Chủ trường mầm non vừa gồng gánh nỗi lo trường đóng cửa, vừa lo gia đình để chồng đi chống dịch

Tào Nga Thứ năm, ngày 09/12/2021 06:32 AM (GMT+7)
Từ khi dịch bùng phát, cô Huyền sống trong nỗi lo gồng gánh ngôi trường đầy tâm huyết của mình. Cuộc sống của cô càng khó khăn hơn khi một mình ở nhà chăm sóc 2 con nhỏ và em bé trong bụng với cơn nghén vật vã.
Bình luận 0

Cô giáo Trần Thị Thanh Huyền là chủ trường Mầm non Kaykon Montessori Kindergartentại TP.HCM. Từ khi dịch bùng phát, cô Huyền sống trong nỗi lo gồng gánh ngôi trường đầy tâm huyết của mình. Không những thế, cuộc sống của cô càng khó khăn hơn khi chồng cô là bác sĩ Đức Cường, làm ở Bệnh viện Nam Sài Gòn, lên đường làm nhiệm vụ. Một mình cô ở nhà cùng 2 con nhỏ và em bé trong bụng với cơn nghén vật vã. 

Chủ trường mầm non lấy chồng bác sĩ: Vừa lo trường đóng cửa, vừa lo gia đình để chồng đi chống dịch - Ảnh 1.

Cô Thanh Huyền, hiện là chủ trường tư thục ở TP.HCM. Ảnh: NVCC

Khởi đâu đầy gian truân

Tốt nghiệp Học viện hàng không với thành tích cao với bằng chứng nhận "Tài năng khoa học trẻ" nhưng cô Huyền lại dành tình yêu cho trẻ thơ. 6 năm trước, sau khi sinh con, cô đã chuyển sang học, nghiên cứu và bắt tay vào làm trong ngành giáo dục. 

Cô kể, thời gian đầu khó khăn, trường khởi động với chưa đầy 10 học sinh, kinh nghiệm làm trường hay kinh doanh riêng đều chưa có. Thế nhưng có lẽ chân thành đã đổi lấy chân thành, với ước mong xây dựng được "ngôi nhà hạnh phúc cho những đứa trẻ", sau đó ngôi trường của cô được mọi người biết đến nhiều hơn. Thế nhưng, chưa được bao lâu thì đợt dịch đầu tiên ập đến, kỳ nghỉ Tết âm lịch kéo dài đến nghỉ hè. Cô Huyền gặp không ít khó khăn. 

Sau đó, khi dịch bệnh ổn định, học sinh được đến trường nhiều hơn, cô "đánh liều" mở thêm cơ sở 2 ở một điểm gần nhà vào tháng 8/2020. Tuy nhiên, cuối năm 2020, một đợt dịch nữa bùng phát, cô và các giáo viên trong trường lại cùng nắm tay vượt qua khó khăn. Ngoài chi phí trả tiền nhà hàng tháng, cô Huyền cố gắng trả lương đầy đủ cho giáo viên và khi học sinh đi học lại, cô lên phương án dạy bù thêm vào ngày thứ 7 để cân bằng lương cho giáo viên.

Và rồi vào tháng 5/2020, đợt dịch nặng nề nhất của TP.HCM ập tới, các trường học đến nay vẫn tạm ngưng hoạt động chưa biết ngày nào đi học trở lại. Khó khăn đặc biệt đối với những trường mầm non tư thục khi đây là cấp học không thể thay thế bằng phương pháp học online. Tiền mặt bằng vẫn phải đóng, các chi phí duy trì vẫn phải trả, khấu hao đầu tư vẫn ra đi, nguồn thu thì không có một chút nào… áp lực lúc đó cộng với việc thương các cộng sự, các giáo viên của mình thất nghiệp nhiều tháng, có nhiều cô còn kẹt lại thành phố vẫn phải thuê nhà, vẫn phải trang trải phí sinh hoạt nên có ý định vào khu công nghiệp làm hoặc làm lễ tân tại các nhà hàng… khiến cô Huyền nhiều lúc rơi vào căng thẳng.

Chủ trường mầm non lấy chồng bác sĩ: Vừa lo trường đóng cửa, vừa lo gia đình để chồng đi chống dịch - Ảnh 2.

Cô Huyền và học sinh của mình. Ảnh: NVCC

Biến căng thẳng thành động lực

"Thời gian đầu khi mới nghỉ dịch, không có chồng ở bên, phải chăm sóc, dạy dỗ hai con nhỏ, ở những tháng đầu của thai kỳ nghén vật vã, nhiều lúc cũng thấy tủi thân, thấy áp lực lắm. Nhưng những lúc đó nghĩ đến bao nhiêu mảnh đời bất hạnh ngoài kia, phải gồng mình trong dịch, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, mình thấy vẫn còn may mắn, còn có một người chồng đang góp phần chống dịch là còn đáng tự hào lắm", cô Huyền kể lại.

Vậy là cô quyết định thay vì khóc lóc, thay vì tiêu cực phải vượt qua nghịch cảnh, mạnh mẽ đứng lên, bởi còn có các con, còn có cả một đội ngũ đứng phía sau, nếu mình yếu đuối thì mọi người sẽ nhìn vào đâu để lấy động lực, lấy tinh thần. 

Cô đăng ký học một khoá học quốc tế về chuyên ngành của mình. Sáng sáng miệt mài dậy học lúc 5h cùng với huấn luyện viên ở tận bên kia bán cầu. Cô còn kết nối nội bộ giữa các cô giáo, phụ huynh và học sinh. Cứ như vậy mà cả đội ngũ giáo viên của cô vẫn miệt mài học tập và làm việc để có những giờ kể chuyện, tạo hình, tập yoga online miễn phí vào mỗi cuối tuần cho các con. Không một dịp đặc biệt nào cô trò không gặp nhau qua màn ảnh, qua những bức thư để giành cho nhau những câu nói, những lời động viên ngọt ngào. 

Vào thời điểm Sài Gòn hết giãn cách nhưng các trường học vẫn chưa được mở cửa trở lại, cô cùng với quản lý cơ sở ngày đêm trăn trở, suy nghĩ, lên kế hoạch linh động vào mùa dịch, tạo ra các chương trình mới để các cô vẫn sống được với nghề và vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định của nhà nước. Nguồn thu nhập cho trường để bù đắp chi phí chẳng đáng là bao, lỗ vẫn kéo dài, nhưng ngày ngày được thấy các cô vẫn không từ bỏ nghề, thấy học sinh vui vẻ, phụ huynh hài lòng là cô thấy ấm áp lắm rồi. 

Liều thuốc tinh thần lớn nhất

Có lẽ động lực nhất giúp cô Huyền vượt qua khó khăn đó chính là người chồng của mình. Cô Huyền vui vẻ chia sẻ: "Nhà mình có 2 người thầy. Người thầy này gồng gánh nỗi lo chi phí hoạt động trường còn người thầy kia nhiều ngày không về vì phải ở lại bệnh viện chăm sóc bệnh nhân". 

Chủ trường mầm non lấy chồng bác sĩ: Vừa lo trường đóng cửa, vừa lo gia đình để chồng đi chống dịch - Ảnh 3.

Gia đình nhỏ của cô giáo Thanh Huyền. Ảnh: NVCC

Cô luôn tự hào về người chồng làm bác sĩ của mình khi có tới 40 lần hiến máu và luôn được bệnh nhân yêu thương. Cô Huyền kể, có một lần 2 vợ chồng đi ăn thì một cô bán hàng rong mang bịch trứng cút đến tặng vì nhận ra bác sĩ quen điều trị bệnh cho mình chỉ lấy chi phí… vài chục nghìn tượng trưng. Hay có lần đang đi dạo, một em bé chạy đến ôm chân chồng cô, mặt hớn hở gọi: "Bác sĩ, bác sĩ".

Rồi khi dịch Covid-19 đã lan rộng, chồng cô Huyền phải ra tuyến đầu chống dịch, cô ở nhà vừa lo cho chồng vừa vất vả cáng đáng việc gia đình, việc trường lớp. Nhưng cô không bao giờ kêu than bởi cô biết đó là nhiệm vụ cao quý của chồng, có thể trở thành hậu phương hỗ trợ đó là niềm vui của cô.

Dịch bệnh vẫn đang căng thẳng kéo dài nhưng nhìn những hình ảnh chồng cô gửi về từ bệnh viện, lời kể về những nữ bác sĩ có con nhỏ nhưng không được về nhà, những bác sĩ lớn tuổi cũng đang phải ăn ở tại bệnh viện trong một không gian chật chội và nóng bức, hay nhìn những con chủ trường không may mắn, không gồng gánh được mà phải sang nhượng, phải trao "đứa con" của mình cho người khác, nhìn những cô giáo phải đổi nghề… cô thấy những khó khăn của mình thật nhỏ bé!

>> BÀI 2: Giáo viên mầm non thất nghiệp vì dịch, tủi thân khi phụ huynh đăng tuyển như... tìm osin

>> BÀI 1: Giáo viên mầm non "sốc" khi mất việc vì dịch: Ngày chạy bàn hàng nước, tối rửa bát quán ăn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem