Tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo quốc tế kết nối vùng trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây
Tỉnh Quảng Nam nằm ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam, có hơn 157km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Sê Kông, nước CHDCND Lào và có cặp Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam) – Đắc Tà Oọc (Sê Koong) kết nối giữa vùng Nam Lào với vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung ra Biển Đông của Việt Nam.
Cửa khẩu Nam Giang thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, tỉnh Quảng Nam được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế theo Nghị quyết số 183/NQ – CP ngày 22/12/2020 của Chính phủ.
Việc nâng cấp cửa khẩu Nam Giang thành cửa khẩu quốc tế đã mở ra con đường ngắn nhất đã tác động, thúc đẩy một số lĩnh vực phát triển như: vận tải thông thương hàng hóa, thương mại, du lịch, dịch vụ... và mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới về đầu tư phát triển các ngành kinh tế xuyên biên giới; đây là tuyến đường ngắn nhất kết nối từ vùng Đông Bắc Thái Lan → vùng Nam Lào → cặp Cửa khẩu quốc tế Nam Giang – Đắc Tà Oọc → QL14D/QL14B/QL14E → thành phố Đà Nẵng, thành phố Hội An, Tam Kỳ, Cảng Chu Lai…
Trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng phát triển tốt đẹp; các thỏa thuận, tuyên bố chung nhân dịp các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước đã và đang được triển khai đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trong những năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cặp Cửa khẩu quốc tế Nam Giang – Đắc Tà Oọc ngày càng tăng trưởng, góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển theo Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ hai nước Việt Nam – Lào ký ngày 27/6/2015 và đảm bảo chủ quyền lãnh thổ quốc gia, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội khu vực cửa khẩu, giữ vững mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, hữu nghị Việt – Lào trên cơ sở hợp tác, hòa bình, cùng phát triển.
"Để có thêm cơ sở khoa học, thực tiễn trong nghiên cứu, phát triển tổng thể Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang kết nối với tuyến đường Hành lang kinh tế Đông – Tây, khai thác tiềm năng thế mạnh của khu vực Nam Lào gắn với Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung – Tây nguyên và khu vực phía Tây của tỉnh Quảng Nam.
Đồng thời để triển khai có hiệu quả biên bản hội nghị cấp cao năm 2022 giữa hai tỉnh Quảng Nam và Sê Koong ký ngày 30/8/2022 nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, dịch vụ, nhất là thông thương hàng hoá vùng Nam Lào với Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung.
Việc tổ chức hội thảo lần này là cần thiết nhằm để lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ ngành Trung ương hai nước Việt Nam – Lào, các Viện nghiên cứu phát triển kinh tế, cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền các tỉnh khu vực Nam Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan, các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung – Tây nguyên.
Cùng các tổ chức, chuyên gia tư vấn kinh tế, các Hiệp hội và doanh nghiệp để nghiên cứu, đánh giá các tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò quan trọng của tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây qua cặp Cửa khẩu quốc tế Nam Giang – Đắc Tà Oọc trong việc thông quan hàng hóa, thúc đẩy thương mại và hình thành tuyến hành lang phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, du lịch từ tỉnh Ubon RatchatThani (Đông Bắc Thái Lan) qua 4 tỉnh vùng Nam Lào về các tỉnh vùng Duyên hải Miền Trung (Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi)…", UBND tỉnh Quảng Nam thông tin.
Hội thảo quốc tế kết nối vùng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây qua cặp Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc với các nội dung chính như, báo cáo trung tâm về kết nối vùng trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây qua cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc, tiềm năng và cơ hội phát triển.
Các báo cáo tham luận giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, chính sách, giải pháp kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực của các tỉnh vùng Nam Lào (Sê Koong, Champasak), tỉnh Ubon RatchatThani (Thái Lan), các tỉnh vùng Duyên hải Miền Trung (Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi), Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại vùng Nam Lào và một số tập đoàn kinh tế và ý kiến tham gia thảo luận của đại diện lãnh đạo các Bộ ngành TW, các Viện, các chuyên gia, các Hiệp hội và các doanh nghiệp đầu tư.
"Hội thảo sẽ đề xuất kế hoạch đầu tư hạ tầng giao thông tạo liên kết vùng phù hợp, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của các bên để tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ trên tuyến đường bộ Hành lang kinh tế Đông – Tây từ tỉnh Ubon RatchatThani (Đông Bắc Thái Lan) qua 4 tỉnh vùng Nam Lào đến các tỉnh khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi) qua cặp Cửa khẩu quốc tế Nam Giang – Đắc Tà Oọc.
Hội thảo còn đề xuất ưu tiên trước mắt là sớm đầu tư, nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 14D từ Cửa khẩu quốc tế Nam Giang về đường Hồ Chí Minh (74,4km) theo tiêu chuẩn quy định tại Nghị định 34/2023/NĐ – CP ngày 16/6/2023 nhằm kết nối hạ tầng giao thông đối nội, đối ngoại, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng của các bên liên quan gắn với đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng.
Đặc biệt, trong khuôn khổ hội thảo, Ban Tổ chức tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, dịch vụ vùng Nam Lào với Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, đồng thời, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về tỉnh Quảng Nam như, trưng bày triển lãm ảnh đẹp về du lịch và các sản phẩm du lịch Quảng Nam; trưng bày, trình diễn các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Quảng Nam; gặp gỡ, trao đổi của Phó Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam – Lào, của các Bộ trưởng hai nước Việt Nam – Lào…", UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.