Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ Nguyễn Duy Ân: Chống ngập cho Tam Kỳ là giải pháp cấp bách

26/09/2024 17:43 GMT+7
Thực tế, việc ngập lụt là không thể tránh khỏi với vị trí, địa hình của thành phố Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam hiện nay là cũng thuộc vào các tỉnh duyên hải miền trung, có độ dốc sườn đồi lớn "Tây sang Đông", khi có mưa, bão cùng lúc có triều cường sẽ gây ngập úng với các khu vực có cao trình dưới 2,9m.

Được biết, những năm gần đây, thành phố Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam có hàng loạt giải pháp đồng bộ, kể cả việc mở rộng phạm vi ra vùng phụ cận các huyện Phú Ninh, Thăng Bình và đầu tư rất nhiều hồ điều hòa, nâng cấp các tuyến đường, kênh thoát nước hy vọng sẽ giúp đô thị Tam Kỳ không còn tình trạng ngập lụt vào mùa mưa.

Thế nhưng, hễ mưa là nhiều tuyến đường và vùng trũng trong nội thành Tam Kỳ lại "bì bõm" trong nước, có tuyến đường ngập sâu hơn nửa mét. Để làm rõ vấn đề và hướng thoát ngập cho Tam Kỳ, P.V Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Duy Ân - Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ Nguyễn Duy Ân: Chống ngập cho Tam Kỳ là giải pháp cấp bách - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Ân - Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với P.V Dân Việt về phòng chống ngập úng của Tam Kỳ. Ảnh: T.H

Dù được đầu tư rất quyết liệt, cả "tiền của và công sức", nhưng thời gian gần đây, hễ mưa kéo dài là nhiều nơi ở đô thị Tam Kỳ ngập nặng. Vậy theo ông, việc đầu tư đó có hiệu quả cho Tam Kỳ thoát ngập không. Hay đó chỉ là giải pháp tạm thời?.

Ông Nguyễn Duy Ân: Hiện nay, khi trời mưa các tuyến đường trên địa bàn thành phố Tam Kỳ thường ngập cục bộ do nhiều nguyên nhân.

Trong đó, thời tiết cực đoan, lượng mưa lớn bất thường, lá cây, gỗ mục và các vật liệu khác gây cản dòng chảy vào hố ga, trong khi hệ thống mương thoát nước dọc đầu tư trước đây chưa đáp ứng năng lực thoát nước và chưa đồng bộ cũng làm cho khả năng thoát nước chậm. Bên cạnh đó các dự án để xử lý một số vùng trũng trong nội thị chậm triển khai cũng là nguyên nhân gây ngập úng

Thực tế là việc đầu tư thời gian qua cũng đã có những kết quả nhất định, điểm và khu vực ngập lụt trong nội thị giảm đáng kể, thời gian ngập cũng giảm nhiều, do khả năng thoát nước nhanh hơn.

Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ Nguyễn Duy Ân: Chống ngập cho Tam Kỳ là giải pháp cấp bách - Ảnh 2.

Tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng thành phố Tam Kỳ đoạn thuộc phường An Xuân ngập sâu hơn nửa mét trong cơn mưa lớn ảnh hưởng bởi áp thấp vừa rồi. Ảnh: T.H

Clip mưa gây ngập úng tại đô thị Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Ngoài ra, theo tôi được biết, để "giải thoát" chống ngập cho Tam Kỳ, UBND thành phố đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên nước (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) nghiên cứu đề án thoát nước nội đô TP.Tam Kỳ. Hiện đề án này có khả thi không, thực hiện hay chưa?. Hay cũng chỉ là mới "bơm tiền" để nghiên cứu rồi phải ngồi "chờ", trong khi đó ngập vẫn lại ngập?.

Ông Nguyễn Duy Ân: Với đề án về giải pháp nâng cao năng lực chống ngập lụt nội đô Tam Kỳ được nghiên cứu, thông qua nhiều cuộc hội thảo của các chuyên gia nhằm đánh giá nguyên nhân ngập lụt từ đó đưa ra giải pháp giảm thiểu và thời gian thực hiện trong nhiều năm theo kế hoạch, trong đó đã đề xuất nhiều giải pháp công trình và phi công trình được đánh giá là sẽ rất hiệu quả khi triển khai.

