo cơ sở cho những vòng đàm phán tiếp theo.
Sự phân cực của thế giới công nghệ
Bên cạnh những tác động nặng nề đến tăng trưởng kinh tế, một số chuyên gia đã cảnh báo xung đột Mỹ Trung nhiều khả năng còn phân cực thế giới công nghệ. Nhận định về nguy cơ này, ông Axel Weber cho rằng thực chất sự phân cực đã tồn tại từ lâu, khi Trung Quốc xây dựng các ứng dụng công nghệ của riêng mình như nền tảng mạng xã hội WeChat, sàn thương mại điện tử Alibaba tương tự như Facebook hay Amazon của Mỹ.
Cuộc chiến tranh thương mại giờ đây đang củng cố sự độc lập của ngành công nghệ Trung Quốc. Nhất là khi Bắc Kinh đang ưu tiên nghiên cứu và phát triển các ngành mũi nhọn như sản xuất chip, công nghiệp điện tử… Chiến lược phát triển "Made in China 2025" của Trung Quốc đã chỉ rõ mục tiêu ngành sản xuất chip của Trung Quốc đáp ứng 80% nhu cầu con chip nội địa vào năm 2030. Đó là tin xấu cho cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu nói chung và doanh nghiệp Mỹ nói riêng.
Chủ tịch UBS nhận định: "Rất ít khả năng người Trung Quốc sẽ chuyển từ nền tảng công nghệ nội địa sang các ứng dụng nền tảng của Mỹ. Chúng ta phải đối mặt với một thực tế về thế giới công nghệ phân cực đang ngày càng rõ rệt".