Một chùa cổ ở Thanh Hóa với chuyện vua Lý Thái Tổ thân chinh đi đánh trận, dẹp giặc ở phương Nam

Vũ Thượng Thứ năm, ngày 08/06/2023 18:47 PM (GMT+7)
Chùa Long Cảm nằm ở núi Ốc Sơn trước kia (thôn Trang Các, xã Hà Phong), nay thuộc tiểu khu Trang Các, thị trấn Hà Trung (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), được xây dựng vào thời Lý Thái Tổ, sau sự kiện năm Thuận Thiên thứ 11 (1020), khi nhà vua thân chinh dẫn quân đi đánh trận, dẹp giặc phương Nam.
Bình luận 0

Một trong những ngôi chùa cổ ở Thanh Hóa

Theo sử cũ ghi chép, trên đường đi chinh phục đất phương Nam, vua Lý Thái Tổ đã cùng đoàn quân của mình đóng quân trên núi Ốc Sơn. Đêm đến nhà vua nằm mộng thấy vị thần linh ở núi hiện đến và hứa sẽ trợ lực cho nhà vua trong cuộc tiến quân này.

Clip: Chùa Long Cảm (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), gắn với câu chuyện Lý Thái Tổ chinh phục phương Nam thắng lợi

Sau đó, công cuộc chinh phục phương Nam thắng lợi, về tới kinh đô, truy nhớ lại sự tích trên và để trả ơn vị thần linh giúp sức, vua Lý Thái Tổ đã cho dựng trên núi Ốc Sơn một ngôi chùa lấy tên Long Cảm.

Chùa Long Cảm gắn với câu chuyện Lý Thái Tổ chinh phục phương Nam thắng lợi - Ảnh 2.

Chùa Long Cảm được xây dựng trên núi Ốc Sơn (tiểu khu Trang Cát, thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Vũ Thượng

Ni sư Thích Đàm Quang (75 tuổi, ở chùa Long Cảm) kể: "Trải qua gần 10 thế kỷ tồn tại, kiến trúc chùa Long Cảm đã bị thay đổi và nhiều lần tôn tạo, tu sửa. Dấu tích thời Lý chỉ còn lại là cột đá ở hiên chùa chính. Còn lại từ thượng Pháp đến kiến trúc chùa, bia ký, chuông đồng, khánh đá…đều mang dấu tích thời Lê-Nguyễn".

Chùa Long Cảm gắn với câu chuyện Lý Thái Tổ chinh phục phương Nam thắng lợi - Ảnh 3.

Bậc thang lên chùa Long Cảm phủ kín rêu xanh. Ảnh: Vũ Thượng

Qua tìm hiểu, chùa Long Cảm được xây dựng trên sườn núi Ốc Sơn và cấu trúc thành một thể liên hoàn: Cửa Tam Quan-Sân chùa-chùa chính-nhà thờ mẫu-nhà tổ, tiếp đó là nhà khách và nơi ở của nhà sư trụ trì. Từ sân nhìn xuống về phía đông ở khu đất thấp hơn là khu Xá Lỵ (cách khuôn viên chùa chính khoảng 15m).

Chùa Long Cảm gắn với câu chuyện Lý Thái Tổ chinh phục phương Nam thắng lợi - Ảnh 4.

Dấu tích thời Lý chỉ còn lại là cột đá ở hiên chùa chính. Ảnh: Vũ Thượng

Chùa chính (còn gọi là Tiền đường hay Bái đường) gồm 3 gian (rộng 10,50m x dài 11,80m = 123,90m2), có kết cấu vì kèo gỗ theo kiểu "chồng rường, giá chiêng" với 4 hàng chân cột, hai cột lớn và hai cột quân. Phía trên là câu đầu.

Trên câu đầu là hai cột trốn. Ở trên hai cột trốn này là một con đường dài nằm trên hai đầu cột trốn, tiếp đó là một con đường như nằm trên hai đấu bát. Trên cùng là một đấu vuông đỡ thượng lương.

Chùa Long Cảm gắn với câu chuyện Lý Thái Tổ chinh phục phương Nam thắng lợi - Ảnh 5.

Mảng chạm khắc hoa văn tại chùa Long Cảm. Ảnh: Vũ Thượng

Tại đây, lại có thêm một kiến trúc phụ được tạo ra bằng một xà ngang chạy từ hàng chân cột thứ 4 (từ trong ra phía trước) ăn mộng vào cột thứ 5. Ở trên xà ngang này là một vì kèo nhỏ tạo thành góc mái.

Vì thế mà trong kết cấu kiến trúc ở chùa chính này có 2 vì kèo nằm trên cùng một tuyến ngang (2 lớp vì kèo). Đây là dụng ý của người đời sau đưa vào với mục đích làm cho lòng công trình được mở rộng thêm.

Chùa Long Cảm gắn với câu chuyện Lý Thái Tổ chinh phục phương Nam thắng lợi - Ảnh 6.

Bộ khung gỗ tại chùa Long Cảm. Ảnh: Vũ Thượng

Về trang trí trên các vì kèo tại chùa Long Cảm, là những mảng chạm khắc hình các con giống như: rồng, ngựa, hươu…được tạo tác từ bên ngoài được gắn vào những bức cốn mê.

Chùa Long Cảm gắn với câu chuyện Lý Thái Tổ chinh phục phương Nam thắng lợi - Ảnh 7.

Hoa văn trên các thanh xà ngang tại chùa Long Cảm. Ảnh: Vũ Thượng

Hai pho tượng hộ pháp được đặt ở hai bên. Về hình dáng tượng được tạo hình người vũ sĩ mặc áo giáp, tay cầm khí giới, đầu đội mũ trụ, ngồi trên lưng sấu. Kích thước tượng lớn: cao 1,35m, đường kính 0,42m. Phía góc trái của chùa có một số bia chùa loại nhỏ và một số bệ thờ của những người gửi quả phúc.

Chùa Long Cảm gắn với câu chuyện Lý Thái Tổ chinh phục phương Nam thắng lợi - Ảnh 7.

Bên trong ngôi chùa Long Cảm. Ảnh: Vũ Thượng

Ở gian giữa của phật điện được bài trí tượng pháp của phật điện gồm 29 pho tượng phật với 5 lớp bàn thờ từ trên xuống thấp dần. Lớp bàn thờ ngoài cùng (thấp nhất) là hương án. Liền kề sát với hương án là nơi nhà sư ngồi tụng kinh, niệm phật.

Chùa Long Cảm gắn với câu chuyện Lý Thái Tổ chinh phục phương Nam thắng lợi - Ảnh 8.

Khu giảng đường chùa Long Cảm vừa xây mới. Ảnh: Vũ Thượng

Hiện ngôi chùa đã xây dựng xong khu đại Giảng đường-Nhà khách dưới chân núi để có nơi hoằng dương chính pháp, và mở các khóa tu cho tín đồ phật tử. Bởi khu chùa chính chỉ vẻn vẹn 100m2, không có địa thế  tổ chức các khóa tu và nghe giảng cho tín đồ phật tử. Tổng giá trị kinh phí xây dựng trên 6 tỷ đồng

Khánh đá cổ ở ngôi chùa nghìn năm tuổi mãi vang vọng

Ni sư Thích Đàm Quang cho biết: "Tại chùa Long Cảm đang có cặp khánh đá, nặng khoảng 300-400kg, cùng màu đá xanh xám, được treo ngay ngắn trên các trụ đá và đặt gần nhau".

Chùa Long Cảm gắn với câu chuyện Lý Thái Tổ chinh phục phương Nam thắng lợi - Ảnh 9.

Ni sư Thích Đàm Quang đang gõ vào khánh đá cổ ở chùa Long Cảm. Ảnh: Vũ Thượng

Điểm khác của cặp khánh đá này là một chiếc có hoa văn chạm trổ hình đám mây, một chiếc đơn thuần là phiến đá lớn tạc hình bán nguyệt được làm phẳng. Căn cứ vào các thư tịch cổ và văn tự khắc trên đôi khánh đá, các nhà nghiên cứu lịch sử đều có chung nhận định, chúng không có chung nguồn gốc cũng như niên đại.

Chùa Long Cảm gắn với câu chuyện Lý Thái Tổ chinh phục phương Nam thắng lợi - Ảnh 10.

Cặp khánh đá nặng hàng trăm kg tại chùa Long Cảm. Ảnh: Vũ Thượng

Theo ni sư Thích Đàm Quang, chiếc khánh lớn có họa tiết hoa văn vốn không phải của nhà chùa Long Cảm. Trước đây nó ở trong ngôi chùa bên làng Thượng (xã Hà Phong). Do trước đó, chùa Thượng bị đổ, nhiều đồ thờ bị vỡ hỏng, có người tiếc chiếc khánh quý bèn đem giấu xuống ao bèo để bảo quản. Sau này, người đó thuê người trục vớt lên, đem về chùa Long Cảm cung tiến nên nhà chùa treo bên cạnh chiếc khánh cổ ở sân.

Chùa Long Cảm gắn với câu chuyện Lý Thái Tổ chinh phục phương Nam thắng lợi - Ảnh 11.

Ngoài hai chiếc khánh đá cổ, chùa Long Cảm còn có quả chuông được đúc hơn 200 năm trước. Ảnh: Vũ Thượng

Riêng chiếc khánh đá cổ của chùa Long Cảm, ni sư Thích Đàm Quang cũng không rõ có từ bao giờ. Nhìn khánh đá cổ trông giản dị, mộc mạc, không có hoa văn, lại bị sứt một mảng to nơi thường dùng để gõ, có thể do sử dụng nhiều…

Chùa Long Cảm gắn với câu chuyện Lý Thái Tổ chinh phục phương Nam thắng lợi - Ảnh 12.

Những chiếc chum, vại dùng để trồng cây cảnh tại chùa Long Cảm. Ảnh: Vũ Thượng

Điểm khác biệt lớn nhất của hai chiếc khánh cổ còn nằm ở tiếng ngân vang. Ni sư Thích Đàm Quang thông tin: "Chiếc khánh đá cũ chỉ cần lấy tay vỗ vỗ sẽ phát ra những tiếng kêu trầm bổng ngân dài. Nếu dùng vồ gỗ gõ mạnh, nó ngân như tiếng chuông đồng, vang xa. Còn với chiếc khánh lớn mới được đưa về từ làng Thượng, dù gõ mạnh đến mấy cũng chỉ phát tiếng nhỏ".

Chùa Long Cảm gắn với câu chuyện Lý Thái Tổ chinh phục phương Nam thắng lợi - Ảnh 13.

Loài hoa được trồng trên núi Ốc Sơn tại chùa Long Cảm. Ảnh: Vũ Thượng

Hiện nay, không còn nhiều chiếc khánh đá cổ như ở chùa Long Cảm. "Âm thanh của khánh đá có tác dụng rất mầu nhiệm với người tu thiền. Các thiền sư một khi đã nhập định đến một cảnh giới nào đó thì trời long đất lở xung quanh, thân tâm của các vị ấy vẫn bất động", ni sư Thích Đàm Quang nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem