Chứng khoán Yuanta: Cuộc khủng hoảng Evergrande đang được giải quyết từng phần

19/08/2023 18:23 GMT+7
Câu chuyện của cuộc khủng hoảng xoay quanh Evergrande cũng như sự dịch chuyển dòng tiền là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường tài chính trong thời gian gần đây.

Hôm nay, tọa đàm "Sóng chứng khoán 2023 V hay W?" đã được tổ chức bởi công ty chứng khoán Yuanta. Tại tọa đàm, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhiều phân tích về tình hình kinh tế và lạm phát thế giới, cuộc khủng hoảng Evergrande cũng như ảnh hưởng của nó đến dòng tiền vào các thị trường tài sản bao gồm cổ phiếu, trái phiếu toàn cầu.

Sự dịch chuyển dòng tiền toàn cầu đang hướng về cổ phiếu

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Công ty Chứng khoán Yuanta, dựa trên dữ liệu lịch sử, năm 2022 có thể coi là năm đầu tiên trong lịch sử, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có sự điều chỉnh lãi suất mạnh tay đến như vậy, sau này, tốc độ tăng lãi suất đã được giãn ra.

Tăng trưởng GDP của phần lớn các nền kinh tế trên thế giới có dấu hiệu lập đáy và hồi phục trở lại. Duy nhất khu vực châu Âu hiện vẫn đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát cao, kinh tế vẫn đang có dấu hiệu khó khăn. Tuy nhiên riêng với thị trường Mỹ tăng trưởng đang có dấu hiệu hồi phục trở lại.

Chứng khoán Yuanta: Cuộc khủng hoảng Evergrande đang được giải quyết từng phần - Ảnh 1.

Tọa đàm "Sóng chứng khoán 2023 V hay W?" đã được tổ chức bởi công ty chứng khoán Yuanta.

Theo phân tích của ông Minh, từ đầu năm cho đến nay, đặc biệt sau thời điểm tháng 2/2023, dòng tiền đã bắt đầu có xu hướng quay lại các quỹ hoán đổi danh mục (ETFs). Dòng tiền này nếu trong quý 1/2023 chủ yếu chảy vào kênh trái phiếu, từ tháng 5/2023, dòng tiền quay trở lại với quỹ chuyên đầu tư vào thị trường cổ phiếu, đặc biệt thị trường cổ phiếu Mỹ, đến gần đây thậm chí đã đạt mức kỷ lục.

Trong thời gian gần đây, lợi suất trái phiếu tăng nóng, nó phản ánh cho thực tế giá trái phiếu đã không còn tốt nữa, dòng tiền chủ yếu tập trung ở cổ phiếu và cổ phần doanh nghiệp. Tình hình thị trường Việt Nam trong giai đoạn trên cũng tương đối tương đồng với thị trường toàn cầu.

Phân tích của ông Minh cho thấy đường cong lợi suất gộp (mức lợi suất kỳ hạn dài trừ cho kỳ hạn ngắn), lấy lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm trừ đi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 1 năm, mức chênh lệch này càng giảm, càng thấp hoặc thậm chí âm, dấu hiệu suy thoái kinh tế đang lớn dần. Theo dữ liệu lịch sử, mỗi khi hiện tượng này xảy ra, thường có khủng hoảng kinh tế tiếp diễn.

Nhìn vào cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thời kỳ 2007 – 2008, đường cong lợi suất gộp này giảm rất mạnh. Trong những năm thế giới đương đầu với đại dịch COVID-19 trong thời gian qua cũng từng có dấu hiệu này xảy ra.

Chứng khoán Yuanta: Cuộc khủng hoảng Evergrande đang được giải quyết từng phần - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Khắc Minh Tâm – trưởng nhóm nghiên cứu và phân tích thuộc công ty chứng khoán Yuanta,

Trong bối cảnh này, thực sự cần đến việc GDP tăng trưởng trở lại. Gần đây, tín hiệu sáng nhất mà toàn cầu đều chờ đợi chính là GDP Mỹ đang hồi phục trở lại. Qua đó, ông Minh khẳng định có yếu tố để tin rằng cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ không xảy đến.

Trong lịch sử cũng từng có thời điểm dấu hiệu suy thoái xảy đến, nhưng cuối cùng kịch bản suy thoái đã không trở thành sự thật (thời điểm năm 1982 – 1983). Những gì đang diễn ra ở hiện tại khá giống với thời kỳ toàn cầu năm 1982 – 1983.

Trong lịch sử khủng hoảng gần đây nhất, chỉ báo về đường cong lợi suất gộp này cũng dự báo về suy thoái; gần đây một số định chế lớn trên thế giới vẫn lo lắng về rủi ro suy thoái này, tuy nhiên theo quan điểm của ông Minh, sẽ cần phải chờ đến năm 2024 để có thể chắc chắn rằng suy thoái có xảy ra hay không.

Tình hình tại Evergrande đang diễn biến theo chiều hướng tích cực

Mới đây, kinh tế tài chính thế giới chứng kiến diễn biến gây chú ý, đó chính là việc tập đoàn bất động sản Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 15 Luật Phá sản Mỹ. Thông tin về vụ việc được cho là đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt châu Á ngay trong phiên gần nhất. Thị trường chứng khoán Hồng Kông mất 2% còn thị trường chứng khoán Thượng Hải mất 1% giá trị.

Nhận xét về câu chuyện liên quan đến Evergrande, ông Nguyễn Khắc Minh Tâm – trưởng nhóm nghiên cứu và phân tích thuộc công ty chứng khoán Yuanta, nói rằng trước tiên cần phải nhìn vào bối cảnh của thị trường bất động sản Trung Quốc.

Ông Tâm cho biết dựa trên những chia sẻ của nhiều chuyên gia Trung Quốc mà ông có cơ hội làm việc cùng, thực trạng của thị trường bất động sản Trung Quốc hiện đang rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đã xây sẵn nhà và chờ người vào ở, nguồn cung thừa quá nhiều và giờ họ tìm người vào đó để ở, đưa ra chính sách có lợi cho người mua nhà nhưng vẫn không thực sự thành công.

Bối cảnh thị trường nhà đất Trung Quốc hiện đang khó khăn, nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy cao có thể sẽ tiếp tục vỡ nợ ví như Country Garden. Sau diễn biến mới nhất, tình hình của Evergrande có thể được giải quyết phần nào và đang trong chiều hướng tốt hơn.

Ông Tâm đồng thời nhắc đến việc cách đây chỉ vài ngày, một hãng xe ở Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bất ngờ rót 500 triệu đô la Mỹ vào Evergrande NEV, công ty xe điện của China Evergrande Group, tập đoàn bất động sản đã vợ nỡ của Trung Quốc. Như vậy loạt diễn biến mới nhất cho thấy tình hình tại Evergrande đang cải thiện theo chiều hướng tốt hơn, họ giải quyết cuộc khủng hoảng nội tại từng phần chứ không phải sự đổ vỡ đồng loạt như Lehman Brothers của năm 2008.

Ngọc Diệp
Cùng chuyên mục