Trong đó, giải pháp công trình căn cơ là, tuyến kênh thoát lũ phía Tây xuất phát từ phía trước cống Ông Dung và điểm cuối đổ ra sông Tam Kỳ, dự kiến đầu tư năm 2025.

Thứ hai là tuyến cống ngầm đường Trưng Nữ Vương (từ đường Nguyễn Hoàng ra sông bàn Thạch), hiện đã phê duyệt thiết kế, đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu thi công. Và cuối cùng là đầu tư xây dựng Hồ điều hoà Trường Xuân, hiện dự án này đang lập xúc tiến nguồn để thực hiện đầu tư.

Cùng với đề án thoát nước ngoại lai do Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Xây dựng tỉnh thực hiện, theo đó giảm thiểu nước ngoại lai từ phía Bắc như huyện Thăng Bình, Phú Ninh vào sông Bàn Thạch, Kỳ Phú. Có kế hoạch hạ mực nước hồ Phú Ninh theo quy trình của cấp thẩm quyền.

Đối với thành phố đang và sẽ triển khai các giải pháp công trình và phi công trình trong thời gian đến theo đề xuất trong đề tài nghiên cứu của Đại học bách khoa Đà Nẵng, trong đó có các dự án chuẩn bị đầu tư như trình bày ở trên, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập cục bộ cho các vùng trũng thấp của khối phố 8 An Sơn; Mỹ Thạch Trung, Hoà Thuận…

Và hiện Tam Kỳ đang xúc tiến dự án nạo vét sông Bàn Thạch cũng là một trong các giải pháp thoát nước đô thị.

Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ Nguyễn Duy Ân: Chống ngập cho Tam Kỳ là giải pháp cấp bách - Ảnh 3.

Đường Hùng Vương là tuyến đường trung tâm thành phố Tam Kỳ hễ mưa lớn là xuất hiện nhiều nơi ngập cục bộ. Ảnh: T.H

Được biết, thành phố Tam Kỳ phấn đấu năm 2025 cơ bản hoàn thành hết các tiêu chí đạt đô thị loại I, và phấn đấu năm 2030 sẽ đạt đô thị loại I. Trước việc ngập úng cục bộ, chưa có "lối thoát", vậy có gây khó khăn cho Tam Kỳ tiến tới để đạt các tiêu chí cho đô thị loại I hay không?.

Ông Nguyễn Duy Ân: Tiến tới để đạt các tiêu chí cho đô thị loại I thì thực hiện theo Nghị quyết 08/NQ-TU ngày 04/5/2021 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ ba, khóa XXII về xây dựng và phát triển đô thị loại I trực thuộc tỉnh Quảng Nam và Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ Nguyễn Duy Ân: Chống ngập cho Tam Kỳ là giải pháp cấp bách - Ảnh 4.

Theo Chủ tịch Tam Kỳ Nguyễn Duy Ân, chống ngập cho Tam Kỳ là giải pháp cấp bách. Ảnh: CTV

Để đạt được tiêu chí đô thị loại I thì cần thực hiện rất nhiều giải pháp và nhiệm vụ đồng bộ để hoàn thành các bộ tiêu chí theo qui định, trong đó có nhiệm vụ đầu tư hạ tầng đô thị, thoát nước.

Thực tế, việc ngập lụt là không thể tránh khỏi với vị trí, địa hình của thành phố Tam Kỳ hiện nay là cũng thuộc vào các tỉnh duyên hải miền trung, có độ dốc sườn đồi lớn "Tây sang Đông", khi có mưa, bão cùng lúc có triều cường sẽ gây ngập úng với các khu vực có cao trình dưới 2,9m.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan hiện nay việc giải quyết ngập lụt căn cơ cho đô thị là không đơn giản, mà phải có kế hoạch để giảm thiểu và thích ứng trong quá trình phát triển.

Xin cảm ơn ông./.

Trương Hồng
Cùng chuyên mục