Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân

PVKT Thứ sáu, ngày 13/10/2023 06:00 AM (GMT+7)
Sáng nay (13/10), tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội diễn ra hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chủ trì và giao cho Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt điện tử trực tiếp thực hiện.
Bình luận 0

Hội thảo nằm trong chuỗi Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2023 và sự kiện Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân lần thứ 5 năm 2023. Hội thảo diễn ra vào dịp kỷ niệm 93 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2023) và kỷ niệm Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10/2023.

Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban KTTW; đồng chí Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo Bộ Công An, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tham dự hội thảo có đại diện các ban, bộ, ngành như Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, và các ngân hàng, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Viettel, Mobifone, VNPT, FPT… các chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp. Đặc biệt là sự có mặt của 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 và 63 hợp tác xã tiêu biểu do Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập

Sáng nay 13/10, hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân" diễn ra tại Hà Nội - Ảnh 1.

Sáng nay 13/10, hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân" diễn ra tại Hà Nội

Chuyển đổi số ngày nay đã trở thành xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, chuyển đổi số được xem là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội XIII.

Theo số liệu từ Vụ Kinh tế số và xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số trên GDP đến cuối tháng 6/2023 đã đạt 14,96%, so với mục tiêu 20% vào năm 2025; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7,5% (mục tiêu năm 2025 là 10%); tỷ lệ nhân lực lao động trong lực lượng lao động thậm chí vượt mục tiêu đề ra cho năm 2025, khi đạt 2,3%,…

Đây là kết quả bước đầu của chuyển đổi số nền kinh tế, trong đó, không thể không nhắc đến kết quả chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành nông nghiệp và ngành ngân hàng - được xác định là hai trong tám lĩnh vực cần ưu tiên theo Quyết định 749/QĐ-TTg (2020) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

"Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của kinh tế số khá ấn tượng, gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam, hiện đang dẫn đầu Đông Nam Á và thứ 2 khu vực", ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.

Về phía ngành ngân hàng, chia sẻ với Dân Việt trước thềm hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, tương tự như ngành nông nghiệp lấy nông dân làm trung tâm của chuyển đổi số, ngành ngân hàng lấy khách hàng làm trung tâm của chuyển đổi số, làm thước đo của kết quả chuyển đổi số thông qua tiện ích gia tăng, trải nghiệm của người dùng.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng hành cùng các tổ chức tín dụng hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số, thông qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế. NHNN đã ban hành 1 loạt Thông tư, quyết định để các tổ chức tín dụng tổ chức hoạt động chuyển đổi số. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng không ngừng sáng tạo và linh hoạt trong việc cấp các dịch vụ tài chính cho người nông dân, thông qua việc tổ chức ngân hàng di dộng, qua đó người nông dân có thể tiếp cận dịch vụ thanh toán điện tử trên môi trường số.

Ngành ngân hàng cũng đã tham mưu cùng các bộ ngành triển khai các dịch vụ như mobile money để giúp người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo tiếp cận được dịch vụ thanh toán số.

Đến 7/2023, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 51%, trong đó Internet Banking tăng 66% đó là mặt số lượng còn về mặt giá trị tăng 4%. Còn môi trường mobile tăng 63% về mặt số lượng và về mặt giá trị là 12%. Riêng về QR Code tăng trưởng cực kỳ ấn tượng tăng 124% về mặt số lượng, còn về giá trị tăng 14%.

Sáng nay 13/10, hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân" diễn ra tại Hà Nội - Ảnh 2.

Nguồn: SBV

Về mobile money, hết tháng 8/2023, tổng số tài khoản mobile money được mở là 5,2 triệu, trong đó có 3,6 triệu tài khoản mở ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, với hàng chục nghìn điểm kinh doanh và hàng trăm nghìn điểm chấp nhận thanh toán mobile money. Đây chính là những minh chứng cho thấy công tác chuyển đổi số của ngành ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả khích lê, nhiều con số ấn tượng.

Nông dân Phạm Văn Quyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nam Việt (Hải Phòng) chỉ ra nhiều ưu điểm khi sử dụng các dịch vụ tài chính số, ngân hàng số. Các ưu điểm đó là: Giảm thiểu thời gian giao dịch; tăng tính thuận lợi trong mua bán; tiết kiệm chi phí; minh bạch hóa dòng tiền,…

"Hãy thử hình dung xem thương mại điện tử của Việt Nam sẽ ở đâu nếu chúng ta vẫn chỉ thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán tiền hàng cho đối tác chỉ được thực hiện tại quầy giao dịch của các ngân hàng?", ông Quyên đặt câu hỏi để khẳng định tầm quan trọng các dịch vụ tài chính số, ngân hàng số đối với hoạt động sản xuất kinh doanh; đặc biệt là tại vùng nông thôn – nơi hạ tầng giao thông chưa thực sự thuận lợi như tại các vùng thành phố, đô thị.

Dù nhiều tiện ích song việc số hóa các dịch vụ tài chính, ngân hàng còn nhiều thách thức và khó khăn, nhất là với khu vực nông thôn.

Hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân" sẽ là diễn đàn để các cơ quan chức năng, nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp, các chuyên gia và nông dân trong cả nước cùng trao đổi, thảo luận về lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho mỗi người nông dân; cũng như chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong khuôn khổ pháp lý về luật giao dịch điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử, tình trạng mất cắp tài khoản, mua bán dữ liệu, nhận thức của các bộ, ngành, địa phương, người dân… Qua đó, đề xuất, kiến nghị với Nhà nước về những giải pháp giải quyết những vướng mắc về khung pháp lý, cũng như nguồn lực tài chính, hạ tầng viễn thông… cho chuyển đổi số tài chính, ngân hàng tại khu vực nông thôn diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn.

Nội dung Hội thảo gồm 02 chủ đề chính: (i) Chuyển đổi số tài chính, ngân hàng: Những kết quả đáng khích lệ; (ii) Tháo gỡ những vướng mắc trong chuyển đổi số tài chính, ngân hàng.

Các tham luận, trao đổi sẽ tập trung vào một số nội dung như: Tầm quan trọng của kinh tế số và vai trò của chuyển đổi số tài chính, ngân hàng tại khu vực nông thôn; Đánh giá của nông dân khi trải nghiệm các dịch vụ, sản phẩm số của ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông; Hạ tầng số, cơ sở dữ liệu, bảo mật hiện tại đã đáp ứng được nhu cầu phát triển các sản phẩm tài chính số chưa? Kinh nghiệm triển khai sản phẩm tài chính, ngân hàng số ở nước ngoài; Kinh nghiệm hỗ trợ nông dân, ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông trong chuyển đổi số; Vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong tuyền truyền, đào tạo nông dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số tài chính, ngân hàng và nâng cao hiểu biết trong quá trình sử dụng sản phẩm tài chính số; Xây dựng khung pháp lý, triển khai các sản phẩm tài chính số như chữ ký số, hợp đồng số, giao dịch điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu; Các vấn đề về an toàn, an ninh không gian mạng, tình trạng mất tài khoản, lộ dữ liệu thông tin người dùng khi tham gia không gian số;...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem