Chưa được hưởng mức lương mới, phụ huynh bất ngờ khi học phí có thể tăng gấp đôi

Tào Nga Thứ ba, ngày 16/05/2023 19:00 PM (GMT+7)
Hay tin Dự thảo Nghị quyết về học phí năm học 2023-2024 của Hà Nội công bố, học phí với học sinh vùng thành thị là 300.000 đồng/tháng, gần gấp đôi so với năm nay, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng.
Bình luận 0

Dự kiến tăng gần gấp đôi học phí từ năm học 2023-2024

Ngày 15/5, Hà Nội dự kiến mức học phí phổ thông bằng năm ngoái, nhưng dừng chính sách hỗ trợ nên số tiền thực đóng của phụ huynh ở một số bậc học sẽ tăng gần gấp đôi.

Cụ thể, học sinh THPT ở các xã miền núi đóng học phí 100.000 đồng một tháng, tăng hơn bốn lần so với mức cũ là 24.000 đồng. Cũng ở khu vực này, các bậc mầm non, THCS có mức đóng tăng khoảng hai lần, từ 19.000-24.000 đồng lên 50.000 đồng.

Ngoài ra, phụ huynh có con học mầm non và THCS ở nội thành sẽ phải đóng học phí gần gấp đôi, từ 155.000 đồng lên 300.000 đồng/tháng.

Học phí dự kiến với các cấp học ở Hà Nội từ năm 2023-2024 như sau:

Phụ huynh Hà Nội có thể đóng học phí tăng gấp đôi từ năm học 2023-2024  - Ảnh 1.

Mức thu học phí học trực tuyến bằng 75% mức thu học phí nêu trên, cụ thể như sau:

Phụ huynh Hà Nội có thể đóng học phí tăng gấp đôi từ năm học 2023-2024  - Ảnh 2.

Ngoài ra, Hà Nội cũng công bố dự thảo về mức trần học phí với các trường công lập chất lượng cao, không thay đổi so với năm ngoái.

Dựa vào mức trần và điều kiện của trường, của địa phương, các trường tự xây dựng mức học phí cụ thể. Hiện, Hà Nội có khoảng 20 trường chất lượng cao từ mầm non tới phổ thông. Những trường này có quy định riêng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sĩ số lớp 30-35 học sinh và phải tự đảm bảo chi thường xuyên (tiền lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...).

Mức trần học phí với các trường chất lượng cao như sau (đơn vị: đồng/học sinh/tháng):

Phụ huynh Hà Nội có thể đóng học phí tăng gấp đôi từ năm học 2023-2024  - Ảnh 3.

Hai dự thảo Nghị quyết được lấy ý kiến từ ngày 15/5, dự kiến trình HĐND TP Hà Nội vào tháng 9. Trước đó, năm 2022, mức học phí được HĐND TP Hà Nội thông qua dao động 50.000-300.000 đồng/tháng với trẻ mầm non và học sinh phổ thông.

Tuy nhiên, năm học 2022-2023, dù áp dụng mức học phí mới cao hơn, trên thực tế, số tiền thực đóng của phụ huynh không nhiều hơn năm học 2021-2022. Hà Nội cấp bù phần chênh lệch của học phí năm nay so với năm ngoái, tương đương khoảng 520 tỷ đồng.

Thông tin tăng học phí khiến nhiều phụ huynh băn khoăn

Chị Lê Mai Hương, quận Hà Đông, Hà Nội bày tỏ: "Là một phụ huynh có 2 con đang học THCS khu vực nội thành, tôi khá hoang mang khi nghe tin học phí tăng gấp đôi. Chúng ta vừa trải qua 2 năm Covid-19 khốc liệt, kinh tế tăng trưởng chậm. Bây giờ thêm gánh nặng học phí trong bối cảnh này thực sự là gia tăng áp lực cho chúng tôi".

Chị Hương chia sẻ thêm: "Hiện tại tổng tiền học cho 2 con mỗi tháng tôi phải đóng là 7-8 triệu đồng. Đây là mức đầu tư bình thường của một gia đình ở Hà Nội. Mấy tuần trước tôi nghe tin tăng lương cơ bản từ tháng 7, tôi vui ra mặt. Dù không nhiều nhưng cũng là một khoản nhỏ đỡ đần tiền chi phí sinh hoạt. Thế mà vừa nghe tiền lương tăng thì lập tức tiền điện thông báo tăng và bây giờ lại tiền học phí của con. Hơn nữa, hai năm qua, con học chương trình giáo dục phổ thông mới nên giá sách giáo khoa cũng đã cao hơn so với bộ sách cũ. Hết tiền sách giáo khoa cao hơn giờ lại đến thông tin tăng học phí. Mới chỉ nghe dự thảo tăng học phí nên tôi chưa biết cụ thể ra sao. Nhưng cứ tăng giá là tôi lo lắng không biết xoay xở thế nào rồi".

Chưa kịp hưởng tăng lương, phụ huynh hoang mang nghe tin học phí sắp tăng gấp đôi - Ảnh 4.

Phụ huynh mong học phí tăng đi đôi với chất lượng. Ảnh: Tào Nga

Còn với chị Hoàng Thị Thủy, quận Đống Đa, Hà Nội, việc tăng học phí không gây bất ngờ với chị. "Điều tôi quan tâm là chất lượng giáo dục. Việc tăng học phí chỉ phù hợp nếu như chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất tăng lên. Phụ huynh không ngại đóng thêm tiền để con có được môi trường học tốt nhất nhưng liệu tăng học phí rồi đầu năm học sinh có phải đóng tiền xã hội hóa nữa không, các khoản đóng góp khác có giảm đi không, học sinh có được thụ hưởng giáo dục tốt hơn không... đó mới là vẫn đề cần lưu tâm. Học phí tăng theo giá thị trường mà học sinh đi học không có gì thay đổi thì sẽ gây bức xúc cho dư luận thôi".

Chuyên gia giáo dục Hoàng Minh Đức cho rằng, phụ huynh lo lắng về học phí tăng là điều dễ hiểu, bởi học trường công lập chủ yếu là con em cán bộ, người làm công ăn lương cùng những gia đình lao động có thu nhập bấp bênh. Học phí tăng có thể lo được, nhưng theo quy luật sẽ có nhiều thứ khác tăng theo nằm ngoài phạm vi điều chỉnh như tiền học thêm cùng nhiều khoản đóng góp khác. 

"Còn một khía cạnh không kém phần quan trọng, học phí tăng gấp đôi nhưng cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy vẫn không tăng, điều này sẽ khiến mọi người cảm thấy bất hợp lý. Trong xu thế giảm dần học phí cho học sinh cả ba cấp học ở nhiều địa phương, dự thảo tăng học phí của Hà Nội không hề thuyết phục.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng việc tăng học phí là phù hợp với thực tế bây giờ vì giá cả đã leo thang. Thế nhưng cần phải có chính sách để người nghèo khỏi thất học, chính sách học 2 buổi ở trường và không phải học thêm các môn học nữa. Các em cần nhiều thời gian để vui chơi (có tổ chức), đừng bắt buộc các em phải học tập những điều không cần thiết. Ngoài ra, cần có chính sách cho vay, lãi suất thật thấp hoặc tài trợ, cho những gia đình có con đang học để các em có cơ hội học tập. Cần có câu trả lời cho những điều trên thì mới tăng học phí được và như thế tăng học phí không là gánh nặng cho gia đình", ông Đức nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem