Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: TP.HCM đã khống chế nguồn lây Covid-19 trong cộng đồng sau 4 ngày

Bạch Dương Thứ ba, ngày 08/12/2020 11:47 AM (GMT+7)
Trong phiên họp sáng 8/12 kỳ họp 23 HĐND TP.HCM khóa IX, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đăng đàn trả lời chất vấn của cử tri về các vấn đề phòng chống dịch Covid-19, cải thiện môi trường đầu tư, chống lấn chiếm vỉa hè…
Bình luận 0
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trả lời chất vấn những vấn đề gì của cử tri? - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đăng đàn trả lời chất vấn.

Mục tiêu hàng đầu của thành phố là chống dịch Covid-19

Trả lời cử tri Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, tính từ 23/1/2020 đến nay, TP xác định có 142 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 32 ca trong cộng đồng, không có ca tử vong. Cùng với đó là sự xuất hiện của 3 làn sóng dịch nhưng với quyết tâm cao, TP đã đẩy lùi cả 3 làn sóng này.

Gần đây, TP xuất hiện 3 ca nhiễm mới trong cộng đồng nhưng chỉ trong 4 ngày, TP đã khống chế dịch Covid-19 trong cộng đồng. Và đến nay, TP chưa ghi nhận ca mới liên quan đến BN1342 (tiếp viên hàng không Vietnam Airlines).

Chủ tịch UBND TP khẳng định mục tiêu hàng đầu năm 2021 là kiểm soát dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị tập trung phòng chống bệnh, không chủ quan, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát; đặc biệt tại trường học, bệnh viện, nơi tập trung đông dân cư.

TP nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy cao độ tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm, cán bộ, đảng viên, công chức viên chức phải đi đầu; vận động người dân tham gia chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một tổ chiến đấu, mỗi quận huyện là một pháo đài.

TP kiên trì nguyên tắc phòng chống dịch đó là chủ động phòng ngừa sớm, thưc hiện phương châm 5 tại chỗ, tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; xây dựng các cấp độ cảnh báo dịch bệnh tùy từng cấp độ.

Biện pháp tiếp theo là giám sát nguy cơ, phát hiện ca bệnh, tổ chức giám sát thường xuyên để phát hiện sớm ca bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổ chức giám sát cách ly tập trung, cách ly tại nhà.

"Trường hợp vừa qua của BN1342 và BN1347 là không tuân thủ nghiêm quy chế, quy định về cách ly nên chúng ta đã khởi tố vụ án để răn đe. Và việc chấp hành quy định phải hết sức nghiêm. Chính vì không nghiêm nên đã gây ra trường hợp như vừa rồi", ông Phong nói.

Trả lời về hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ đẩy mạnh khảo sát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Phong dẫn chứng phần lớn doanh nghiệp tại TP.HCM đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ và nhóm này bị tác động rất nặng nề. TP đã phát huy hiệu quả các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, xử lý gia hạn tiền thuế cho doanh nghiệp, và gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân cho các hộ kinh doanh.

TP cũng cùng các chuyên gia kinh tế có định hướng, giải pháp cho gói hỗ trợ mới. TP sẽ hỗ trợ tín dụng với lãi suất 0% cho các nhóm ngành dịch vụ gặp khó khăn và các doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm sớm. Cơ cấu lại thời gian trả nợ cho nhóm khó khăn.

Về hỗ trợ người dân, TP tiếp tục rà soát, hỗ trợ để không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trả lời chất vấn những vấn đề gì của cử tri? - Ảnh 3.

Cử tri nêu câu hỏi với Chủ tịch UBND TP.HCM.

Lấn chiếm vỉa hè: Dọn dẹp tới đâu tái lấn chiếm tới đó

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nêu vấn đề lấn chiếm vỉa hè được chất vấn từ đầu nhiệm kỳ nhưng đến nay chưa chuyển biến. Cùng với đó là các dự án giao thông chậm tiến độ, TP đã được trao cơ chế đặc thù và đã vận dụng vào dự án metro, vậy TP làm gì để đẩy nhanh tiến độ các dự án?

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, về vấn đề lấn chiếm vỉa hè, Thành ủy đã có chị thị số 11, chỉ thị 12 về an toàn lòng lề đường giao thông, lấn chiếm vỉa hè, bước đầu có đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, ông Phong thừa nhận, vấn đề vỉa hè là cuộc vận động cần phải có thời gian, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Một mình chính quyền thì dọn dẹp đến đâu lại tái lập lại tình trạng như cũ nên phải có sự vận động vai trò của từng chi bộ, khu phố, phường xã thế nào mới đạt được kết quả.

Về những dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2016-2020, TP đã triển khai, tập trung nguồn lực để đầu tư, đưa vào khai thác nhiều công trình trọng điểm như cầu Phú Hữu, Phạm Văn Đồng, cầu vượt ngã tư Gò Mây, cầu vượt nút giao thông đường Trường Sơn, cầu vượt thép ngã sáu Gò Vấp, mở rộng đường Phạm Văn Trị, hầm chui An Sương, hầm chui Mỹ Thủy… Qua đó, TP đã góp phần kéo giảm ùn tắc tại nhiều khu vực như Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái…

Tuy nhiên, do khó khăn về vốn và giải phóng mặt bằng còn chậm nên tiến độ nhiều dự án chậm, giảm hiệu quả, đội vốn. Hiện, nguồn vốn đầu tư giao thông hiện tập trung vào đầu tư công, mà đầu tư công phải qua rất nhiều khâu. Nhưng phần lớn dự án giao thông là thực hiện theo phương thức BT. Trong khi đó, thời gian qua nhiều dự án BT phải dừng thời gian khá dài và giờ thì không làm BT được nữa.

Về công tác giải phóng mặt bằng, TP xin làm thí điểm, Chính phủ đã có Nghị quyết 27 và Sở Xây dựng đang triển khai theo tinh thần Nghị quyết đó. Do đó, thời gian sắp tới, TP sẽ thực hiện các giải pháp là chỉ đạo sở ngành đẩy nhanh tiến độ dự án dở dang; nghiên cứu phương án đầu tư để hạn chế khó khăn; yêu cầu chủ đầu tư quận huyện cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng; chọn đơn vị thi công có kinh nghiệm để chấn chỉnh chất lượng công trình; triển khai kết cấu hạ tầng giao thông của TP, bao gồm các giải pháp chấn chỉnh giao thông đường bộ, giải pháp về vốn, giải phóng mặt bằng và nhiều giải pháp khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem