Chuyện của lão nông mê đồ cổ

Thân Thị Thanh Trâm Thứ hai, ngày 19/05/2014 08:36 AM (GMT+7)
Ông Võ Văn Xuân (70 tuổi, thôn Thanh Ly 1, xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) được nhiều người gọi cái tên trìu mến là “ông Xuân đồ cổ”. Bởi ông có niềm đam mê sưu tầm đồ cổ từ khi còn trai trẻ.
Bình luận 0
Trên tuyến đường quốc lộ 1A, đoạn chạy qua xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, ngôi nhà nhỏ của ông Xuân luôn được nhiều người dân biết đến, vừa là nơi dừng chân tránh nắng, hàn huyên, vừa là để thỏa trí mê, ngắm đồ cổ.

Ông không có “máu” chơi đồ cổ như bao người khác, không đánh đổi tất cả mọi thứ để lấy một món đồ cổ. Với ông, chơi đồ cổ nhẹ nhàng như ánh nắng chiều lọt qua kẽ lá, chơi là để thỏa một nỗi đam mê.

Ông kể rằng, ông có đam mê sưu tập đồ cổ từ khi còn rất nhỏ. Nhưng vì chiến tranh, loạn lạc nên ông phải từ giã niềm đam mê ấy để lên đường nhập ngũ. Sau này khi trở về, giữa bộn bề những nỗi lo đời thường, ông vẫn dành thời gian cho cái niềm đam mê ấy. Vào mỗi tháng, ông thường dành một khoảng thời gian để cùng chiếc xe đạp của mình đi khắp các huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, có khi sang Quảng Ngãi để sưu tầm và thu mua đồ cổ.

img

Cứ như vậy qua thời gian, số lượng đồ cổ của ông tăng dần, và nhiều mẫu mã khác nhau. Đó có khi là chiếc cối xay lúa, mũ cối, máy đánh chữ, đèn Tây… của thời Pháp để lại. Nhất là chum, vại, tách uống trà và một số đồ dùng sinh hoạt thời xa xưa để lại. Có khi ông vô tình tìm chúng ở bãi rác, có khi là ở các nơi buôn bán phế liệu…

Cũng có nhà biết đó là đồ cổ, nên ông nài nỉ mãi mới mua được. Gía cả đồ cổ ông sưu tầm tùy thuộc vào mỗi loại đồ cổ đó. Có loại chỉ cần tốn vài chục ngàn là có thể mua được, có loại phải tốn cả chục triệu mới mua được. Nhưng vì đam mê nên ông luôn sẵn sàng mua, dù giá cả có cao hơn một chút.

Số lượng đồ cổ ông mua được chủ yếu là các loại hũ, chum ở các vùng ven biển Quảng Nam. Bởi những chiếc chum có niên đại hàng trăm năm này, được nhiều người dùng để…muối cá, đựng nước sinh hoạt hàng ngày mà vẫn không hề sức mẻ, mà rất bền, chắc.

img
Ông tìm đến với đồ cổ ngoài đó là sở thích, niềm đam mê, thì ông còn cho rằng đó còn xuất phát từ sự lãng mạn, hoài cổ vốn có trong con người ông. Ông tiếc nuối những vật dụng, những thứ gắn liền với sinh hoạt, với cuộc sống của cha ông để lại. Nhưng đồ cổ mà một số gia đình không biết giá trị của nó, đã vứt đi. Và ông đi lượm lặt, thu gom về để cất giữ, để nâng niu.

Ông Xuân còn cho rằng những thứ đồ cổ đó tuy có giá chẳng là bao, nhưng nó mang đậm nét văn hóa của dân tộc. So với những vật dụng hiện đại bây giờ, thì đồ cổ vẫn là sự lựa chọn và yêu thích của nhiều người. Nói xong, ông lấy một ví dụ làm minh chứng. Ông pha trà bằng hai cách. Cách đầu tiên bằng chiếc ấm pha hiện đại, cách thứ hai pha bằng trà được ủ kín trà trong chiếc ấm cổ ấy. Sau vài phút mang ra uống thử, thì quả nhiên việc pha trà bằng đồ cổ ngon hơn, giữ được hương vị trà hơn so với cách pha trà theo kiểu “hiện đại”.

img

Tuy tuổi đã cao và phải lo lắng vấn đề cơm, áo, gạo, tiền nhưng nhất quyết ông không chịu bỏ niềm đam mê của cuộc đời mình. Ông tâm sự “Ở đời mỗi người chỉ sống một lần, nếu lúc nào cũng mãi nghĩ về vật chất, mà không làm gì để theo đuổi đam mê của mình, thì thật uổng cuộc đời”.

Đã bước sang cái tuổi 70, nhưng trông ông Xuân cũng còn nhanh nhẹn lắm. Trong bộ sưu tập đồ cổ của ông, hiện có 5 chiếc xe đạp cổ. Và đã có một du khách đến từ Trung Quốc trả giá gần 20 triệu/chiếc nhưng ông không muốn bán.

Với ông, điều quan trọng bây giờ là vấn đề về sức khỏe. Nhìn những vật dụng thời kháng chiến chống Pháp, như gợi cho người ta nhớ về một thời đấu tranh hào hùng của dân tộc. Đó là chiếc cối xay gạo nuôi du kích, đó là chiếc mũ cối theo ông cha ra đồng, hay những chum, vại là nơi cất giấu của ăn của để cho con cháu…

img

Theo lời khẳng định của ông, ông càng khỏe chừng nào thì ông sẽ độc hành cùng chiếc xe đạp lên rừng xuống biển trong và ngoài tỉnh để sưu tầm đồ cổ. Mỗi đồ cổ đều gắn liền với những kỉ niệm và tâm huyết của ông. Có cái đi cả tháng trời mới tìm được, có cái thì chẳng tốn công sức bao nhiêu. Nhưng đã quyết là làm, trừ những khi mỏi chân, đau lưng thì ông mới chịu ở nhà. Nếu không ông vẫn thong thả đạp xe qua các vùng quê, để săn tìm đồ cổ.

Tôi ra về, khi cái nắng chói chang vẫn đuổi theo phía sau lưng. Và lòng tự hỏi, lần sau nếu tạt vào quán nào đó trên đường quốc lộ, biết có còn gặp một ông lão đam mê đồ cổ, với khát vọng sống có ích cho đời như ông Xuân nữa hay không. Trong khi nỗi lo về vấn đề kinh tế, về vật chất cứ gặm nhấm hầu hết nhiều người, để rồi đôi lúc người ta quên mất những gì tốt đẹp từ hai chữ “dĩ vãng”, mà một thời của cha ông đã để lại.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem